Tin tức
Biểu giá điện 2 thành phần giúp thị trường công bằng, tránh hiện tượng “bù chéo”

Biểu giá điện 2 thành phần giúp thị trường công bằng, tránh hiện tượng “bù chéo”

08/04/2024

Banner PHS

Biểu giá điện 2 thành phần giúp thị trường công bằng, tránh hiện tượng “bù chéo”

Biểu giá điện 2 thành phần bao gồm giá điện theo công suất và giá điện theo điện năng, khác với cơ chế tính theo 1 thành phần đang áp dụng tại Việt Nam. Đây cũng là cơ chế tính giá điện được Bộ Công Thương yêu cầu EVN khẩn trương xây dựng và đang được dư luận quan tâm thời gian gần đây.

Biểu giá điện 2 thành phần giúp thị trường công bằng hơn?

Tại buổi toạ đàm “Cung ứng điện cao điểm mùa khô 2024”, Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam đã có một số chia sẻ về cơ chế tính biểu giá này.

Chuyên gia cho biết, giá điện 2 thành phần gồm biểu giá điện theo công suất, và biểu giá theo điện năng. Nhiều quốc gia đang áp dụng cách tính giá như vậy cho nhóm khách hàng sản xuất kinh doanh, một số nơi cũng áp dụng cho khách hàng sinh hoạt. Trong khi đó, Việt Nam đang áp dụng cơ chế tính giá 1 thành phần, là tính theo điện năng.


Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam. Ảnh chụp màn hình

“Hiểu đơn giản, giá điện theo công suất là mức giá của 1 đơn vị công suất được xác định trong 1 giao dịch để thanh toán cho cơ quan cung ứng điện. Còn biểu giá theo điện năng là giá 1 đơn vị điện năng được xác định theo đơn vị cung ứng điện” – trích lời ông Thoả.

Sự khác biệt giữa 2 biểu giá này, theo ông Thoả, là cơ chế 1 thành phần tại Việt Nam có bù đắp cho chi phí biến đổi nhiên vật liệu. Trong khi đó, biểu giá 2 thành phần thì ngoài bù đắp chi phí biến đổi, còn có chi phí cố định trong quá trình sản xuất cung ứng điện, như chi phí khấu hao tài sản, sửa chữa, tiền lương…

“Rõ ràng, biểu giá 1 thành phần không phản ánh hết tác động của chi phí biến đổi trong quá trình cung ứng điện. Biểu 2 giá thì phản ánh được chi phí đầu tư, chi phí vận hành” – ông Thoả cho biết. “Trên cơ sở đó, việc chi trả tiêu dùng điện phải đảm bảo bao gồm việc đầu tư này. Cùng với đó, biểu giá 2 thành phần còn phát tín hiệu về chi phí sử dụng của khách hàng để biết và điều chỉnh hành vi sử dụng điện cho hiệu quả".

“Tôi đã nghiên cứu tại Thái Lan và Trung Quốc, khi điều chỉnh giá điện theo biểu giá này, khách hàng không ‘kêu’ như biểu giá 1 thành phần ở nước ta. Đầu vào nhiên vật liệu biến động được tự động phân tích và điều chỉnh, phản ánh vào giá bán, còn chi phí cố định giữ nguyên. Họ làm như vậy và nó cho thị trường minh bạch hơn”.

Ông Thoả cho rằng việc tổ chức nghiên cứu biểu giá tính điện 2 thành phần là đúng đắn, để đánh giá tác dụng thực tế và sự khác biệt với biểu giá 1 thành phần đang áp dụng, đặc biệt là cho người tiêu dùng.

“Chi phí 2 bên như thế nào, chênh bao nhiêu, hiệu quả hơn với chi phí tiền điện thấp hơn hay không? Thí điểm này là cần thiết để đánh giá và nhân rộng ra đại trà nếu hợp lý và hiệu quả” – ông Thoả kết luận.

Cũng theo vị chuyên gia, biểu giá điện 2 thành phần sẽ có 3 tác dụng chính. Đầu tiên, biểu giá này là một tín hiệu cho phía sản xuất điện, đảm bảo bù đắp chi phí đầu tư, vận hành. Đồng thời, người sử dụng điện biết chi phí sử dụng để điều chỉnh hành vi.

Thứ 2, góp phần khuyến khích khách hàng sử dụng điện hiệu quả, để nâng cao hệ số phụ tải điện, tiết kiệm được điện. Bản thân người dùng, khi áp dụng biểu giá 2 thành phần, quan trọng nhất là hệ số sử dụng giữa công suất trung bình và công suất tối đa phải đảm bảo ở mức hiệu quả nhất thì sẽ tiết kiệm.

“Như biểu giá 1 thành phần hiện nay, công suất đăng ký rất cao nhưng sử dụng rất thấp thì ngành cũng không ổn, sử dụng cũng lãng phí” – ông nhận xét.

Thứ 3, biểu giá này sẽ giúp cân bằng phụ tải, cho hệ thống. Cơ chế này giúp các hộ sử dụng ổn định hơn, phụ tải ở mọi thời điểm cũng vậy, đảm bảo cung ứng điện hệ quả, an toàn trong quá trình cung cấp điện.

Cơ chế điện 2 giá giúp tránh hiện tượng “bù chéo”

Đồng quan điểm với chuyên gia Thoả, ông Nguyễn Minh Đức, Ban pháp chế - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng biểu giá 2 thành phần không phải là vấn đề mới. Cách đây 10 năm, Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu về câu chuyện này.

Nguyễn Minh Đức, Ban pháp chế - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ảnh chụp màn hình

Ông Đức ví câu chuyện giá điện 2 thành phần giống như cước điện thoại viễn thông hiện nay.

“Giá cước điện thoại có cước thuê bao hàng tháng, sau đó gọi cuộc nào tính tiền cuộc đấy. Ngành điện có thể áp dụng tương tự. Đầu tiên đường dây tải điện lắp về hộ gia đình, EVN mất chi phí, khách hàng phải trả tiền cho hệ thống. Sau đó mới tính tiền theo điện năng. Với cách tính tiền này, giá tiền 1 số điện sẽ giảm đi. Còn như hiện tại, chúng ta gộp chung các chi phí nên giá tiền cho mỗi số điện sẽ cao hơn” – trích lời vị chuyên gia.

Ông Đức nhận định, cơ chế tính giá điện 2 thành phần sẽ công bằng hơn, vì nó phản ánh chính xác chi phí của mỗi khách hàng, tránh hiện tượng bù chéo giữa các khách hàng như hiện tại.

“Ví dụ như 2 khách hàng là nhà hàng và nhà máy. Nhà máy sản xuất 3 ca liên tục, sản lượng đều đều, trong khi nhà hàng chỉ bùng vào 2 thời điểm là trưa và tối.

Nếu 2 khách hàng dùng cùng số điện, nhà hàng sẽ cần lắp đường dây công suất tối đa lớn hơn rất nhiều dù chỉ dùng mạnh ở vài thời điểm. Trong khi đó, ngành điện phải chịu chi phí mà không thu hồi được. Với biểu giá 2 thành phần, tiền điện phải trả của nhà hàng sẽ phản ánh chính xác hơn vào chi phí. Nghĩa là tránh được hiện tượng bù chéo”.

Nguyên nhân thứ 2, theo ông Đức, là tránh được trường hợp đăng ký công suất lớn mà không sử dụng.

“Ví dụ, có trường hợp nhà máy, khu công nghiệp đăng ký công suất điện lớn, xong lại chậm tiến độ và không sử dụng điện trong vài năm. Trong khi đó, ngành điện phải đầu tư đường dây, trạm biến áp, rất lãng phí. Chi phí này lại phải đổ sang các khách hàng khác”.

Thứ 3 là giá điện sẽ điều chỉnh linh hoạt hơn. Theo ông Đức, hiện tại cơ chế tính giá điện vì gộp chung 1 thành phần nên rất khó điều chỉnh. Nếu tách riêng, phần đường dây là cố định, còn phần điện năng có thể nghiên cứu phương án biến đổi theo chi phí đầu vào, tránh tình trạng giá điện chỉ tăng không giảm như các ý kiến phản ánh gần đây.

Tuy vậy, ông Đức tiết lộ rằng lần sửa đổi chính sách sắp tới sẽ chưa liên quan đến biểu giá này.

“Vấn đề này được Chính phủ giao cho Bộ Công Thương từ 2013. Bộ Công Thương đã dành thời gian nghiên cứu, và hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định 28/2014 về biểu cơ cấu giá điện. Trong đó, vấn đề giá 2 thành phần nhận được nhiều sự quan tâm. Theo tôi được biết, lần sửa đổi tới sẽ tập trung sửa các vấn đề dư luận bức xúc hiện nay. Còn vấn đề biểu giá thì trong lần tới cũng chưa làm được, và dự kiến phải mất vài năm” - trích lời chuyên gia.

“Nhiều nước khác đã áp dụng biểu giá này, chủ yếu áp dụng cho nhóm phi sinh hoạt. Còn nhóm hộ gia đình có lẽ sẽ đưa vào giai đoạn tiếp theo. Chúng tôi đồng tình việc cần thời gian thí điểm, có thể tác động chi phí sử dụng điện của hàng triệu khách hàng, và khiến các doanh nghiệp, nhà máy phải cơ cấu lại cơ chế sản suất, gây tác động lớn và mất nhiều thời gian để thực hiện.

Về lộ trình, hiện chưa có gì cụ thể và đang chờ đề xuất của Bộ Công Thương. Nhưng như tôi đã nói, đầu tiên phải có cơ chế thí điểm với các khách hàng mới ở một số địa phương. Sau 1-2 năm, phản ánh tích cực, phụ tải hợp lý, hoạt động phù hợp thì có thể mở rộng ra đại trà với các nhóm phi sinh hoạt và dần chuyển sang nhóm sinh hoạt” – ông Đức nói thêm.

Châu An

FILI

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng