Châu Âu lo ngại về sự tăng giá của đồng euro
Các quan chức của Liên minh Châu Âu (EU) cho biết các nhà hoạch định chính sách của khu vực đòng tiền chung euro (Eurozone) sẽ yêu cầu hành động khẩn cấp để ngăn chặn tình trạng tăng giá của đồng euro so với đồng USD và các ngoại tệ khác.
Dự kiến, các Bộ trưởng Tài chính của 13 nước thành viên Eurozone sẽ nhóm họp tại Luxembourg vào ngày 8/10 để tiến tới một thỏa thuận chung, trước khi Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Giám đốc ngân hàng trung ương của Nhóm G7 diễn ra tại Oasinhtơn vào ngày 20-22/10. Các nhà lãnh đạo Eurozone muốn đưa vấn đề tỷ giá hối đoái là chủ đề trọng tâm của cuộc thảo luận tại hội nghị này và hy vọng thuyết phục được Canađa, Nhật Bản, Anh và Mỹ rằng cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu đã "thổi phồng" những nguy cơ về sự biến động tỷ giá ngoại tệ.
Giới chính khách và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Châu Âu đã khuyến cáo mạnh mẽ về sự mất giá của đồng USD khi đồng euro tăng lên trên 1,4 USD hôm 20/9, đánh dấu mức tăng mạnh nhất của đồng euro so với đồng USD kể từ năm 1999. Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Nhóm các Bộ trưởng tài chính Eurozone, nhận định rằng sự tăng giá của đồng euro "gây lo ngại rất nhiều" và điều không thể chấp nhận rằng Châu Âu đang phải gánh chịu những hậu quả của sự mất cân bằng toàn cầu hiện nay.
Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ họp tại Viên (Áo) vào ngày 4/10 để quyết định tỷ lệ lãi suất. Trong những ngày gần đây Jean-Claude Trichet, Chủ tịch ECB, đã có động thái can thiệp bằng việc nhấn mạnh lợi ích của Oasinhtơn đối với một đồng đôla mạnh. Thủ tướng Italia Romano Prodi cũng cho biết ông đã trao đổi qua điện thoại với Thủ tướng Đức Angela Merkel về sự tăng giá của đồng euro. Tuy nhiên, trong một báo cáo phân tích được chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Eurozone, việc đồng euro tăng giá chỉ có tác động hạn chế đối với xuất khẩu. Theo tài liệu trên, trong thời gian 2001-2006, giá trị xuất khẩu của eurozone chỉ giảm 0,8%/năm do đồng euro tăng giá.
Dự báo, ECB trong cuộc họp ngày 4/10 sẽ giữ nguyên tỷ lệ lãi suất 4%. Dù tỷ lệ lạm phát tăng, nhưng các yếu tố như tăng trưởng kinh tế chậm, đồng euro tăng giá và các chi phí tài chính cao hơn sau cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu vừa qua, có thể sẽ loại bỏ khả năng tăng lãi suất của ECB.
TTXVN