ECB và BOE giữ nguyên lãi suất
Ngoài việc giữ nguyên lãi suất, Ủy ban Chính sách Tiền tệ Anh (MPC) còn duy trì chương trình mua trái phiếu trị giá 200 tỷ bảng Anh (tương đương 318 tỷ USD) vốn là trọng tâm của chương trình nới lỏng tín dụng của BOE.
Như dự kiến, cuộc họp báo của Chủ tịch ECB Jean-Claude Trichet đã diễn ra tại Frankfurt, Đức vào lúc 19h30 (giờ Việt Nam).
Tại cuộc họp báo, Chủ tịch ECB Jean-Claude Trichet nhận định vẫn còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến chống lại khủng hoảng kinh tế. Chủ tịch Trichet cho rằng tình hình 6 tháng cuối năm sẽ kém lạc quan hơn trong quý 2 vừa rồi.
Theo dự đoán của ECB, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng khiêm tốn nhưng với tốc độ không đồng đều. Tuy nhiên, ông từ chối bình luận về sự phục hồi của đồng EUR so với đồng USD và cho rằng ông không có thông điệp đặc biệt nào về tỷ giá.
Trong khi đó, biên bản cuộc họp chính sách của BOE, với chi tiết về cuộc tranh luận xoay quanh các rủi ro lạm phát tại Anh, sẽ được công bố vào cuối tháng này.
Được biết, hai cuộc họp chính sách tháng 6 và 7 của BOE đã chứng kiến sự phản đối việc giữ nguyên lãi suất của một thành viên MPC, ông Andrew Sentence.
Biên bản cuộc họp tháng 7 cho thấy ông Sentance đã kêu gọi MPC tăng lãi suất thêm 0.25% và tỏ ra nghi ngờ về việc công suất dư thừa trong nền kinh tế có thể giảm lạm phát xuống mức mục tiêu 2% của BOE. Hiện lạm phát của Anh vẫn duy trì trên mức 3%.
Và kể từ cuộc họp tháng 7, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh tăng với tốc độ mạnh hơn dự báo 1.1% trong quý 2 vừa qua.
Trong phiên điều trần trước Ủy ban Quốc hội vào tuần trước, ông Sentence tranh luận rằng số liệu GDP ủng hộ cho trường hợp tăng lãi suất. Tuy nhiên, các thành viên khác của MPC, kể cả Thống đốc Mervyn King, đều cảnh báo việc không nên phụ thuộc nhiều vào số liệu của một quý đơn lẻ đồng thời nhấn mạnh đến những trở ngại có thể ngăn chặn đà tăng trưởng kinh tế trong nửa sau năm nay.
Sự sụt giảm đầy bất ngờ của chỉ số PMI dịch vụ tháng 7 vừa được công bố hôm thứ Tư càng gia tăng mối quan ngại về triển vọng kinh tế 6 tháng cuối năm. Kết quả này vừa đánh dấu tốc độ tăng trưởng ngày càng chậm lại của lĩnh vực dịch vụ từ mức đỉnh hồi tháng 2 và phần nào làm tăng nỗi lo sợ về tác động của các biện pháp tài chính đầy khắc nghiệt do Chính phủ đặt ra.
Phạm Thị Phước (Theo MarketWatch)