Campuchia không lo ngại áp lực lạm phát
Theo báo cáo cập nhật tháng 1 được Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô Asean+3 (AMRO) công bố mới đây, sự xuất hiện của áp lực lạm phát không phải là mối lo ngại đối với Campuchia trong năm 2025.
Theo dự báo trong báo cáo được các chuyên gia kinh tế Megan Chong và Catharine Kho đồng biên soạn, khu vực ASEAN+3, bao gồm cả Campuchia, sẽ duy trì khả năng phục hồi với tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức 4.2% trong năm nay mặc dù phải đối mặt với hàng loạt thách thức.
Báo cáo chỉ ra rằng lạm phát trong khu vực sẽ cao hơn một chút. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), lạm phát tại Campuchia được dự báo sẽ duy trì ổn định ở mức khoảng 2% trong năm 2025. Các quốc gia sẽ đối diện với lạm phát cao hơn là Trung Quốc, Hồng Kông, Brunei, Malaysia và Thái Lan.
Báo cáo cho rằng lạm phát cao hơn tại Campuchia phản ánh sự cải thiện nhu cầu trong nước và những điều chỉnh về mặt cung, bao gồm cả việc giảm trợ cấp năng lượng. Báo cáo đồng thời cho rằng "áp lực lạm phát tổng thể vẫn được kiểm soát rất tốt".
Báo cáo nhấn mạnh, những con số lạm phát cao hơn ở các quốc gia, bao gồm cả Campuchia, sẽ sớm trở lại mức trước đại dịch và bác bỏ những nguyên nhân đáng lo ngại.
Vào năm 2020, lạm phát tại Vương quốc mức 2.94% và tăng lên 5.34% vào năm 2022. Nguyên nhân khiến lạm phát tại quốc gia này tăng chủ yếu do sự gia tăng lạm phát toàn cầu vì gián đoạn kinh tế, gián đoạn chuỗi cung ứng và việc áp dụng các biện pháp kích thích tài khóa và tiền tệ của các chính phủ và ngân hàng trung ương toàn cầu vào năm 2020 và 2021 để ứng phó với đại dịch và việc tăng giá.
Sau đó, lạm phát tại quốc gia Đông Nam Á này đã giảm xuống còn 2.1% vào năm 2023. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lạm phát tại Campuchia năm 2024 là 2.3%. Hiện Bộ Kinh tế và Tài chính nước này vẫn chưa công bố dữ liệu kinh tế cuối cùng cho năm 2024.
Phát biểu với Khmer Times, chuyên gia phân tích kinh tế Tom Goh có trụ sở tại Singapore cho biết áp lực lạm phát hiện hữu ở tất cả các nền kinh tế mới nổi. “Thách thức thực sự đối với chính phủ các nước này là kiềm chế áp lực này trong khi vẫn đảm bảo mức tăng trưởng GDP cao.”
Báo cáo cũng cho rằng nếu lạm phát tại Mỹ tăng trở lại, chính sách tiền tệ có thể sẽ thắt chặt hơn, dẫn đến đồng USD mạnh hơn và điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn. “Đối với các nền kinh tế ASEAN+3, những yếu tố này có thể kích hoạt dòng vốn chảy ra và giảm tỷ giá hối đoái, và có thể dẫn đến lãi suất chính sách cao hơn và điều kiện tài chính chung chặt chẽ hơn, từ đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng”, báo cáo nêu.
“Mặc dù phải đối mặt với những thách thức này, khu vực ASEAN+3 vẫn duy trì khả năng phục hồi, được hỗ trợ bởi nền tảng cơ bản vững chắc và nhu cầu trong nước mạnh mẽ. Khu vực này có một hồ sơ thành tích mạnh mẽ trong việc quản lý các cú sốc bên ngoài, bao gồm đại dịch Covid-19, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra”.
Báo cáo kêu gọi các nền kinh tế ASEAN+3, bao gồm cả Campuchia, ưu tiên cả các chiến lược tức thời và dài hạn để bảo vệ tăng trưởng và khả năng phục hồi. “Trong ngắn hạn, tính linh hoạt của tỷ giá hối đoái là rất cần thiết để hấp thụ tác động của thuế quan và một phần bù đắp cho tổn thất về khả năng cạnh tranh xuất khẩu. Chính phủ cũng có thể thực hiện các biện pháp để hỗ trợ các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng, chẳng hạn như đơn giản hóa thủ tục hải quan để giảm thiểu sự chậm trễ, cung cấp thông tin kịp thời về tác động của thuế quan và cung cấp hỗ trợ có mục tiêu cho các ngành bị ảnh hưởng”.
“Hợp tác khu vực cũng sẽ rất quan trọng trong việc giảm thiểu những thách thức này. Trong khi theo đuổi các biện pháp chính sách chủ động, các nền kinh tế khu vực cũng phải lưu ý đến rủi ro lan truyền và tránh các chính sách - chẳng hạn như phá giá cạnh tranh - sẽ dẫn đến kết quả phản tác dụng.”
Khai Tâm (Theo Khmer Times)