Tin tức
Chuẩn bị gia nhập AFTA: VN chưa tận dụng được cơ hội

Chuẩn bị gia nhập AFTA: VN chưa tận dụng được cơ hội

21/11/2005

Banner PHS

Chuẩn bị gia nhập AFTA: VN chưa tận dụng được cơ hội

Phải đến đầu năm tới VN mới hoàn tất việc giảm thuế để gia nhập khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), nhưng ngay lúc này hàng hóa của các nước trong khu vực đã bắt đầu thâm nhập mạnh thị trường nội địa. Còn các doanh nghiệp trong nước thì sao?

Phải đến đầu năm tới VN mới hoàn tất việc giảm thuế để gia nhập khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), nhưng ngay lúc này hàng hóa của các nước trong khu vực đã bắt đầu thâm nhập mạnh thị trường nội địa. Còn các doanh nghiệp trong nước thì sao?

 

Hàng Asean vào VN nhiều hơn

 

Ở khu vực tự chọn của siêu thị Citi Mart Minh Châu gần đây xuất hiện nhiều mặt hàng thực phẩm chế biến và đồ uống đến từ các nước ASEAN. Nhiều nhất là sản phẩm của Thái Lan, Singapore.

 

Còn tại các trung tâm bán hàng điện máy, khách hàng có thể dễ dàng nhận ra sự hiện diện của máy giặt, tủ lạnh, máy lạnh, lò vi ba, ti vi màu, dàn âm thanh, bàn ủi, máy nước nóng và máy xay thực phẩm… có xuất xứ Singapore, Malaysia và Thái Lan.

 

Giá bán lẻ thực phẩm chế biến và đồ uống nhập khẩu từ các nước trong khu vực đa phần còn cao hơn hàng sản xuất tại VN. Nhưng đã có không ít mặt hàng có giá xấp xỉ với sản phẩm cùng loại trong nước.

 

Còn sản phẩm điện tử và điện gia dụng có giá chênh lệch không nhiều so với hàng sản xuất tại chỗ, dù thuế suất nhập khẩu còn khá cao. Sang năm tới, khi VN hoàn tất việc cắt giảm thuế xuống 0-5%, có lẽ khoảng cách về giá này sẽ không còn.

 

Việc cắt giảm thuế, để hình thành khu vực mậu dịch tự do, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nước trong khối ASEAN thâm nhập thị trường lẫn nhau. Nhưng trong thời gian qua, doanh nghiệp của Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia đã tận dụng cơ hội này tốt hơn các đồng nghiệp của họ ở VN. Biểu hiện rõ nét nhất là ở cán cân thương mại hai chiều, nhập siêu của VN với các nước trong ASEAN tăng mạnh vào năm ngoái, lên đến 3,89 tỉ đô la Mỹ và chiếm đến 81,1% tổng giá trị nhập siêu của cả nước.

 

Thị trường ASEAN ba năm gần đây chỉ còn chiếm 14,6% tổng giá trị xuất khẩu của VN, thấp hơn so với mức bình quân khoảng 19-20% của những năm trước đó. Trong khi đó, nhập khẩu từ các nước ASEAN vẫn ổn định ở mức một phần tư tổng kim ngạch nhập khẩu.

 

Những tháng đầu năm nay, xuất khẩu vào một số nước ASEAN đã có chuyển biến tốt, nhất là đối với thị trường Philippines và Thái Lan. Theo Thương vụ VN tại Philippines, tổng giá trị xuất vào nước này trong bảy tháng đầu năm 2005 đạt 534 triệu đô la Mỹ, tăng 118% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Điều đáng khích lệ là giá trị của nhóm sản phẩm công nghiệp xuất khẩu vào Philippines chiếm gần một phần ba và tăng 36%. Còn tại Thái Lan, báo cáo nhanh của Thương vụ VN cho thấy kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này chín tháng qua tăng tới 109%. Tuy nhiên, mức nhập siêu của VN với Thái Lan vẫn còn rất lớn, đến 1,063 tỉ đô la Mỹ.

 

 Nhập siêu của VN với các nước trong ASEAN tăng mạnh vào năm ngoái, lên đến 3,89 tỉ đô la Mỹ và chiếm đến 81,1% tổng giá trị nhập siêu của cả nước.

Vẫn dựa vào gạo và dầu thô

 

Nhìn chung, khả năng thâm nhập của sản phẩm công nghiệp VN vào thị trường các nước ASEAN còn hạn chế. Trong 14 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, hơn hai phần ba là khoáng sản và nông sản, trong đó dầu thô và gạo chiếm giá trị lớn nhất. Do vậy, sự tăng, giảm của hai sản phẩm quan trọng này có tác động lớn đến tốc độ gia tăng hay sụt giảm giá trị xuất khẩu của VN vào thị trường từng nước.

 

Trường hợp Philippines là một ví dụ. Xuất khẩu vào nước này trong những tháng qua tăng vọt chủ yếu là nhờ gạo, chiếm gần hai phần ba tổng kim ngạch nhập khẩu từ VN vào thị trường này. Tương tự, thành tích ở thị trường Thái Lan vừa qua có sự đóng góp không nhỏ của dầu thô, than đá và hàng nông, hải sản. Ngược lại, sự giảm sút của hai mặt hàng dầu thô và gạo đã làm cho mức xuất khẩu vào thị trường Indonesia chín tháng đầu năm nay giảm gần 12%.

 

Trong công nghiệp, có lẽ các công ty có vốn đầu tư nước ngoài tận dụng cơ hội để gia tăng xuất khẩu sang các nước ASEAN tốt hơn. Những ngành mà khối này chiếm tỷ trọng lớn, như sản xuất linh kiện điện tử và máy tính, xe đạp, xe gắn máy và phụ tùng đang thâm nhập mạnh vào một số thị trường lớn của khu vực.

 

Ngoài ra, hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ, sản phẩm nhựa, đồ dùng bằng da và một số loại thực phẩm chế biến gần đây đang nổi lên, được thương vụ của VN ở một số nước trong khu vực đánh giá là có tiềm năng phát triển. Trong khi đó, hàng dệt - may, giày, dép, dù hiện vẫn đứng thứ hai về kim ngạch trong nhóm sản phẩm công nghiệp xuất khẩu vào ASEAN, nhưng đã bắt đầu khó cạnh tranh. Riêng tại Indonesia, kim ngạch xuất hai mặt hàng này trong những tháng đầu năm nay giảm đến 70-79%.

 

Không dễ thua trên sân nhà, nhưng…

 

Khả năng thâm nhập thị trường khu vực của hàng VN còn hạn chế, nhưng điều đó không có nghĩa hàng hóa của các nước ASEAN có thể dễ dàng lấn át hàng VN ở thị trường trong nước.

 

Các doanh nghiệp cho biết, họ đã sẵn sàng để cạnh tranh khi hàng rào thuế quan được tháo bỏ vào năm tới. Ngay những đơn vị sản xuất hàng điện tử, ngành trước đây bị cho là phải đối mặt với nhiều rủi ro khi không còn bảo hộ, cũng tỏ ra tự tin nếu Chính phủ tạo điều kiện cho họ cạnh tranh bình đẳng với đối thủ.

 

Trong thực tế, phần lớn hàng nhập khẩu nhiều từ ASEAN cho đến nay đều rơi vào những nhóm sản phẩm trong nước chưa sản xuất hoặc có sản xuất nhưng chưa đủ đáp ứng nhu cầu.

 

Một số sản phẩm tiêu biểu như xăng-dầu, hạt nhựa, phân bón, nguyên phụ liệu ngành dệt và may, máy móc thiết bị và phụ tùng, linh kiện điện tử và máy tính, linh kiện và một số loại xe gắn máy… Điều đáng mừng là khi sản xuất trong nước phát triển, mức nhập khẩu các mặt hàng tương tự giảm dần, điển hình là xe gắn máy, phân bón, tân dược.

 

Nhưng các doanh nghiệp trong nước cũng chưa thể yên tâm hoàn toàn. Những gì hàng VN đạt được ở thị trường nội địa cho đến nay vẫn là trong khuôn khổ được bảo hộ, dù mức độ không còn mạnh như trước. Đồng thời, một số ngành như lắp ráp ô tô, xe gắn máy hiện nằm trong danh mục loại trừ nên tạm thời còn được bảo vệ bằng hàng rào thuế quan.

 

Giả sử năm tới thuế nhập khẩu ô tô, xe máy chỉ còn 0-5% như các mặt hàng khác, những ngành này khó mà giữ được thị phần của mình. Ngay cả khi đã đủ sức cạnh tranh thì sự xuất hiện của các thương hiệu sản phẩm mới cũng sẽ ảnh hưởng đến thị phần của doanh nghiệp trong nước. Nhất là khi những đối thủ này đang quyết tâm thâm nhập thị trường bằng chính sách khuyến mãi “nặng ký”, như mua hai tặng một, thậm chí là mua một tặng một.

 

VN có ưu thế về giá nhân công, nhưng ngành công nghiệp phụ trợ thì thua xa Thái lan, Malaysia, Singapore. Đó là điều bất lợi và là yếu tố khiến các doanh nghiệp phải dè chừng. Đáng ngại nhất có lẽ là các đối thủ cạnh tranh đến từ Thái Lan. Các sản phẩm điện tử, xi măng, vật liệu xây dựng, quần áo, thực phẩm chế biến, trái cây… của VN chưa thể có giá tốt hơn của các doanh nghiệp nước này.

 

Hơn nữa, Thái Lan lại nằm không xa nên khả năng cạnh tranh về giá của sản phẩm nước này tại thị trường Việt Nam sẽ rất đáng kể. Giám đốc một công ty xi măng nhìn nhận: “Khi tham gia AFTA, đối thủ chúng tôi ngại nhất là từ Thái Lan”. Đây cũng là suy nghĩ của một số công ty điện tử và có lẽ của nhiều doanh nghiệp khác.

TBKTSG

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng