Diễn đàn Kinh tế Thế giới lo ngại cho năm 2008
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa bế mạc hôm 26-1, đã đưa ra những lo ngại về kinh tế thế giới đang trong tình trạng ảm đạm do chịu tác động bởi nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ, thị trường chứng khoán toàn cầu tụt dốc, giá dầu và giá lương thực tăng mạnh.
Từ ngày 23 đến vừa qua, tại Davos, Thụy Sĩ, đã diễn ra WEF. Hơn 2.500 đại biểu, trong đó có 27 người đứng đầu nhà nước hoặc chính phủ, hơn 100 bộ trưởng cùng nhiều đại diện các công ty lớn và tổ chức quốc tế trên thế giới đã tham dự hội nghị.
WEF được dư luận quan tâm bởi diễn ra trong bối cảnh các thị trường chứng khoán trên thế giới chao đảo. Chủ tịch Nhóm các nước khu vực sử dụng đồng euro, Jean-Claude nhận định: "Tình hình ở Mỹ sẽ tiếp tục xấu đi. Trong những tháng gần đây, chúng ta luôn loại trừ tình trạng suy thoái ở Mỹ song hiện nay chúng ta không thể phủ nhận thực tế này". Ngay trước khi Hội nghị WEF nhóm họp, trước tình trạng gia tăng lo ngại kinh tế Mỹ suy yếu, Hội đồng Tư vấn Kinh doanh châu Á - Thái Bình Dương (ABAC) đã thảo luận một loạt biện pháp giúp kinh tế thế giới vượt qua bất ổn. Trong bài phát biểu quan trọng tại diễn đàn, Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda cũng cảnh báo về sự giảm sút tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong năm nay do những khó khăn từ kinh tế Mỹ và giá dầu mỏ tăng cao. Ông cho rằng, không nên "quá bi quan", song các nước cần nhanh chóng hành động và áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn nguy cơ này. Ông cho biết, những vấn đề trên sẽ được bàn tới tại một cuộc họp của Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G-8) do Nhật Bản tổ chức ở Tokyo vào tháng tới để chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao G-8 vào tháng 7-2008.
Giới hoạch định chính sách kinh tế thế giới không chỉ lo lắng về tác động dây chuyền từ Mỹ lan sang các lục địa khác, mà còn cho rằng phải rút ra bài học về tính dự báo. Diễn đàn Davos năm 2007 đã không đưa ra được cảnh báo về cuộc khủng hoảng tín dụng và nhà đất tại Mỹ, nguyên nhân chủ yếu của những rối ren trên thị trường chứng khoán hiện nay. Cuộc khủng hoảng trên thị trường tín dụng Mỹ cũng chỉ ra những yếu tố mất cân bằng trong quan hệ thương mại quốc tế, như thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ, tác nhân chính làm mất giá đồng USD. Các ngân hàng cũng khó vay vốn của nhau do bên này lo ngại bên kia không có khả năng chi trả. Những vấn đề đó gây ra một cuộc khủng hoảng lòng tin trên thị trường. Các ngân hàng trung ương buộc phải đóng vai trò là cỗ máy bơm tiền, tăng cường can thiệp, đặc biệt là vào tháng 12 vừa qua, nhằm cung cấp cho các tổ chức tín dụng lượng tiền mặt cần thiết để đóng lại tài khoản hằng năm. Tình hình nguy cấp đến mức Bộ trưởng Tài chính Mỹ Paulson đã hủy bỏ chuyến đi tới Davos để tập trung triển khai kế hoạch kích thích kinh tế vừa được Tổng thống G.Bush công bố. Với tính chất cấp bách của tình hình kinh tế mà cả cơ quan hành pháp và lập pháp đều nhận thấy cùng những yếu tố lá phiếu cử tri trong năm bầu cử 2008, ngày 26-1, Bộ Tài chính Mỹ thông báo phần lớn người đóng thuế và các công ty Mỹ dự kiến sẽ được nhận số tiền hoàn trả thuế vào giữa tháng 5-2008 và kế hoạch cả gói hoàn trả thuế 150 tỷ USD để cứu vãn nền kinh tế dự kiến sẽ được hoàn tất trong vòng tối đa 10 tuần. Tuy nhiên, mục tiêu này có đạt được hay không còn tùy thuộc sự nhượng bộ của những nghị sĩ đảng Dân chủ tại Thượng viện, những người vẫn không hài lòng với sự nhượng bộ của Hạ viện, theo đó không đưa thêm việc kéo dài thời hạn được hưởng trợ cấp cho những người bị thất nghiệp. Ðiều đáng nói là mặc dù Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rice đã đưa ra những tuyên bố trấn an, song nhiều đại biểu tham dự WEF vẫn tỏ ra không mấy tin tưởng mặc dù đều mong muốn tìm một giải pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng hiện nay. Trước sự sụt giảm của nền kinh tế Mỹ, ông trùm tài chính người Mỹ G.Xô-rốt đã đánh giá cuộc khủng hoảng tài chính trên thế giới hiện nay là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai tới nay. Mặt khác, các yếu tố kèm theo cuộc khủng hoảng chứng tỏ, không chỉ các cơ sở tài chính lớn và nhỏ ở Mỹ sẽ bị phá sản mà tình trạng tương tự sẽ xảy ra đối với các cơ sở khác trên thế giới trong một vài tháng tới. Quyết định hạ lãi suất bất ngờ của FED cùng với kế hoạch kích thích kinh tế đã không đủ sức giữ được đà phục hồi và đến cuối tuần qua thị trường chứng khoán Phố Uôn đã phải chứng kiến một đợt sóng gió mới khi một số chỉ số chủ yếu như chỉ số Dow Jones, chỉ số Nasdaq đều giảm. Cổ phiếu trên các TTCK châu Âu cũng đã chuyển hướng theo biến động của Phố Uôn.
Nhiều nhà kinh tế ở Davos đang đặt kỳ vọng vào châu Á và các nước đang nổi lên như Trung Quốc, Ấn Ðộ, Brazil và Nga. Nhiều chủ đề thảo luận tại Davos năm nay xoay quanh câu hỏi liệu các nước này có đủ tầm vóc để đóng vai trò đầu tàu cho nền kinh tế thế giới hay không. Hiện nay, quy mô cuộc khủng hoảng tại Mỹ cũng như nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ vẫn chứa đựng nhiều ẩn số. Các nhà phân tích chưa xác định được rõ ràng tác hại có thể xảy ra đối với các nước đang nổi lên. Nhưng họ vẫn lạc quan về triển vọng phát triển của bộ tứ Trung Quốc, Ấn Ðộ, Brazil và Nga.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể sẽ "sụt giảm nghiêm trọng". IMF chắc chắn sẽ hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm nay. Tổng Giám đốc IMF cho biết, việc tất cả các nước trên thế giới đều lo ngại trước những dự báo về nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ sẽ khiến kinh tế toàn cầu sụt giảm. Riêng đối với các nền kinh tế đang nổi lên, mặc dù vẫn tiếp tục phát triển, song cũng không tránh khỏi ảnh hưởng từ sự trì trệ của nền kinh tế Mỹ. Ông Xtrốt Can cho rằng, để tránh nguy cơ kinh tế toàn cầu sụt giảm, chính phủ các nước cần thực hiện những biện pháp cấp bách như cắt giảm lãi suất và tăng mức chi, dù việc tăng mức chi có thể làm tăng thâm hụt ngân sách.
TUY có những nhận định bi quan về tình hình kinh tế toàn cầu, nhưng tại Diễn đàn Davos năm nay đã xuất hiện dấu hiệu đáng khích lệ về Vòng đàm phán tự do thương mại Doha vốn trì trệ hơn một năm qua. Các nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã nhất trí đặt mục tiêu kết thúc các cuộc đàm phán trong lĩnh vực hàng nông nghiệp và công nghiệp vào tháng 4 tới, nhằm hoàn tất vòng đàm phán vào trước cuối năm nay.
ND