FE Credit bước vào chu kỳ tăng trưởng mới, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận 2025 tăng 20-25%
Đại diện VPBank kỳ vọng lợi nhuận năm 2025 của Tập đoàn tăng 20-25% so với năm 2024, dựa trên nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ và chu kỳ tăng trưởng mới của FE Credit.
Tại hội nghị nhà đầu tư chiều ngày 18/02/2025, đại diện Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HOSE: VPB) đã chia sẻ những nhận định về tình hình vĩ mô trong năm 2025 và kế hoạch kinh doanh cho Tập đoàn và các công ty con trong hệ sinh thái.
Nhiều yếu tố vĩ mô hỗ trợ thuận lợi cho ngành ngân hàng trong năm 2025
Ông Vũ Minh Trường - Giám đốc Trung tâm quản lý nợ tài sản VPBank đánh giá năm 2025, FDI tiếp tục là động lực tốt cho tăng trưởng kinh tế, đặc biệt gần đây Chính phủ có nghị định liên quan đến đầu tư vào ngành công nghệ cao, các dòng vốn FDI đưa vào Việt Nam sẽ tạo động lực tăng trưởng tốt.
Thế giới đang trên đà hạ lãi suất, dù dư địa hạ lãi suất của Mỹ không còn nhiều nhưng đây sẽ là yếu tố thuận lợi giúp cho xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng hơn.
Vấn đề địa chính trị, đặc biệt là tại Trung đông và Nga-Ukraine được kỳ vọng ổn định hơn.
Điểm quan trọng là Chính phủ có thể xem xét thuế đối với mảng bất động sản, khi đầu cơ vào bất động sản sẽ phải chịu thuế lớn hơn, giúp ổn định thị trường bất động sản, tạo tiền đề phát triển tốt hơn trong thời gian tới.
Đây là những yếu tố tạo thuận lợi cho kinh tế hơn trong năm 2025, tuy nhiên vẫn còn một số điểm đáng lo ngại.
Các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể ảnh hưởng nhu cầu đầu tư và tiêu dùng của thế giới, khi thuế áp dụng trên diện rộng.
Vấn đề trong nước là tỷ giá và dòng ngoại tệ ra vào của Việt Nam chưa được cân đối, có thể gây áp lực lên lãi suất. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Chính phủ đang mong muốn giữ mặt bằng lãi suất thấp hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, khó để duy trì tiếp mặt bằng lãi suất ở mức hiện tại. Nếu lãi suất không được kiểm soát tốt sẽ là yếu tố rủi ro cho mảng bất động sản.
Nhìn chung, lạm phát năm 2025 có thể tăng lên trên 4%. Tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng tăng trưởng tốt và cao hơn huy động, do đó ảnh hưởng đến chi phí vốn, vì vậy khi lãi suất tăng cũng ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng. Các ngân hàng cố gắng duy trì nhiều kênh huy động khác nhau, trong đó có CASA, làm sao để kiểm soát NIM không bị ảnh hưởng.
Kế hoạch lợi nhuận hợp nhất VPBank tăng 20-25%, chia cổ tức
Bà Lưu Thị Thảo - Phó Tổng Giám đốc thường trực VPBank chia sẻ, mở rộng hệ sinh thái VPBank tiếp tục là định hướng lớn sẽ tập trung trong năm 2025. Với bối cảnh vĩ mô hiện nay, năm 2025, mục tiêu tăng trưởng của VPBank trong khoảng 20-25%. Nếu kinh tế thuận tiện tích cực hơn, kịch bản sẽ tham vọng hơn.
Bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) vẫn là 2 phân khúc chiến lược, VPBank đặt mục tiêu tăng trưởng 30-40% cho 2 phân khúc này.
Khi tham gia nhận chuyển giao bắt buộc GPBank, VPBank có dư địa lớn cho tăng trưởng tín dụng, vấn đề là tăng trưởng thế nào cho bền vững. Khi nhận thấy bất động sản vẫn là một trong những cơ hội tăng trưởng cho ngân hàng, VPBank vẫn tiếp tục cho vay, từ đó tạo ra cơ sở nền tảng cho vay bán lẻ. Song song phân khúc truyền thống, VPB cũng tìm kiếm cơ hội cho vay bất động sản khu công nghiệp, cho vay xanh, nhà ở xã hội,… là những mảng song song mục tiêu lợi nhuận.
Tệp khách hàng FDI cuối năm 2024 đạt hơn 500 khách hàng với quy mô huy động gần 9,000 tỷ đồng, cho vay gần 4,000 tỷ đồng. Mục tiêu đến năm 2025 có thể tăng lên 1,000 khách hàng.
VPBank đặt ra mục tiêu cơ sở với tăng trưởng tín dụng khoảng 20-25%, tăng trưởng huy động đa dạng hóa hơn với mục tiêu trên 30%. Ngân hàng kỳ vọng duy trì NIM trong năm 2025.
