ĐHĐCĐ OPC: "Nóng" chuyện cổ tức, bỏ phiếu 2 lần vẫn không thông qua
Cho năm 2025, CTCP Dược phẩm OPC (HOSE: OPC) đã đề ra kế hoạch kinh doanh ấn tượng với kỷ lục về doanh thu và đưa lợi nhuận trở về mức đỉnh 2022. Tuy nhiên, kế hoạch chia cổ tức nhận về những ý kiến bất đồng từ các cổ đông tham dự đại hội, thậm chí từ các cổ đông lớn.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 tổ chức vào ngày 26/04, HĐQT OPC trình cổ tức tỷ lệ 12% cho năm 2024. Trong đó, 5% bằng tiền và 7% bằng cổ phiếu. Cùng với đó là phương án phát hành gần 4.5 triệu cp mới để trả cổ tức năm 2024, dự kiến thực hiện từ quý 2/2025. Đối với cổ tức 2025, mức dự kiến là 15%.
![]() ĐHĐCĐ thường niên 2025 của OPC
|
Tuy nhiên, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu vấp phải sự phản đối của các cổ đông tham dự. Một cổ đông lâu năm nêu ý kiến về việc đã gần cuối tháng 4 vẫn chưa chi trả cổ tức cho năm 2024. Đồng thời, việc tỷ lệ giảm đáng kể từ 20-25% xuống còn 12% khiến cổ đông đặt vấn đề về tính hiệu quả của ban điều hành. Vị cổ đông này cũng nhấn mạnh rằng không đồng ý đề xuất chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, do lo ngại giá trị cổ phiếu giảm xuống và mong sẽ nhận toàn bộ cổ tức bằng tiền mặt.
Tương tự, một cổ đông lâu năm khác chia sẻ rằng cổ tức tiền mặt của OPC là nguồn thu nhập quan trọng. “Nên chia hết cổ tức cho các cổ đông, toàn bộ 12% bằng tiền chứ không lấy cổ phiếu”, cổ đông nêu ý kiến.
Trong số ý kiến phản đối có cả đại diện từ cổ đông lớn của OPC là Tổng Công ty Dược Việt Nam - CTCP (UPCoM: DVN), hiện đang nắm 13.4% vốn điều lệ. Đại diện DVN đề nghị OPC trả toàn bộ cổ tức tỷ lệ 12% bằng tiền mặt, vì dựa trên BCTC riêng kiểm toán 2024, tại ngày 31/12/2024, số dư tiền và các khoản tương đương tiền của công ty là 138.4 tỷ đồng. Trong đó, 137.2 tỷ đồng đang gửi ngân hàng có kỳ hạn không quá 3 tháng, trong khi tổng số tiền nếu chi cổ tức tỷ lệ 12% là gần 77 tỷ đồng. "Như vậy công ty hoàn toàn có đủ nguồn lực tài chính để thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho tất cả các cổ đông", theo đại diện DVN.
Bên cạnh đó, đại diện DVN dẫn về việc OPC đã tăng vốn điều lệ rất lớn vào năm 2022 (từ 266 tỷ lên 640.5 tỷ đồng). Việc tiếp tục phát hành cổ phiếu để tăng vốn chỉ sau 3 năm là "thực sự chưa cần thiết" – vị này nói thêm.
Phản hồi, Chủ tịch HĐQT Hoàng Lê Sơn cho biết bản thân Ban điều hành "thấu hiểu trăn trở" của cổ đông. Tuy nhiên, bối cảnh kinh doanh hiện tại là khó khăn, với áp lực cạnh tranh lớn từ các hãng nước ngoài có nguồn vốn và công nghệ mạnh. “Ngành Đông dược gặp thách thức về đầu tư công nghệ và R&D (nghiên cứu & phát triển - PV), và việc đầu tư cho lĩnh vực này rất chậm”, Chủ tịch OPC giải thích.
Cũng theo ông Sơn, kết quả hoạt động năm 2024 là không cao, giảm so với năm trước và chỉ đạt khoảng 70% kế hoạch. Trước áp lực bên ngoài, để đảm bảo phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, Công ty cần tái đầu tư. Việc giữ lại một phần lợi nhuận thông qua chi trả cổ phiếu vì thế là điều cần thiết để đảm bảo nguồn lực đầu tư và duy trì dòng tiền khỏe mạnh, giúp giảm thiểu rủi ro, đảm bảo an toàn cho hoạt động cũng như khoản đầu tư của cổ đông.
Tổng Giám đốc POC Phạm Thị Xuân Hương thẳng thắn chia sẻ, việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu là để “hỗ trợ giá trị lâu dài của Doanh nghiệp” và phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
“Làm ra bao nhiêu chia bấy nhiêu không sai. Nhưng nếu không đầu tư thì giá trị doanh nghiệp sẽ đi về đâu? Mà đã ‘đi về đâu’ thì không biết cổ phiếu của cổ đông có được bảo an toàn không? Bởi vậy chúng tôi muốn nhấn mạnh câu chuyện phát triển bền vững", bà Xuân Hương nói.
Kết quả kinh doanh của OPC | ||
Bà Hương cũng nhấn mạnh về trách nhiệm của ban điều hành là đề xuất các phương án cân đối hài hòa giữa lợi ích của cổ đông và khả năng, nhu cầu phát triển bền vững và lâu dài của Công ty. Tuy vậy, lãnh đạo OPC khẳng định hoàn toàn tôn trọng ý kiến của cổ đông, và quyết định chi trả ra sao sẽ do ĐHĐCĐ quyết định.
![]() Tổng Giám đốc Phạm Thị Xuân Hương
|
Trước sự phản đối của các cổ đông, phương án chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và phương án phát hành cổ phiếu mới để chi trả đều không được thông qua. Theo đó, ĐHĐCĐ đã tiến hành bỏ phiếu lại phương án chi trả toàn bộ bằng tiền, thế nhưng vẫn không... thông qua.
Ngoại trừ 2 tờ trình liên quan cổ tức trên, toàn bộ tờ trình còn lại đều được ĐHĐCĐ thông qua.
Mục tiêu lập kỷ lục doanh thu, tiếp tục đẩy mạnh kênh ETC
Sau khi đạt đỉnh lợi nhuận vào năm 2022, OPC trải qua 2 năm đi lùi đáng kể. Năm 2024, Doanh nghiệp đạt 969 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi ròng hơn 107 tỷ đồng, giảm tương ứng 3.5% và hơn 12% so với năm trước.
Theo Tổng Giám đốc Phạm Thị Xuân Hương, 2024-2025 là giai đoạn OPC có nhiều thách thức, từ áp lực bên ngoài thế giới, thuế quan, cho tới áp lực cạnh tranh gay gắt, các đối thủ đầu tư mạnh mẽ và chuyên sâu. Trong nước, Luật Dược sửa đổi năm 2024 vừa là cơ hội vừa là thách thức, dẫn đến yêu cầu hội nhập ngày càng lớn và OPC phải đầu tư. Dù năm 2024 kết quả đi lùi, nhưng điểm sáng là tỷ trọng chi phí trên doanh thu giảm, cho thấy hiệu quả bước đầu của các hoạt động tái cấu trúc Doanh nghiệp, theo bà Hương.
Năm 2025, OPC đặt kế hoạch tăng trưởng mạnh, với 1.24 ngàn tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, 177 tỷ đồng lãi trước thuế hợp nhất, tăng lần lượt 28% và 29% so với thực hiện 2024. Nếu thành công, OPC sẽ lập kỷ lục về doanh thu, trong khi lợi nhuận cũng chỉ thấp hơn mức đỉnh năm 2022 (180 tỷ đồng lãi trước thuế).
Kế hoạch 2025 của OPC
![]() Nguồn: OPC
|
Trước con số ấn tượng, bà Hương cho biết quy trình xây dựng kế hoạch của OPC được thực hiện rất kỹ, đòi hỏi giải trình rõ ràng từ các đơn vị. “Một điểm đáng mừng là công ty con đã có lãi sau 6 năm lỗ lũy kế, nhờ vậy BCTC hợp nhất mới tốt vậy. Chúng tôi đặt mục tiêu thoát lỗ lũy kế trong năm nay cho công ty con để đủ điều kiện tham gia đấu thầu”.
Doanh nghiệp chia sẻ sẽ tiếp tục tái cấu trúc mô hình kinh doanh theo hướng đầu tư tập trung cho kênh ETC. Ngoài ra, tăng cường hợp tác với các nhà phân phối trong và ngoài nước để tăng độ phủ, và đầu tư mạnh vào truyền thông, quảng bá thương hiệu.
Về câu chuyện R&D, bà Hương cho hay các định hướng năm tới bao gồm tiếp tục phát triển vùng nguyên liệu và xây dựng phương án chiết xuất tại vùng trồng; cải tiến, chuẩn hóa sản phẩm để nâng cao tính cạnh tranh, đăng ký lại sản phẩm với hàm lượng cao hơn hoặc có minh chứng khoa học.
Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của trung tâm nghiên cứu (ứng dụng AI trên các sản phẩm hiện có để có minh chứng khoa học), và dây dựng danh mục sản phẩm đa dạng để phục vụ đa kênh phân phối (MT, GT, online).
“Ảnh hưởng từ các vụ thuốc giả, sữa giả trên thị trường dẫn đến việc cơ quan quản lý kiểm soát chặt chẽ hơn. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho các doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, uy tín. OPC cần củng cố quy trình chất lượng để đảm bảo”, bà Hương nói thêm.
Châu An