“Đầu tư giá trị”: Chiến lược làm nên thành công của bộ đôi tỷ phú Warren Buffett – Charlie Munger
Trước khi có Munger sát cánh, Buffett theo đuổi chiến lược đầu tư dựa trên triết lý của Benjamin Graham, người thầy đã dẫn dắt ông tại Khoa Kinh doanh thuộc Đại học Columbia. Tuy nhiên sau đó, Munger đã hướng Buffett đi theo một phong cách khác.
Charlie Munger - huyền thoại đầu tư, nhà tư vấn tài chính đại tài, người được biết đến là cánh tay phải của tỷ phú Warren Buffett, đã ra đi mãi mãi tại một bệnh viện ở California vào ngày 28/11/2023, hưởng thọ 99 tuổi.
* Huyền thoại đầu tư Charlie Munger qua đời
Suốt chặng đường hơn 60 năm đồng hành, Buffett và Munger đã trở thành những tên tuổi lớn trong làng doanh nhân thế giới, là biểu tượng của sự thành công vượt trội trong thế hệ. Sự hợp tác giữa 2 huyền thoại đầu tư đã tuân theo một tôn chỉ chiến lược, là “đầu tư giá trị”.
Warren Buffett (phải) và Charlie Munger
|
“Mở ra một chân trời mới”
Trước khi có Munger sát cánh, Buffett theo đuổi chiến lược đầu tư dựa trên triết lý của Benjamin Graham, người thầy đã dẫn dắt ông tại Khoa Kinh doanh thuộc Đại học Columbia. Tuy nhiên sau đó, Munger đã hướng Buffett đi theo một phong cách khác.
Triết lý của Graham cũng là “đầu tư giá trị”, nhưng theo hướng mua cổ phiếu giá rẻ của các công ty bị định giá thấp – được xác định qua phân tích báo cáo tài chính, rồi bán ra khi nó đạt được giá trị kỳ vọng. Nhưng Munger và Buffett tiếp cận nó theo cách khác, là đầu tư vào những doanh nghiệp đã vững chắc, có nền tảng, ở một mức giá hợp lý.
“Charlie đã hướng tôi vào việc không chỉ mua các cổ phiếu giá rẻ như thầy Graham”, trích một bài phỏng vấn của Buffett trên Forbes vào năm 1996. “Điều này đã tác động rất lớn, đưa tôi ra khỏi giới hạn tầm nhìn của thầy. Đó là sức mạnh tư duy của Charlie. Anh cho tôi thấy một chân trời khác”.
Trong những cuộc trò chuyện, Buffett sẽ đề xuất ý tưởng đầu tư với Munger – người sẽ đóng vai trò phản biện. Sau thảo luận, họ sẽ đặt các khả năng vào 3 giỏ: Có, Không, hoặc “Quá phức tạp để hiểu”. Munger sẽ là người đưa ra quyết định cuối cùng cho Buffett.
Giai đoạn thập niên 1980-1990, cặp bài trùng đã kết hợp với chiến lược của Graham để hình thành nên lý thuyết được người đời sau gọi là “One-decision theory” (tạm dịch: Lý thuyết một quyết định). Có thể hiểu như sau: Nhà đầu tư sẽ tiến hành nghiên cứu, lựa chọn các cổ phiếu từ công ty tốt rồi mua vào, nắm giữ nó mãi mãi. Buffett và Munger đã bỏ ra số tiền rất lớn ở thời điểm đó để đặt cược vào nhiều doanh nghiệp, trong đó có Coca-Cola, công ty bảo hiểm Geico, ngân hàng Wells Fargo, hãng dao cạo râu Gillette, và giày Dexter.
Chiến lược của họ khác xa so với thường thức bấy giờ. Phố Wall khi đó chuộng giao dịch nhanh, trong khi các quỹ phòng hộ hoặc công ty đầu tư tư nhân thường chỉ nắm cổ phiếu trong ngắn hạn rồi bán. Buffett và Munger đã mở rộng lựa chọn, đưa ra giải pháp thay thế. Tuy nhiên, cách họ làm có thể khiến nhiều người cảm thấy việc tìm các công ty bị định giá thấp là điều rất dễ dàng.
Munger thực sự tin rằng những nhà đầu tư đó đã bỏ qua sức mạnh của lãi kép - khoản lãi tích lũy từ số tiền gốc ban đầu, và lãi tích lũy từ tiền gửi, khoản vay hoặc nợ gốc. Ông thường mang theo một bảng biểu để giúp mọi người dễ hình dung về lợi nhuận khi tính lãi kép, để họ hiểu làm thế nào mức lãi 13.4%/năm lãi kép có thể biến 1 USD thành 43 USD sau 30 năm.
Với những công ty đã vững mạnh, bộ đôi chứng kiến sức mạnh vượt trội của lãi kép thông qua việc đặt cược vào doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh đặc biệt, không chịu ảnh hưởng từ lạm phát, lại có tiềm năng tăng trưởng liên tục đi kèm dòng tiền. Dòng tiền ấy trở về túi các nhà đầu tư dưới dạng cổ tức hoặc cổ phiếu thưởng.
Bộ đôi Buffett – Munger thường không tin tưởng các mô hình số liệu từ kế toán và ngân hàng. Họ chọn cách viết lại báo cáo tài chính dựa trên phân tích của bản thân. Các nghiên cứu ấy đã giúp họ tránh được những cổ phiếu thất thường, và tìm được những doanh nghiệp được quản lý tốt cùng nhiều lợi thế cạnh tranh trong sản phẩm.
Họ cũng gần như không bao giờ bán cổ phần để đổi lấy tiền. Như với Coca-Cola, họ nhìn nhận đó là nguồn cổ tức ổn định với sự tăng trưởng liên tục ở doanh thu trên phạm vi toàn cầu. Cả hai cho biết, họ sẵn sàng nắm giữ cổ phần này mãi mãi.
“Một lợi thế của Coca-Cola là nó hiện diện ở gần như mọi nơi trên thế giới”, trích lời Munger trong một bài phát biểu năm 1994 tại Đại học Nam California. “Chuỗi cung ứng toàn cầu – điều các doanh nghiệp lớn phải từ từ sở hữu – đã trở thành một lợi thế khổng lồ. Nghĩ kỹ thì một khi đã có đủ lợi thế, rất khó để bị một cái tên khác đánh bật”.
Phần lớn tài sản của Munger và Buffett được giữ trong cổ phần của Berkshire. Trong một bức thư gửi tới cổ đông, Buffett khẳng định “chúng tôi ăn những gì mình nấu (ám chỉ việc kiếm lời từ việc Berkshire hoạt động tốt)”. Họ muốn thu hút các nhà đầu tư dài hạn tới Berkshire, thay vì những tay “lướt sóng”.
ĐHĐCĐ thường niên của Berkshire tại Ohama cũng gần như khác biệt hoàn toàn so với các công ty đại chúng khác. Thông thường, các cuộc họp sẽ diễn ra theo khuôn khổ với nhiều thủ tục bắt buộc. Trong khi đó, Munger và Buffett biến đại hội và các cuộc họp liên quan thành tiệc ăn mừng, một nơi quy tụ những người trí thức. Hàng ngàn cổ đông tới tham dự mỗi năm, để được nghe Munger và Buffett giải đáp những câu hỏi về thị trường, nền kinh tế, về đầu tư, và nhiều chủ đề khác nữa.
Bộ đôi này cũng thường xuyên chỉ trích các ngân hàng đầu tư truyền thống và những mô hình tài chính phổ biến tại Phố Wall, thường được sử dụng để dự đoán thu nhập và bút toán giảm trong tương lai. Họ xem nhẹ “thuyết thị trường hiệu quả” trong kinh tế - một lý thuyết cho rằng thị trường luôn hoàn hảo. Bởi lẽ, sự thành công họ có được là dựa vào việc tìm ra các điểm chưa hiệu quả của thị trường, khai thác nó bằng toán học, khoa học, tâm lý học, và logic.
“Học hỏi không phải là công việc. Với tôi, đó là trò chơi. Tôi là một kẻ tò mò bẩm sinh”, trích chia sẻ của Munger với các nhà đầu tư vào năm 2010. “Nếu điều đó không hiệu quả với bạn, hãy tự tìm ra hệ thống của mình”.
Châu An (Theo The Washington Post)