Giải pháp thời "hậu khủng hoảng":
Chiến lược tài khóa hợp lý để củng cố sự phục hồi kinh tế
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu: Đã đến lúc tất cả các nước cần phải ngừng các biện pháp kích thích tài chính và phải thực hiện ngay các chính sách thắt chặt tài khoá nhằm củng cố vững chắc sự phục hồi kinh tế đang đạt được hiện nay.
Nền kinh tế toàn cầu đã bắt đầu hồi phục nhờ sự đóng góp không nhỏ của các chính sách tài khoá hợp lý, trong đó có các biện pháp kích cầu. Tuy nhiên việc ngừng hay tiếp tục duy trì các biện pháp kích thích tài chính vẫn là vấn đề gây tranh luận trong các nhà kinh tế. Dưới đây là quan điểm của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, ông Jean-Claude Trichet, trong bài phân tích trên tờ Financial Times (Anh) số ra ngày 23/7 để bạn đọc tham khảo.
Theo ông Jean-Claude Trichet, nền kinh tế toàn cầu đã bắt đầu hồi phục nhờ sự đóng góp không nhỏ của các chính sách tài khoá hợp lý, trong đó có các biện pháp kích cầu. Nhưng đã đến lúc tất cả các nước cần phải ngừng các biện pháp kích thích tài chính và phải thực hiện ngay các chính sách thắt chặt tài khoá nhằm củng cố vững chắc sự phục hồi kinh tế đang đạt được hiện nay.
Sự suy sụp về tài khoá mà thế giới đang phải trải qua là chưa từng có xét về cả quy mô địa chính trị và độ nghiêm trọng, trong đó có vấn đề nợ công.
Nợ công tăng chủ yếu do 3 yếu tố: thu thuế giảm mạnh do suy thoái; chi tiêu tăng, trong đó có chi cho các biện pháp kích thích để đối phó với suy thoái; và các biện pháp bổ sung nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của lĩnh vực tài chính.
Hiện nay có nhiều ý kiến không ủng hộ việc thắt chặt tài khoá sau kích cầu. Một số chuyên gia cho rằng cần tiếp tục duy trì, thậm chí là tăng cường các biện pháp kích thích tài chính nhằm tránh việc hủy hoại đà phục hồi kinh tế thế giới hiện nay. Các chuyên gia khác thì cho rằng củng cố tài khoá sẽ có tác động tiêu cực mang tính hệ thống đối với kinh tế toàn cầu bởi nó bóp nghẹt môi trường đầu tư.
Tuy nhiên, ông Jean-Claude Trichet bày tỏ quan điểm không đồng ý với cả 2 quan điểm trên đây. Theo ông, có 3 lý do cơ bản để các nước, đặc biệt là các nước công nghiệp, cần bắt đầu thực hiện các chiến lược tài khoá hợp lý để củng cố sự phục hồi kinh tế hiện nay.
Thứ nhất, thế giới đã có một số kinh nghiệm củng cố tài chính trong một số thời kỳ ít đặc biệt hơn so với hiện nay. Các kinh nghiệm này cho thấy nếu việc củng cố tài chính là một phần trong chiến lược cải cách toàn diện thì cái giá phải trả trong ngắn hạn đối với tăng trưởng kinh tế là rất hạn chế và có thể kiểm soát được. Những điều chỉnh về mặt chi tiêu, cùng với nó là những cải cách cơ cấu để khuyến khích tăng trưởng dài hạn, là chiến lược tốt nhất, đặc biệt khi được kết hợp với các cam kết dài hạn đáng tin cậy về việc củng cố tài chính.
Thứ hai, với mức độ nghiêm trọng của thâm hụt ngân sách hàng năm và nợ công đang tăng hiện nay, các mô hình kinh tế đi theo đường chuẩn vốn thường được sử dụng để dự báo tác động của kiềm chế tài chính hay kích thích tài chính không còn đáng tin cậy nữa.
Trong những thời kỳ bất thường, nền kinh tế có thể tiến gần tới các hiện tượng không theo đường chuẩn (chẳng hạn một sự suy sụp mạnh của niềm tin trong các nhà đầu tư, người tiết kiệm, các doanh nghiệp và các gia đình). Đa số các nước công nghiệp đang ở trong tình trạng chưa bao giờ gặp phải đó là niềm tin hiện đang trong tình thế rất nguy hiểm. Trong những tình huống như vậy, củng cố tài chính là việc bắt buộc phải làm.
Thứ ba, sự ổn định kinh tế về hệ thống và sự tăng trưởng bền vững phụ thuộc vào năng lực tối thượng của ngành tài chính công trong việc can thiệp vào các tình huống khó khăn.
Ngoài ra, các sự kiện bất ngờ khác, chẳng hạn như thảm hoạ thiên nhiên, cũng có thể cần tới sự hỗ trợ khẩn cấp về tài khoá. Nếu như không có hệ thống tài chính công tin cậy thì thế giới có lẽ đã không thể tránh được một cuộc đại suy thoái lần 2.
Do đó, lĩnh vực tài chính công vững chắc là nhân tố quyết định đối với sự ổn định kinh tế và tăng trưởng toàn cầu bền vững./.
Mai Hằng
Chính Phủ