Chân dung Hiệu bánh Givral nghi liên quan vụ ngộ độc bánh su kem
Trên website chính thức, Givral giới thiệu là thương hiệu bánh ngọt nổi tiếng tại Sài Gòn với bề dày lịch sử hơn 70 năm (từ năm 1950), khởi nguồn bởi Alain Portier- ông chủ người Pháp, chuyên cung cấp các loại bánh nướng và bánh tươi cao cấp như bánh kem, bánh sinh nhật, bánh cưới… Doanh nghiệp cũng nhấn mạnh là một thương hiệu “hướng đến sức khỏe người tiêu dùng”.
Pháp nhân đứng sau thương hiệu bánh tiếng tăm này là CTCP Bánh Givral, thành lập từ tháng 12/2011; trụ sở tại Lô II-1B Lê Trọng Tấn, KCN Tân Bình, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TPHCM. Doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất các loại bánh từ bột; cụ thể là sản xuất bánh kem, bánh sinh nhật, bánh noel, bánh cưới, bánh mì, bánh nướng, bánh trung thu, bánh quy (trừ sản xuất, chế biến thực phẩm tươi sống tại trụ sở).
Từ những năm trước 2016, Doanh nghiệp có vốn điều lệ 330 tỷ đồng, do ông Nguyễn Sĩ Phương làm Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật, sau đó tháng 5/2016 chuyển cho ông Hà Trọng Nam.
Tháng 08/2019 đến nay, vai trò đại diện pháp luật được chuyển sang cho bà Võ Thị Bạch Liên (sinh năm 1959) – Tổng Giám đốc Givral. Đồng thời, Doanh nghiệp vẫn giữ nguyên vốn điều lệ.
Chủ sở hữu Givral là ai?
CTCP One Capital Hospitality (HNX: OCH) được xác định là chủ sở hữu của CTCP Bánh Givral. OCH góp vốn vào Givral vào tháng 12/2011 thông qua hình thức nhận chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông với tổng cổ phần nắm giữ 2.94 triệu cp, chiếm 98% vốn điều lệ Givral thời điểm đó. BCTC năm 2011 của OCH ghi nhận đây là khoản đầu tư tài chính ngắn hạn có giá trị 99 tỷ đồng, như vậy tương ứng mỗi cổ phần Givral có giá 33,673 đồng/cp khi về tay OCH.
Thời gian trước đó, OCH có công ty con là CTCP Sài Gòn – Givral, doanh nghiệp này thành lập vào tháng 10/2004 với vốn điều lệ hơn 79 tỷ đồng và do bà Đỗ Thị Phượng đưng tên. OCH bắt đầu đầu tư vào Sài Gòn – Givral vào năm 2019 và đến năm 2013, OCH thoái vốn khỏi doanh nghiệp này, lần cuối OCH ghi nhận khoản đầu tư tại đây có giá trị hơn 226 tỷ đồng vào cuối quý 3/2013.
Năm 2015, Sài Gòn – Givral đã nâng vốn lên hơn 305 tỷ đồng giữ nguyên đến hiện tại, bà Phượng vẫn còn đứng tên Công ty. |
Theo BCTC soát xét bán niên 2023, tỷ lệ cổ phần mà OCH nắm giữ tại Givral là 99.99% tính đến cuối tháng 6, giá gốc ghi nhận là hơn 337 tỷ đồng.
Nguồn: OCH
|
OCH có tiền thân là CTCP Xây dựng – Thương mại Bảo Long, thành lập vào tháng 07/2006, hiện hoạt động chính trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú ngắn ngày. Ngoài ra là các dịch vụ khác như nhà hàng, dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động, phục vụ đồ uống…
Bên cạnh Givral, OCH đang sở hữu một thương hiệu thực phẩm nổi tiếng khác là Kem Tràng Tiền chuyên sản xuất các loại bánh và kem.
2 thương hiệu thực phẩm của OCH gồm Bánh Givral và Kem Tràng Tiền
|
Với doanh thu hàng trăm tỷ đồng cùng lợi nhuận hàng chục tỷ đồng tạo ra mỗi năm, Givral là một trong những doanh nghiệp con mang lại doanh thu tài chính lớn cho OCH thông qua cổ tức. Năm 2022, OCH có doanh thu tài chính gần 252 tỷ đồng, vượt 255% kế hoạch năm chủ yếu do nhận được cổ tức được chia từ Givral. OCH cũng cho hay, 2022 là một năm kinh doanh bùng nổ của hàng bánh này khi doanh thu vượt 17% kế hoạch và lãi trước thuế vượt 68%.
Kết quả kinh doanh của OCH từ 2019-2021
Nguồn: VietstockFinance
|
Cơ cấu doanh thu của OCH theo báo cáo thường niên 2022 cho thấy tỷ lệ lớn nằm ở ngành sản xuất, kinh doanh thực phẩm (chiếm 90.36%), nghĩa là chủ yếu nằm ở Givral và Kem Tràng Tiền. Dù không nêu chi tiết con số, nhưng OCH cho biết Givral trong năm 2022 đạt doanh thu vượt 17%, lợi nhuận trước thuế vượt 68% kế hoạch năm; Kem Tràng Tiền đạt 95% kế hoạch doanh thu, nhưng vượt tới 215% chỉ tiêu lãi trước thuế trong năm 2022.
Cơ cấu doanh thu của OCH trong năm 2022
Nguồn: OCH
|
Mặt khác, tại lô đất c5-12, đường N8 khu công nghiệp Tân Phú Trung với diện tích 1.8 ha, OCH cho hay Givral đang có kế hoạch xây dựng nhà máy, thời gian sử dụng đất đến 2054. Hiện dự án vẫn trong quá trình thẩm định hồ sơ thiết kế cơ sở. Hãng bánh kem này cũng đặt mục tiêu giữ vị trí top 3 thương hiệu bánh tươi, bánh sinh nhật tại TPHCM.
Về tình hình kinh doanh gần nhất của OCH, kết thúc 6 tháng đầu năm 2023 với doanh thu 276 tỷ đồng, tăng trưởng 12%, nhờ vào hoạt động kinh doanh của hệ thống cửa hàng thương mại và khách sạn khởi sắc hơn, trong khi tối ưu hóa lợi nhuận nhờ kiểm soát chi phí giá vốn.
Doanh thu hoạt động tài chính ghi nhận tăng mạnh, đạt hơn 42 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ. Nguyên nhân do doanh thu từ hoạt động tiền gửi gia tăng, cũng như có lợi nhuận từ hoạt động thoái vốn ở các công ty không hiệu quả. Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 16% nhờ hoàn nhập chi phí dự phòng. Do vậy, OCH lãi ròng 34.6 tỷ đồng sau 6 tháng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 33 tỷ đồng.
Doanh thu và lợi nhuận của OCH từ quý 1/2021 | ||
Lùm xùm ngộ độc thực phẩm
Mới đây, Givral trở thành tâm điểm truyền thông khi được cho là có liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm tại chung cư Palm Heights – TP. Thủ Đức, TPHCM. Cụ thể theo thông tin từ báo Công an Nhân dân, vào lúc 17h30 ngày 29/09, Ban Quản lý chung cư Palm Heights đã tổ chức vui Trung thu cho các cháu là con của cư dân và nhân viên sinh sống tại chung cư.
Ban Quản lý chung cư phát bánh cho khoảng 200 người (khoảng 150 trẻ em và khoảng 50 người lớn). Sau đó 1 ngày có hiện tượng ngộ độc thực phẩm hàng loạt, trong đó có 1 trẻ đã tử vong, là con của nhân viên phục vụ. Cháu nhỏ sau khi ăn phần bánh dư tại sự kiện trên đã xuất hiện triệu chứng nôn ói, tiêu chảy.
Buổi họp khẩn của Sở Y tế vào sáng ngày 04/10 đưa ra kết luận món ăn nghi vấn gây ngộ độc nhiều khả năng là bánh su kem đến từ cửa hàng phân phối bánh Givral, do một người dân tài trợ và đặt mua. Các chuyên gia cho rằng bánh đã bị nhiễm khuẩn từ trước, loại trừ khả năng nhiễm khuẩn tại nơi tổ chức tiệc. Hiện chưa rõ tác nhân gây ra nhiễm khuẩn là gì.
Trước lùm xùm này, CTCP Bánh Givral ngày 04/10 ra thông cáo phản hồi.
“Sự việc xảy ra, dù bất cứ nguyên do nào, chúng tôi xin được bày tỏ sự thương tiếc và chia buồn cùng gia đình với nỗi mất mát lớn lao này” – trích thông cáo từ Givral.
Givral cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ việc, Doanh nghiệp đã phối hợp, hỗ trợ cơ quan chức năng, cung cấp mẫu bánh lưu ngày 29/09 cùng nguyên liệu, tài liệu liên quan đến các khâu nhập, sản xuất, vận chuyển… Hiện tại, công tác điều tra vẫn đang được tiến hành và chưa có kết luận cuối cùng.
“Là thương hiệu truyền thống đã hoạt động hơn 70 năm trên thị trường, Givral luôn sử dụng các nguyên liệu tốt nhất và có nguồn gốc rõ ràng, kiểm định đầy đủ. Nhà máy sản xuất của Givral được Ban quản lý an toàn thực phẩm TPHCM cấp giấy chứng nhận, số 1509/GCNATTP-BLATTP và cũng luôn duy trì tiêu chuẩn HACCP trong hệ thống quản lý sản xuất thực phẩm an toàn” – trích thông cáo.
Bà Võ Thị Bạch Liên - Tổng Giám đốc Công ty chia sẻ thêm: “Bên cạnh việc phối hợp và hỗ trợ cơ quan chức năng điều tra để làm rõ nguyên nhân của sự việc và mong muốn có kết luận chính thức về sự việc một cách sớm nhất, chúng tôi còn đặt tinh thần và triển khai các hành động cần thiết liên quan đến vụ việc này ở cấp độ cao nhất với sự tham gia từ Ban lãnh đạo và tập thể cán bộ công nhân viên công ty”.
Hải Âu