Bình luận Kinh tế Vĩ mô: Tuần 17 - 21/10
Thách thức không hề nhỏ đối với nhóm NHTM quy mô nhỏ |
(Vietstock) – Việc duy trì mức chi phí đi vay quá đắt đỏ chỉ có thể tồn tại trong ngắn hạn. Thách thức của nhóm ngân hàng nhỏ trong thời gian tới không hề nhỏ chút nào.
KINH TẾ TÀI CHÍNH THẾ GIỚI
Mỹ: Những nỗ lực nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển và kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp của Chính quyền Obama thông qua kế hoạch việc làm 447 tỷ USD đã bị Thượng viện bác bỏ vào ngày 12/10 vừa qua.
Nguyên nhân của sự thất bại này được cho là do “dấu ấn” không mấy tốt đẹp từ gói kích thích 825 tỷ USD đã được tung ra vào năm 2009 của Tổng thống Obama. Tuy vậy, chính trị vẫn là yếu tố chủ đạo chi phối kết quả này.
Theo đó, nếu kế hoạch này được thông qua và sự thành công của Chính quyền Obama trong việc phục hồi kinh tế và cải thiện tình trạng thất nghiệp sẽ tạo bước “bứt phá” mới, làm tăng vị thế của vị Tổng thống này trên chính trường; và đây là điều mà Đảng Cộng hòa không hề mong đợi trước cuộc bầu cử vào năm tới.
Ngoài ra, nội dung của kế hoạch việc làm 447 tỷ USD này cũng nhấn mạnh vào việc tăng thuế đối với nhà giàu – một nhóm nhỏ người dân nhưng có sức ảnh hưởng đặc biệt to lớn đến các quyết định chính trị. Do đó, việc một số chính khách phản đối kế hoạch này để bảo vệ quyền lợi cho một nhóm nhỏ lợi ích mà họ là những người đại diện cũng là điều khá dễ hiểu.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ đã lên tiếng khẳng định sẽ không chấp nhận câu trả lời không cho các vấn đề việc làm tại Mỹ, trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp cao đang đe dọa đến sự ổn định chính trị xã hội ở quốc gia này.
Như vậy, trong khi kế hoạch việc làm chưa được thông qua thì áp lực phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới này hiện đang đè nặng lên vai Fed và khả năng cơ quan này áp dụng gói định lượng QE3 chưa bị loại bỏ.
Trong khi đó, Thượng viện Mỹ cũng đã thông qua dự luật cho phép áp một số mức thuế mới đối với hàng hóa từ Trung Quốc và các quốc gia thao túng tiền tệ; mà trọng tâm chính vẫn Trung Quốc – đối tác thương mại lớn của Mỹ.
Mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc hiện đang “nóng” lên từng ngày khi quốc gia này vẫn liên tục cảnh báo về nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại nếu Quốc hội Mỹ thông qua dự luật này.
Trung Quốc vẫn không ngừng tăng cường tìm kiếm sự “hậu thuẫn” lớn từ Chính quyền Obama và các “trụ cột” chính trong bộ máy lập pháp Mỹ thông qua các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc và trao đổi về dự luật này. Trung Quốc còn tích cực sử dụng những phương thức vận động hành lang nhằm ngăn cản đạo luật này được thông qua.
Thông tin tích cực từ nền kinh tế Mỹ là việc Quốc hội đã phê chuẩn hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc, Colombia và Panama, chấm dứt nhiều năm bế tắc và đem lại cơ hội lớn nhất cho các nhà xuất khẩu nước này.
Thông tin việc làm tiếp tục khả quan hơn khi số người nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp bình quân trong 4 tuần qua cũng giảm xuống 3.67 triệu, thấp hơn dự báo giảm xuống 3.7 triệu.
Châu Âu: Làn sóng hạ bậc tín nhiệm của các tổ chức tín nhiệm như S&P, Fitch Ratings tiếp tục “càn quét” trên hệ thống ngân hàng toàn cầu.
Ngày 11/10, S&P và Fitch vừa hạ xếp hạng tín nhiệm của hàng loạt ngân hàng Tây Ban Nha; trong đó có hai ngân hàng lớn nhất nước là Banco Santander và Banco Bilbao Vizcaya Argentaria (BBVA).
Fitch cũng vừa hạ bậc tín nhiệm của 3 ngân hàng châu Âu (UBS – Thụy Sỹ, Lloyds Banking và Ngân hàng Hoàng gia Scotland – Anh), và đưa xếp hạng tín nhiệm của 8 ngân hàng lớn ở Mỹ và châu Âu vào diện xem xét hạ bậc, gồm Barclays Bank, BNP Paribas, Credit Suisse, Deutsche Bank, Societe Generale, Bank of America, Morgan Stanley và Goldman Sachs.
Phải chăng đây là những báo động đỏ khẩn cấp mà các tổ chức đánh giá tín dụng uy tín đang phát ra cho các nhà hoạt địch chính sách Âu – Mỹ?
Một phân tích mới nhất từ Credit Suisse cũng cho thấy có ít nhất 66 ngân hàng châu Âu sẽ không thể vượt qua đợt kiểm tra tài chính (stress test) mới và sẽ cần tăng thêm vốn tổng cộng khoảng 220 tỷ EUR (khoảng 302 tỷ USD). Trong số này sẽ có các “ông lớn” như Ngân hàng Hoàng gia Scotland, Deutsche Bank và BNP Paribas.
Như vậy, so với con số 8/90 ngân hàng rớt “stress test” và cần thêm tổng cộng 2.5 tỷ EUR trong đợt “stress test” ngày 15/7 của Ủy ban Ngân hàng châu Âu (EBA), có thể thấy cuộc khủng hoảng trên hệ thống ngân hàng khu vực này (hệ lụy từ cuộc khủng hoảng nợ công) đang tăng vọt lên với cấp số nhân.
Trong khi đó, chính phủ các nước vẫn đang nỗ lực giải cứu các ngân hàng trong nước; và điển hình là cuộc giải cứu ngân hàng Dexia của Pháp, Bỉ và Luxembourg. Tiếp đó, ngân hàng Proton cũng vừa được Ngân hàng Trung ương Hy Lạp (BoG) giải cứu nhằm tránh tác động tiêu cực lên hệ thống ngân hàng nước này.
Ngoài ra, ông Jean-Claude Trichet dưới danh nghĩa người đứng đầu ECB cảnh báo cuộc khủng hoảng nợ công đã lên mức có hệ thống và đe dọa sự ổn định kinh tế toàn cầu nếu các nước trong khu vực không có những hành động nhanh chóng và dứt khoát.
Trước những yêu cầu cấp bách mang tính hệ thống toàn cầu, giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu cuối cùng cũng được “lộ diện” khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) – Jose Manuel Barroso – chính thức công bố bản kế hoạch giải cứu.
Theo đó, ưu tiên trước mắt vẫn là tập trung giải quyết các bất ổn trong hệ thống ngân hàng thông qua quỹ hỗ trợ của Cơ quan Bình ổn tài chính châu Âu (EFSF). Hy Lạp sẽ là nút thắt tiếp theo được tháo bỏ. Tiếp đến là thúc đẩy các chính sách phát triển bền vững và tạo điều kiện cho việc hợp tác chính sách giữa các quốc gia trong khối.
Thông tin tích cực từ Hy Lạp là quốc gia này sẽ nhận được 8 tỷ EUR (11 tỷ USD) trong gói giải cứu 110 tỷ EUR vào đầu tháng 11. Như vậy, những lo ngại về nguy cơ phá sản của Hy Lạp trong tháng tới tạm thời được loại bỏ.
KINH TẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC
Thị trường vàng chưa hết nóng!
Sau hàng loạt các giải pháp mang tính hệ thống hơn của NHNN, giá vàng trong nước đã được kéo về gần sát giá vàng thế giới.
Các tổ chức tín dụng được tham gia vào chương trình bình ổn vàng trong nước gần như đã nắm chắc phần “lời” khi lịch sử giá cho thấy giá vàng trong nước từ trước đến nay luôn cao hơn giá vàng thế giới. Nhưng từ đây, những bất ổn khác lại phát sinh, cụ thể:
(1) Tình trạng đua nhau huy động vàng đã manh nha từ trước khi có thông báo chính thức từ NHNN và hệ quả là lãi suất huy động vàng được đẩy lên cao kỷ luật xung quanh mức 2%/năm ở một số kỳ hạn. Theo đó, chi phí huy động cao này sẽ được tính cộng vào giá thành bán ra ở các tổ chức tín dụng này. Như vậy, mục tiêu bình ổn của NHNN sẽ phần nào bị mất đi giá trị vốn có của nó.
(2) Lãi suất huy động vàng liên tục bị đẩy lên cao đã góp phần làm mất giá đồng nội tệ. Một số các nhà đầu tư đã nhanh chóng quy đổi tiền đồng sang vàng, rồi cho các NHTM vay sẽ vừa được hưởng lãi suất khá cao và “ăn thêm” phần chênh lệch giá.
(3) Một số các NHTM mặc dù không nằm trong danh sách tham gia bình ổn giá, nhưng vẫn cạnh tranh huy động vàng để ký gửi tại ngân hàng khác và đổi lại sẽ được việc được vay vốn từ các ngân hàng này. Đây cũng là một hình thức huy động vốn trong tình trạng thanh khoản đang gặp nhiều khó khăn.
(4) Áp lực từ ẩn số vàng tiếp tục tạo sức ép khá lớn lên tỷ giá USD/VND khi mà lực mua vẫn liên tục duy trì ở mức khá cao.
Thách thức không hề nhỏ đối với nhóm NHTM quy mô nhỏ
Hàng loạt động thái mạnh tay của NHNN nhằm ổn định lại hệ thống ngân hàng đã dần phát huy được tác dụng và điển hình nhất là việc khoanh vùng nhóm các NHTM yếu kém.
Với hàng loạt các rào cản “bủa vây” như trần lãi suất huy động 14%/năm, lãi suất tái cấp vốn 15%/năm… thì các NHTM yếu kém chỉ còn cách xin tái cấp vốn từ NHNN hoặc vay vốn liên ngân hàng.
Do né tránh sự can thiệp, giám sát của NHNN, hầu hết các NHTM đều chọn con đường đi vay vốn trên thị trường liên ngân hàng; và hệ quả là lãi suất trên thị trường này bị đẩy lên cao ngất ngưỡng. Tuy nhiên, điều kiện để được tiếp cận nguồn vốn này cũng không phải đơn giản.
Việc duy trì mức chi phí đi vay quá đắt đỏ chỉ có thể tồn tại trong ngắn hạn. Thách thức của nhóm ngân hàng nhỏ trong thời gian tới không hề nhỏ chút nào.
Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu Vietstock