“Đặt hàng” tân Chủ tịch UBND TP.HCM
Ông Nguyễn Văn Được - Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM vừa được bầu làm Chủ tịch UBND TP.HCM. Đảm nhận chức trách đứng đầu chính quyền của thành phố lớn nhất, năng động bậc nhất của cả nước trong thời điểm đang triển khai cuộc tinh gọn, sắp xếp bộ máy cùng nhiều quyết sách quan trọng dành cho thành phố, chuẩn bị bước vào kỳ Đại hội Đảng bộ các cấp và kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nên trọng trách ấy càng có ý nghĩa và nhiều thử thách.
Qua Chương trình hành động với 6 giải pháp trọng tâm được trình bày trước khi Hội đồng nhân dân tiến hành bầu giữ chức Chủ tịch UBND TP cùng những gửi gắm, kỳ vọng của cử tri, người dân thành phố, chúng tôi thử đưa ra những vấn đề mang tính “đặt hàng” với tân Chủ tịch UBND TP, không ngoài cùng chung mục tiêu đưa TP.HCM phát triển trong Kỷ nguyên vươn mình của toàn dân tộc.
Cải cách hành chính, nâng cao nền hành chính công vụ
Đây vốn là lợi thế của tân Chủ tịch UBND TP.HCM khi ở cương vị Bí thư Tỉnh ủy Long An, ông Được đã đưa tỉnh cửa ngõ miền Tây Nam Bộ tăng vượt bậc trong các bộ chỉ số xếp hạng cải cách, cạnh tranh. Tất nhiên, quy mô, công suất, đặc thù của hai địa phương sẽ hoàn toàn khác nhau nên quá trình triển khai để đạt mục tiêu “nằm trong top 5 cả nước” của TP.HCM trên các bộ chỉ số sẽ là một nhiệm vụ rất nặng nề.
Chỉ khi thực hiệu hiệu quả cải cách hành chính, sau sắp xếp mô hình, hợp nhất các cơ quan thì đến sắp xếp nhân sự, gắn đầu việc với từng con người, bộ phận, vị trí để vận hành thì ý nghĩa của cuộc tinh gọn, cải cách mới thật sự phát huy. Và như cam kết của Chủ tịch UBND TP.HCM tại hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế tổ chức vào ngày 21/2, ông Được đã bày tỏ quyết tâm “không thể không làm". Ông đề xuất cần đưa bộ máy sắp xếp đi vào hoạt động nhanh, kịp thời, đúng theo tinh thần tinh - gọn - mạnh từ năng lực đến hiệu quả. Không để tình trạng gián đoạn trong quản lý nhà nước và gắn với triển khai đề án xây dựng nền công vụ của TP hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030. Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ phục vụ của công chức thì việc đầu tiên ổn định bộ máy để bắt tay vào làm việc.
Tất nhiên, một mình thành phố muốn cải cách thôi là chưa đủ mà sự hậu thuẫn của Trung ương đóng vai trò “đồng quyết định”, trong đó, thành phố sẽ tập trung để phân loại, có giải pháp cụ thể cho từng nhóm, từng vướng mắc. “Thành phố xin ý kiến Chính phủ, các bộ ngành để có giải pháp tháo gỡ, để các dự án đi vào hoạt động, tạo nguồn thu ngân sách, nguồn lực phát triển”.
Bộ 3 nghị quyết và chiến lược kết nối vùng
Nghị quyết 131 về Tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM, Nghị quyết 98 về Thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia sẽ là kim chỉ nam cho chiến lược phát triển của TP.HCM giai đoạn sắp tới.
Sau giai đoạn 1 đã hoàn tất “cốt nền”, sắp tới các cơ chế hoạt động theo Nghị quyết 98 sẽ đến lúc phải ra thành phẩm phục vụ xã hội một cách đắc lực, cụ thể hơn. Với Nghị quyết 131, sau giai đoạn khởi động, giờ sẽ là lúc thúc đẩy mạnh mẽ để đề xuất lập thành một bộ luật dành cho chính quyền đô thị đặc biệt TP.HCM. Riêng về Nghị quyết 57, gắn với công cuộc chuyển đổi số mà thành phố đang có lợi thế, đặc biệt là 2 văn bản quy hoạch quan trọng với TP.HCM và TP Thủ Đức (cùng Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố) để chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng số hóa, công nghệ cao.
Cần huy động trí tuệ, phương pháp điều hành để vận hành một cách tổng thể ưu thế của các nghị quyết dẫn đường, tránh sự “đơn lập” từng nghị quyết, vừa lãng phí vừa tự đánh mất đặc thù được phân cấp, phân quyền cho thành phố.
Và tất nhiên, tận dụng thêm Nghị quyết 24 về phát triển Đông Nam Bộ là sức mạnh kết nối vùng để nâng cấp hệ thống giao thông - hạ tầng vùng, điều mà vị tân Chủ tịch có kinh nghiệm 27 năm gắn bó với Long An, lại là quê hương Bến Lức - vùng giao thương của cả hệ thống thủy - bộ với cửa ngõ tiếp giáp TP.HCM nên tính năng động, thích ứng với cái mới phần nào thuộc về phẩm chất.
Cụ thể hóa nó thành bản đồ phát triển TP.HCM với 5 vùng đô thị theo quy hoạch gồm TP trung tâm, TP Thủ Đức và các khu Đông, Nam, Tây, Bắc; trong đó ưu tiên các phân khu cần triển khai các dự án lớn như ở Thủ Đức, dọc sông Sài Gòn, khu Tây Bắc, các khu vực phát triển TOD… Cùng với đó là đề án xây dựng hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM, kết hợp phát triển các vùng đô thị và các mô hình TOD hay dự án cảng trung chuyển quốc tế gắn với không gian phát triển vịnh Gành Rái và khu thương mại tự do tại Cần Giờ. Tập trung phát huy Trung tâm CMCN 4.0; hoàn thiện, đưa vào hoạt động Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạp thành phố; sớm hình thành Viện Công nghệ thông tin và Trung tâm Khoa học công nghệ quốc gia tại phía Nam.
Tăng trưởng hai con số và chất lượng sống của người dân
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 2 con số, một mình TP.HCM thôi là chưa đủ mà cần đặt nó trong bối cảnh chung của vùng. Do đó, các dự án mới gắn liền sức bật thành phố và vùng là đòn bẩy như: Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ bên cạnh đảm bảo tiến độ Vành đai 3, khởi công Vành đai 2 - đoạn 4, trình Quốc hội dự án Vành đai 4, khởi công các dự án BOT tuyến đường thuộc cửa ngõ thành phố.
Trước mắt trong năm 2025, chính quyền thành phố cần rà soát, bổ sung triển khai giải pháp đột phá thực hiện 22 nhóm chỉ tiêu kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025. Trong đó trọng tâm là tăng trưởng GRDP 8.5% trong năm 2025, tập trung các giải pháp để giải ngân đầu tư công trên 95%, huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước 620,000 tỷ đồng, thu ngân sách đạt trên 520,000 tỷ đồng.
Tiếp tục hoàn thiện để tất toán 3 “đơn hàng” còn dang dở là Trung tâm phục vụ hành chính công TP, Trung tâm phát triển quỹ đất TP, Viện công nghệ tiên tiến. Ngoài ra, vận dụng các công cụ, tính năng để huy động nguồn vốn xã hội, trong đó riêng quỹ đất thành phố và quỹ phát triển hạ tầng đầu tư vùng rất cần được hiện thực hóa để tạo vốn cho sự phát triển.
Một điều không khỏi “tự nhắc nhở”, đó chính là bên cạnh áp lực tăng trưởng cao thì chất lượng tăng trưởng ấy phải đi cùng nâng cao đời sống người dân. Năm có nhiều sự kiện lịch sử - chính trị - văn hóa quan trọng của thành phố và đất nước nên ngoài kích hoạt sức tiêu dùng, gia tăng ưu thế của một thành phố công nghiệp - dịch vụ thì bản thân chính quyền phải ưu tiên đặt để người dân vào trong chủ thể của mọi hoạt động triển khai và thụ hưởng của sự kiện - lễ hội.
Trong đó, vấn đề an sinh phải gắn cùng an ninh, trật tự địa bàn được đảm bảo, bảo toàn. Đặc biệt, lời hứa của ít nhất 4 nhiệm kỳ vừa qua và cam kết của chính quyền thành phố trong thời gian gần đây là xóa nhà ven kênh rạch, di dời người dân đến nơi ở mới, khang trang hơn và có điều kiện mưu sinh tốt cần được giữ đúng nhân dịp 50 năm thành phố hòa bình.
Quốc Học