Khi NHNN ngừng giãn hoãn nợ vào cuối năm 2024, quy mô nợ cơ cấu của VPBank còn 10,000 tỷ đồng. Hầu hết khoản vay sau thời kỳ tái cấu trúc trở về bình thường, chỉ còn 3-4% cần tái cấu trúc tiếp. Trong năm 2025, cải thiện chất lượng dư nợ cho vay mới, tồn đọng cũ cũng được đưa vào xử lý nợ, góp phần đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3%.
Song song với chương trình tái cấu trúc và quản trị mô hình Tập đoàn, các công ty con như VPBankS, OPES, FE Credit cũng đã hoàn thiện chương trình hành động, kỳ vọng lợi nhuận Tập đoàn tăng 20-25% so với năm 2024.
Với bức tranh này, nằm trong cam kết của Chủ tịch Ngân hàng sẽ có chương trình chia cổ tức, tỷ lệ cụ thể sẽ được trình tại ĐHĐCĐ vào tháng 4 tới.
2025 bắt đầu chu kỳ tăng trưởng mới của FE Credit
Nói riêng về FE Credit, bà Thảo cho biết quá trình tái cấu trúc tại đây đã diễn ra hơn 1.5 năm và đạt được một số kết quả tích cực trong năm 2024.
Dư nợ tăng trưởng tín dụng FE cuối năm 2025 đạt hơn 62,000 tỷ đồng, tăng 10%. Doanh số giải ngân mới trong năm 2024 tăng 40% so với năm 2023.
Trong quá trình tái cấu trúc, song song đẩy mạnh hợp tác với một số đối tác như Thế giới Di động để đa dạng hóa tệp khách hàng, FE cũng số hóa quy trình bán hàng, một số sản phẩm tập trung nhiều kênh khác nhau. Sự tăng trưởng ở hầu hết sản phẩm chủ lực của FE như vay cá nhân, vay xe 2 bánh,…
Chi phí huy động nằm trong bức tranh chung của Ngân hàng, đây là điểm sáng của cả VPBank và công ty con, chi phí vốn giảm 2%, và chi phí vốn riêng FE cũng giảm 2.3%.
Thu hơn 2,800 tỷ đồng thu hồi nợ, đây là mức lớn hơn nhiều so với các năm trước.
Chi phí hoạt động khi tái cấu trúc FE, hướng đến nâng cao năng suất lao động và tối ưu hóa bộ máy quản trị điều hành, giảm chi phí hoạt động FE.
FE tăng trưởng tốt hơn về doanh thu, kiểm soát tốt kết quả thu hồi nợ, chi phí, dù FE chưa quay trở về thời kỳ trước đây nhưng kết quả lợi nhuận 500 tỷ đồng quay trở lại là kết quả khá tích cực.
Kỳ vọng 2025 là năm có nhiều tín hiệu tích cực cho nền kinh tế nói chung và dư địa cho vay tiêu dùng bước vào thời kỳ mới.
Dư địa tăng trưởng quy mô tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam còn khá nhiều, mới trên 10%, mức này cho thấy dư địa còn khá nhiều khi so với một số nước khác như Hàn Quốc (40%), HongKong (20%).
Năm 2025 tạo ra cơ hội cho FE quay trở về bứt tốc, mục tiêu FE tăng tín dụng 15%. Thực hiện thông qua trụ cột tái định hình, củng cố, phát triển, tăng trưởng kinh doanh, trải nghiệm khách hàng, số hóa quy trình, tạo niềm tin đối với khách hàng.
"Khó khăn của FE không nằm ngoài khó khăn chung của tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam. Thị phần và vị thế của FE không có gì thay đổi, chúng tôi tự tin 2025 sẽ bắt đầu chu kỳ tăng trưởng mới của FE", bà Thảo khẳng định.
Đang định hình chiến lược cho tái cấu trúc GPBank
Đối với đề án chuyển giao bắt buộc GPBank, bà Thảo cho biết mục tiêu dài hạn chia thành từng giai đoạn cụ thể.
Về tài chính, không có ảnh hưởng lớn đến VPBank. Xét trong nhóm 0 đồng, GPBank là ngân hàng quy mô tương đối nhỏ về tổng tài sản và nợ xấu. Theo đề án Luật Các tổ chức tín dụng mới, khi nhận chuyển giao bắt buộc, không hợp nhất BCTC và không tính đến tỷ lệ an toàn. Do vậy, không ảnh hưởng đến tình hình tài chính hợp nhất của VPBank.
Nhưng khi tính theo chuẩn mực kế toán quốc tế, khi chuyển giao, VPBank sẽ có cân nhắc đưa ra chuẩn mực kế toán hợp lý.
Việc tăng vốn cho GPBank sẽ cân nhắc khi chương trình tái cấu trúc, giảm bớt lỗ, ổn định bộ máy điều hành, khi đó VPBank sẽ tham gia góp vốn đưa ngân hàng hồi phục. Những quyết định này sẽ được trình thông qua tại ĐHĐCĐ.
VPBank đang dành thời gian định hình chiến lược lại cho GPBank, trong 2-3 tháng tới xem đâu là động lực giúp GPBank tăng trưởng và hoàn thiện bộ máy điều hành, năng lực quản trị, sau đó mới tái cấu trúc, mục tiêu 2025 đưa các mục tiêu tài chính tại GPBank hồi phục.
Cát Lam