Tin tức
Câu chuyện tái cấu trúc doanh nghiệp tư nhân

Câu chuyện tái cấu trúc doanh nghiệp tư nhân

20/01/2011

Banner PHS

Câu chuyện tái cấu trúc doanh nghiệp tư nhân

Xác định chiến lược tái cấu trúc toàn bộ và triệt để là cách một số doanh nghiệp tư nhân đã và đang làm trước áp lực phải đổi mới để phát triển.

Khu vực kinh tế tư nhân hiện chiếm 24% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, 11% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và sử dụng khoảng 7% lực lượng lao động của cả nền kinh tế (theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Xét về quy mô, trung bình mỗi doanh nghiệp tư nhân chỉ có khoảng 28-30 lao động, bằng 1/15 so với doanh nghiệp nhà nước. Do trình độ khoa học công nghệ, tầm nhìn chiến lược, nguồn nhân lực, mô hình quản trị và khả năng tích lũy vốn còn hạn chế nên khi gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các thành phần kinh tế mạnh hơn, đa phần doanh nghiệp tư nhân thường bị thất thế và vuột mất thị phần.

Chìa khóa thành công

Bởi thế, một số doanh nghiệp đang ấp ủ những kế hoạch tái cấu trúc triệt để, đổi mới toàn diện nhằm nâng cao sức cạnh tranh, giành lấy lợi thế trong cuộc đua căng thẳng trên thương trường. Việc tự thay đổi, tự vươn lên thông qua quá trình tái cấu trúc về lý thuyết là xuất phát từ nhu cầu nội tại của chính doanh nghiệp, song vẫn có sức ép rất lớn và quyết liệt từ môi trường bên ngoài. Lý do khá đơn giản: lỡ nhịp là lỡ cơ hội làm ăn.

Tổng giám đốc một công ty sản xuất tư nhân trong nước (không muốn nêu tên) nói rằng, sức ép tái cơ cấu doanh nghiệp lớn đến nỗi nhiều đêm ông không ngủ được. Theo ông, sức ép này cũng có điểm hay là giúp doanh nghiệp luôn tiến lên phía trước, buộc phải tìm ra giải pháp cho mọi vấn đề vì không được phép lùi lại. Vị lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết ông đang thuê một nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược tái cấu trúc công ty của mình với tầm nhìn từ 5-10 năm, mục tiêu là làm chủ thị trường nội địa và từng bước vươn ra thế giới.

Việt Nam không có nhiều công ty tư nhân đạt được mức tăng trưởng doanh thu 33% trong năm 2010 đầy biến động như FPT. Cách đây hơn 22 năm, từ tiền thân là Công ty Công nghệ Chế biến Thực phẩm, kinh doanh trong ngành thực phẩm, FPT ngày nay đã trở thành công ty công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam, một trong số ít công ty tư nhân lớn sắp chạm đến ngưỡng doanh thu 1 tỉ USD.

Câu chuyện của FPT chính là ví dụ điển hình, minh họa cho tầm quan trọng của quá trình tái cấu trúc đối với sự phát triển lớn mạnh của doanh nghiệp tư nhân. Việc tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp năm 2002 đã cụ thể hóa cho chiến lược tái cấu trúc về dài hạn ở FPT. Theo chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình thuộc Tổ chức Nghiên cứu và Tư vấn Độc lập Economica, đây là cột mốc cực kỳ quan trọng trong quá trình tái cấu trúc của Công ty. Quyết định đó đã tạo ra một cơ chế và động lực mới, làm nền tảng cho thời kỳ phát triển mạnh của FPT trong những năm sau đó.

Là người trực tiếp nghiên cứu về trường hợp tái cấu trúc của FPT, ông Bình đã chỉ ra những luận điểm then chốt, chứng minh cho vai trò lớn của tái cấu trúc đối với sự thành công của công ty này. ”Cùng với quyết định cổ phần hóa, một loạt các thay đổi về cấu trúc của Công ty cũng đã được thực hiện. Hoạt động theo mô hình cổ phần hóa là cơ sở để FPT áp dụng những nguyên tắc quản trị hiện đại và lành mạnh vào quá trình hoạt động của mình”, ông nhận định.

Chỉ một năm sau khi cổ phần, FPT niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, hành động được ông Bình cho là “mở ra một trang sử mới trong hoạt động của FPT”. Ông lý giải, niêm yết đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình tái cấu trúc của FPT. Vì khi đó, sự minh bạch trong quản trị của Công ty được nâng lên một bước mới. Một khi đã trở thành công ty niêm yết, các hoạt động sản xuất kinh doanh của FPT phải chịu sự giám sát chặt chẽ của các cổ đông và công chúng.

Tuy nhiên, sự giám sát đó mang tính tích cực. Nó tạo sức ép ngược lên nhân viên Công ty ở tất cả các cấp độ quản lý, buộc họ phải nỗ lực để hoạt động hiệu quả, đề cao nguyên tắc minh bạch vì lợi ích chung của Công ty và các cổ đông.

Và theo thông tin từ FPT, quá trình tái cấu trúc này vẫn liên tục được Công ty triển khai trong năm 2010 và cả những năm tiếp theo.

Luôn bám sát năng lực lõi

Từ kết quả nghiên cứu về quá trình tái cấu trúc ở hai doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam là FPT và Việt Á (Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Thương mại Việt Á), Economica đã chỉ ra một chi tiết quan trọng: việc bám sát năng lực cốt lõi của bản thân doanh nghiệp là một trong những nguyên tắc chủ đạo của quá trình tái cấu trúc.

Ngay cả khi mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh sang các lĩnh vực bên ngoài lĩnh vực chủ chốt, doanh nghiệp vẫn phải quay về với năng lực lõi.

Việt Á được xem là ví dụ điển hình trong trường hợp này. Năm 2007, Việt Á mở rộng đầu tư sang 9 lĩnh vực bên ngoài lĩnh vực chính của mình như bất động sản, điện tử, sản xuất đá... Mục tiêu của Việt Á trong chiến lược mới này là phát triển nhanh, mở rộng theo chiều ngang với mức doanh số tăng 30%/năm, lực lượng lao động tăng 30%/năm.

Tuy nhiên, sau đó Ban Lãnh đạo Công ty cho biết, họ đã nhìn thấy được khả năng không thành công của việc mở rộng hoạt động kinh doanh quá nhanh theo chiều ngang. Một số lĩnh vực kinh doanh mở rộng đã đi quá xa so với năng lực cốt lõi của Công ty, hơn nữa lại không hỗ trợ một cách hệ thống cho các hoạt động chính.

Vì thế, Việt Á quyết định loại bỏ một số lĩnh vực được đưa vào danh mục mở rộng trước đó như chế biến nông sản, công nghệ thông tin, giáo dục, truyền thông, dù đã có đầu tư ban đầu. Các lĩnh vực bất động sản công nghiệp cũng được loại bỏ khỏi trọng tâm đầu tư của Công ty.

Sau quá trình tái cấu trúc, Việt Á đã trở lại với các nhóm ngành chính bao gồm điện, điện tử, xây dựng, nhà thầu EPC (thực hiện hợp đồng tổng thầu) về điện, xây dựng công nghiệp và xây dựng dân dụng, cơ khí, công nghiệp nặng... Bên cạnh đó, thay vì đặt mục tiêu tăng trưởng về doanh số, số lượng lao động, Việt Á đề ra các chỉ tiêu về chất lượng hoạt động và hiệu quả kinh doanh. Kết quả, nếu năm 1999 doanh số của Công ty chỉ đạt 20 tỉ đồng thì đến năm 2007 là gần 1.500 tỉ đồng.

Tương tự là FPT. Trong hai năm 2007-2008, công ty này cũng đã đầu tư vào các lĩnh vực bên ngoài như bất động sản, tài chính, ngân hàng, đào tạo, bán lẻ với sự ra đời của các công ty thành viên, công ty liên kết hoạt động trong các lĩnh vực đó. Nhưng trước mối lo ngại về việc mở rộng đa ngành nghề, đến năm 2009 Hội động Quản trị của FPT đã củng cố lại thành mô hình một công ty công nghệ thông tin viễn thông, xác định các ngành nghề kinh doanh chủ chốt gồm viễn thông, công nghiệp nội dung và các dịch vụ công nghệ thông tin.

Ở góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, tái cấu trúc không chỉ là việc của riêng doanh nghiệp mà cần có vai trò của Chính phủ và phải được triển khai trên quy mô toàn bộ nền kinh tế.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, đồng tình với quan điểm trên. Ông cho rằng, khi môi trường kinh doanh của Việt Nam còn nhiều vấn đề chưa giải quyết thấu đáo như chi phí kinh doanh tăng (nhất là các khoản chi phí không chính thức), lãi suất cũng tăng cao thì rất khó để doanh nghiệp tư nhân có thể tự tích lũy vốn. “Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp tư nhân đang kinh doanh theo kiểu giật gấu vá vai và họ phải bươn chải để tồn tại hơn là xác định chiến lược kinh doanh dài hạn. Với tình hình như vậy thì tái cấu trúc thế nào? Khó mà làm gì dài hạn và bài bản được”, ông nói thêm.

Cuối cùng, một vấn đề lớn được đặt ra là có cần thiết phải thay đổi cấu trúc thể chế hay không, chẳng hạn như giảm dần số lượng doanh nghiệp nhà nước, tăng số lượng doanh nghiệp tư nhân (theo đề xuất của ông Cung), hay là vẫn để cho khu vực doanh nghiệp tư nhân tự bơi.

Nhịp cầu đầu tư

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng