Bước qua lời nguyền
Sự tham gia của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) vào kế hoạch tài chính nhằm cứu trợ cho Hy Lạp là bước ngoặt trong quan điểm chính sách của ngân hàng này. Nó không chỉ tạo tiền lệ mới cho ECB mà còn có ý nghĩa và tác động như thể chuyển giai đoạn vì trên thực tế đó là chuyện ECB bước qua lời nguyền.
ECB được thành lập để chăm lo cho số phận của đồng tiền chung EURO. Nhiệm vụ của ECB là đảm bảo sự ổn định giá trị của EUR. ECB không có chức năng và lại càng không có trách nhiệm bỏ tiền ra giúp các thành viên EU tham gia đồng tiền chung EUR – còn được gọi là Nhóm EUR – trả nợ. ECB được độc lập với chính phủ các nước thành viên EU, hoạt động trên bình diện chính sách tiền tệ và tài chính chứ không tham gia các quyết định chính trị của EU. Vậy mà với phần đóng góp vào kế hoạch tài chính giúp Hy Lạp không bị vỡ nợ, ECB đã vứt bỏ những nguyên tắc hoạt động lâu nay của chính nó.
Sự tham gia của ECB vào quyết định chính trị của EU tạo tiền lệ dẫn tới sự phụ thuộc ngày càng tăng của ECB vào quyết định chính trị của các thành viên EU. Chỉ cách đây đâu có lâu, chính Thống đốc ECB Jean-Claude Trichet vẫn còn quả quyết không chấp nhận trái phiếu của các thành viên Nhóm EURO không còn được bảo lãnh. Vậy mà bây giờ ECB đã chấp nhận trái phiếu của Chính phủ Hy Lạp mặc dù cả 3 Cty kiểm toán của Mỹ đánh giá độ tin cậy của các chính phủ về khả năng thanh toán tín dụng mà ECB vẫn sử dụng làm cơ sở cho mọi quyết định đều đã coi trái phiếu của Chính phủ Hy lạp đã trở nên „chẳng khác gì giấy lộn“. ECB đã bị khuất phục trước các chính phủ thành viên EU ở lần này thì lần tới cũng sẽ vậy. ECB phải tham gia cứu Hy Lạp lần này thì lần sau cũng sẽ lại vậy và ECB chấp nhận trái phiếu như thế của Hy Lạp thì lần tới đâu có thể từ chối trái phiếu tương tự của các thành viên khác trong Nhóm EURO. Như thế thì sau vụ việc này, ECB có còn đâu như trước đó nữa.
Hoàng Mai
DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP