Đối phó khủng hoảng nợ:
Eurozone thống nhất trên nguyên tắc 1 dự luật quan trọng
Các nhà lãnh đạo Eurozone đã đạt được thỏa thuận trên nguyên tắc về dự luật phối hợp các chính sách kinh tế - Tổng thống EU Herman Van Rompuy cho biết.
![]() |
Các nhà lãnh đạo Châu Âu có ý kiến khác nhau trong việc giải quyết khủng hoảng nợ một cách tốt nhất
Các yếu tố khác của gói dự luật này hiện vẫn đang được bàn thảo, ông này bổ sung thêm.
Đây là giải pháp tình thế mà các nhà lãnh đạo Eurozone cố gắng tìm kiếm nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng nợ vốn đã hoành hành tại khu vực này hơn một năm nay.
Trong một thông điệp trên mạng Twitter, Ông Rompuy đã cho biết: “Chúng tôi đã đồng thuận về một dự luật cho đồng Euro.”
Thông điệp trên sau đó đã được sửa lại là: “cập nhật từ cuộc họp: Đã có sự thống nhất trên nguyên tắc về dự luật cho đồng Euro, nhưng vẫn đang thảo luận các yếu tố khác của dự luật này”.
Một dự luật như vậy sẽ cho phép các thành viên thông báo cho nhau các chính sách kinh tế quan trọng – một động thái nhằm đặt các quốc gia dưới một kỷ luật tài chính chặt chẽ. Bất cứ một thỏa thuận nào cũng cần được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh 27 nước thành viên vào ngày 24-25/3 tới.
Hành động tập trung
Cũng đang được thảo luận tại cuộc họp còn có dự luật thay thế mở rộng đối với quỹ bảo lãnh trị giá 440 tỷ euro (614 tỷ USD). Các thị trường đều rất mong muốn được thấy tín hiệu trong bước tiến về việc thành lập một cơ chế ổn định châu Âu mới (ESM).
Với 440 tỷ euro, cơ chế này sẽ nâng gấp đôi khả năng cho vay một cách hiệu quả đối với cơ chế ổn định tài chính châu Âu hiện tại, vốn đã được sử dụng để bảo lãnh cho Cộng hòa Ireland.
Trước đó, Thủ tướng Hy Lạp Papandreou đã cho biết nước ông – nước đầu tiên cần bảo lãnh từ các đối tác tại Eurozone và các tổ chức khác – đã làm tất cả những gì có thể, và giờ đây cần một hành động tập trung. “Trong cuộc khủng hoảng tài chính tại khu vực đồng Euro, chúng tôi ở trên đỉnh của chương trình, chúng tôi đã phải chịu nỗi đau để làm cho nền kinh tế tồn tại, nhưng giờ chúng tôi cần các quyết định từ châu Âu – những quyết định mạnh mẽ- để bình ổn thị trường.” - ông Papandreou cho biết.
Chủ tịch Eurogroup Jean-Claude Juncker, nói hôm thứ 6 (11/3) rằng ông không nghi ngờ gì về khả năng thanh toán của Hy Lạp sau khi nước này nhận khoản bảo lãnh từ Liên minh châu Âu và Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF. Hy Lạp và Ireland cũng trông đợi sẽ được công bố giành cho các điều kiện thanh toán dễ dàng hơn.
Thủ tướng mới được bầu của Ireland, Enda Kenny nói: “ Tôi đến đây chỉ sau hai ngày nhận chức với nhiệm vụ nặng nề mà người dân Ireland giao phó, là cải thiện các điều khoản của thỏa thuận EU-IMF.”
Đất nước của ông này đã nhận gói hỗ trợ 67,5 tỷ euro từ IMF và EU.
“Các bước đi minh bạch”
Những nỗi lo dai dẳng về mức nợ tại một số quốc gia châu Âu, đáng chú ý là Hy Lạp và Bồ Đào Nha, đã gây ra các chi phí vay mượn đạt mức kỷ lục trong những ngày gần đây. Với các quốc gia chi nhiều hơn và thuế thấp hơn, trong đó có Tây ban Nha, đã phải chi trả nhiều hơn để vay tiền so với các quốc gia khác.
Tất cả họ đang nỗ lực để làm cho khoản nợ khổng lồ của họ giảm đi, khi Bồ Đào Nha bắt đầu cắt giảm chi tiêu và tăng thuế vào hôm thứ sáu (11/3) và cam kết một lần nữa rằng thâm hụt của nước này sẽ đạt mức đề ra là 4,6% trong năm nay.
Mặc dù vậy, cơ quan nghiên cứu High Frequency Economics chỉ ra rằng, chi phí vay nợ của Bồ Đào Nha đã tăng đến mức sẽ khiến nước này phải tìm đến sự giúp đỡ của EFSF và IMF.
Trong khi đó, Tây Ban Nha, một trong những quốc gia mà thị trường có thể cần sự bảo lãnh tiếp theo, đã bị tụt hạng tín dụng, giữa lúc có những lo ngại về khả năng chính phủ phục hồi nguồn tài chính và về chi phí tái cấu trúc các ngân hàng của mình.
Thâm hụt và các mục tiêu nợ
Trong các động thái khác để đảm bảo giá trị đồng Euro, trong đó bao gồm cả mục tiêu của nước Đức là đạt mức thâm hụt chính phủ dưới 3% tổng thu nhập quốc nội, đã được đưa vào luật. Dự thảo Phát triển và Ổn định cũng qui định giới hạn nợ là 60% của GDP. Dự thảo cũng bao gồm các đề xuất mức thuế lao động thấp hơn, một cơ sở thuế phổ biến chung và qui định tuổi nghỉ hưu.
Nhưng với Cộng hòa Ireland, với mức thuế 12,5%, một trong những nước có mức thuế thấp nhất EU và thu hút rất tốt các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Châu Âu, đã phản đối bất cứ thay đổi nào đối với các vấn đề trên. Enda Kenny nói Dublin sẽ phản đối các nỗ lực của Đức nhằm đưa ra một cơ sở thuế phổ biến chung. Ông Kenny nói trên kênh truyền hình nhà nước RTE rằng những động thái này sẽ là “một sự hài hòa dành cho các dịch vụ thuế cửa hậu”.
Những nước như Đức hay Pháp xem sự khác biệt trong hệ thống thuế và mức chi tiêu giữa các thành viên của Eurozone như các yếu tố then chốt tạo nên cuộc khủng hoảng nợ.
Hiếu Trần
DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP