Bắc Kinh dọa trả đũa sau khi Trump nói áp thêm 10% thuế quan
Trung Quốc đã lên tiếng đe dọa sẽ đáp trả mạnh mẽ trước các động thái thương mại mới nhất của Donald Trump, sau khi tổng thống Mỹ bất ngờ công bố thêm thuế quan đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc, làm dấy lên nguy cơ căng thẳng leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
"Nếu Mỹ khăng khăng theo đuổi con đường riêng của mình, Trung Quốc sẽ phản công bằng tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình", người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố trong ngày 28/02. Trước đó, để đáp lại đợt thuế quan đầu tiên, cơ quan này đã cam kết thực hiện các biện pháp "tương ứng".
Bắc Kinh đưa ra thông điệp cứng rắn sau khi Trump thông báo áp thêm 10% thuế quan với Trung Quốc vào ngày 04/03, viện dẫn lý do là dòng chảy ma túy từ các nước láng giềng Bắc Mỹ ở "mức rất cao và không thể chấp nhận được" và vai trò của Trung Quốc trong việc cung ứng các nguyên liệu, thành phần để chế biến ma túy.
Các khoản thuế mới này được cho là sẽ cộng dồn với mức thuế 10% trước đó được áp dụng vào đầu tháng này.
Chỉ số cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông lao dốc 3.2%, hướng tới phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 02/01. Chỉ số chuẩn CSI 300 tại Trung Quốc giảm tới 1.4%.
"Trump có thể đang thử vận may của mình," Chang Shu, nhà kinh tế trưởng khu vực Châu Á của Bloomberg Economics cho biết. Bà viết trong một phân tích rằng rủi ro lớn nhất là sự kiềm chế của Trung Quốc từ trước đến nay "có thể chuyển sang thế đáp trả quyết liệt hơn, dẫn đến một cuộc chiến thương mại gây thiệt hại lớn hơn nhiều”.
Các biện pháp mới của Trump được đưa ra mà không có bất kỳ cảnh báo công khai nào, khiến các quan chức Trung Quốc hoàn toàn bất ngờ. Các mức thuế dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 04/03, chỉ một ngày trước khi Chủ tịch Tập Cận Bình bước vào cuộc họp chính trị quan trọng nhất trong năm - Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc, nơi các phụ tá của ông sẽ công bố kế hoạch kinh tế cho năm 2025.
Mặc dù thuế quan có lẽ không thể làm thay đổi mục tiêu tăng trưởng hay chính sách tài khóa cho năm nay - vốn đã được thiết lập từ nhiều tháng trước - nhưng chúng chắc chắn có thể gây tổn hại đến tâm lý thị trường.
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, ông Tập Cận Bình đã yêu cầu các quan chức cấp cao giữ bình tĩnh. Nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn chưa có cuộc đối thoại nào với Trump kể từ lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ, mặc dù Trump tuyên bố ông dự kiến sẽ có cuộc gọi với Tập trong tháng này.
Cả Bắc Kinh và Washington dường như đều muốn ngăn chặn sự đổ vỡ hoàn toàn trong mối quan hệ song phương. Phó Thủ tướng Trung Quốc He Lifeng đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tuần trước. Đây mới là cuộc tiếp xúc cấp cao thứ hai kể từ khi Trump nhậm chức. Đồng thời, Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận hôm thứ Năm rằng các cuộc đàm phán với quân đội Mỹ đang được lên kế hoạch.
Trong phản hồi về vấn đề thuế quan, Bắc Kinh bày tỏ hy vọng giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại, thể hiện mong muốn đạt được thỏa thuận hòa giải.
Theo thông lệ, Trung Quốc thường chỉ đáp trả thuế quan sau khi chúng chính thức có hiệu lực. Với đợt thuế quan trước đó, Bắc Kinh đã phản ứng ngay sau khi các hàng rào thuế quan có hiệu lực, bằng một loạt biện pháp bao gồm: Áp thuế bổ sung, tiến hành cuộc điều tra chống độc quyền đối với Google, thắt chặt kiểm soát xuất khẩu khoáng sản chiến lược, và bổ sung hai công ty Mỹ vào danh sách đen các thực thể không đáng tin cậy.
Nếu không có thỏa thuận vào phút chót, Trung Quốc có thể sẽ trả đũa vào tuần tới bằng cách sử dụng những công cụ tương tự và thậm chí có khả năng tái áp đặt một số thuế quan từ cuộc chiến thương mại trước đây.
Kể từ năm 2020, chính phủ Trung Quốc đã tạm dừng nhiều loại thuế mà họ từng áp đặt lên hàng nhập khẩu từ Mỹ, và tất cả các miễn trừ này đều hết hạn vào ngày 28/02. Tính đến thời điểm hiện tại, Chính phủ Trung Quốc vẫn chưa công bố việc gia hạn, trong khi trước đây họ thường thông báo các quyết định gia hạn trước khi thời hạn đến.
Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng về Đại Trung Quốc tại Australia & New Zealand Banking Group Ltd, nhận định rằng mức thuế bổ sung sẽ chỉ có tác động nhỏ đến tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, ông cho rằng những biện pháp Trung Quốc triển khai để bù đắp thiệt hại tiềm tàng này thực tế có thể giúp thúc đẩy nền kinh tế.
"Họ (Trung Quốc) sẽ bù đắp tác động này bằng cách hỗ trợ tiêu dùng và đầu tư công nghệ nhiều hơn," ông nói thêm.
Nhà kinh tế của Bloomberg, Maeva Cousin, cho rằng cú sốc từ các khoản thuế quan hiện tại và dự kiến đối với nền kinh tế Trung Quốc "vẫn sẽ nằm trong tầm kiểm soát”, khi xét tới tỷ trọng hàng Trung Quốc xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ tương đối nhỏ.
"Trong trung hạn, Trung Quốc cũng có khả năng sẽ tìm kiếm thị trường mới cho hàng xuất khẩu của mình. Dù vậy, điều này chắc chắn sẽ gặp phải sự phản đối từ các đối tác ở phần còn lại của thế giới, những nước vốn đã lo ngại về tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực”, Maeva Cousin viết trong báo cáo ngày 28/02.
Những dấu hiệu phản đối như vậy đang trở nên rõ ràng. Trong tuần qua, cả Hàn Quốc và Việt Nam đều nối gót Mỹ áp thuế với các sản phẩm thép Trung Quốc nhằm ngăn chặn nguồn cung từ nhà sản xuất kim loại lớn nhất thế giới.
Chính quyền Trump đang mở rộng chiến dịch chống lại Trung Quốc trên nhiều khía cạnh khác nhau. Trong những ngày gần đây, Mỹ đã thông báo các hạn chế mới đối với dòng vốn đầu tư giữa hai quốc gia, đề xuất áp phí đối với bất kỳ ai vận chuyển hàng hóa đến Mỹ trên tàu sản xuất tại Trung Quốc, và hiện đang thảo luận với Mexico về việc quốc gia này cũng áp thuế với hàng hóa Trung Quốc.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)