Chuẩn Basel III: Tăng vốn cấp 1 từ 2% lên 4.5%
Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet |
* Siết tín dụng để phòng ngừa khủng hoảng toàn cầu
* Hệ số CAR theo chuẩn Basel mới sẽ lên 16%?
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng phải xây dựng một nguồn vốn đệm riêng (bao gồm cổ phần thông thường) chiếm 2.5% tổng giá trị tài sản. Qua đó, nâng tổng hệ số vốn cấp 1 lên 7%.
Thỏa thuận trên được 27 thống đốc và các nhà giám sát ngân hàng hàng đầu thông qua dưới sự chủ tọa của Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet vào ngày 12/09.
Thống đốc Trichet cho biết: “Thỏa thuận đạt được trong ngày hôm nay là một yếu tố quan trọng để tăng cường các tiêu chuẩn về vốn trên toàn cầu. Chuẩn Basel III sẽ đem lại sự ổn định dài hạn và tăng trưởng mạnh mẽ cho hệ thống tài chính.”
Các ngân hàng sẽ có thời hạn vài năm để tuân thủ đầy đủ các yêu cầu mới của chuẩn Basel III. Theo đó, quy định vốn cấp 1 sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2015 trong khi quy định về nguồn vốn đệm có hiệu lực từ tháng 1/2016 đến tháng 1/2019.
Dù vậy, chuẩn Basel III là sự thay đổi lớn nhất về các quy định ngân hàng toàn cầu trong nhiều thập kỷ. Thông qua những quy định mới, các nhà điều hành mong muốn sẽ thúc đẩy các ngân hàng áp dụng nhiều chiến lược kinh doanh ít rủi ro hơn và đảm bảo rằng các tổ chức tài chính này có đủ nguồn dự trữ để chống chọi được với những cú sốc mà không cần phải nhờ đến gói cứu trợ của Chính phủ.
Dự kiến, các nhà lãnh đạo G20 sẽ phê chuẩn thỏa thuận trên trong cuộc họp vào tháng 11 tới tại Seoul, Hàn Quốc.
Được biết, trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mà một phần nguyên nhân là do các giao dịch rủi ro của hệ thống ngân hàng, G20 đã kêu gọi các nhà điều hành và các thống đốc ngân hàng trung ương trên toàn thế giới tiến hành cải cách và giới thiệu các quy định nghiêm ngặt hơn về vốn.
Theo dự đoán, đa số các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới sẽ không vội vã nâng vốn theo các quy định mới trên sau khi vừa phục hồi từ khủng hoảng.
Tuy nhiên, xuất hiện mối lo lắng rằng các ngân hàng tại một số quốc gia sẽ đối mặt với chặng đường phục hồi dài. Hơn nữa, chuẩn Basel có thể khiến các ngân hàng cắt giảm hoạt động tín dụng đối với doanh nghiệp, từ đó làm chậm đà phục hồi của nền kinh tế.
Một nguồn tin hôm thứ Sáu cho rằng ngân hàng lớn nhất Đức, Deutsche Bank, có thể tăng vốn lên 9 tỷ EUR (tương đương 11.4 tỷ USD) nhằm củng cố bảng cân đối kế toán của mình.
Các thông báo chính thức, chi tiết và đầy đủ hơn về chuẩn Basel III dự kiến được công bố sau 23h ngày 13/09 (giờ Việt Nam).
Phạm Thị Phước (Theo Reuters)