Tin tức
5 “sự thật” về khủng hoảng nợ châu Âu

5 “sự thật” về khủng hoảng nợ châu Âu

15/09/2011

Banner PHS

5 “sự thật” về khủng hoảng nợ châu Âu

(Vietstock) - Khủng hoảng nợ đã trở thành thách thức lớn nhất mà Liên minh châu Âu (EU) phải đối mặt kể từ khi đồng tiền chung EUR chính thức được sử dụng cách đây 12 năm.

Đã 18 tháng trôi qua kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu bắt đầu thu hút sự quan tâm của giới tài chính toàn cầu. Trong khoảng thời gian này, cuộc khủng hoảng đã trở thành thách thức lớn nhất mà Liên minh châu Âu (EU) phải đối mặt kể từ khi đồng tiền chung EUR chính thức được sử dụng cách đây 12 năm.

Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland đang dựa vào gói cứu trợ tài chính. Ý và Tây Ban Nha cũng đang bộc lộ một số triệu chứng đáng lo ngại. Trong khi đó, hai quốc gia khỏe mạnh của khu vực là Đức và Pháp lại đang vật lộn với những khó khăn của nền kinh tế toàn cầu.

Tình hình dường như ngày càng trở nên căng thẳng trong thời điểm hiện nay và sau đây là 5 điều cần biết về cuộc khủng hoảng này.

1. Quỹ bình ổn tài chính không thực sự “bình ổn”

Tháng 7/2011, các nhà lãnh đạo châu Âu công bố một loạt đề xuất nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng trong đó có gói giải cứu thứ 2 cho Hy Lạp. Tuy nhiên, quốc gia này đang đứng bên bờ vực vỡ nợ.

Trọng tâm của thỏa thuận hôm 21/07 chính là kế hoạch mở rộng Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF). EFSF được thiết lập vào năm ngoái nhằm hỗ trợ các khoản vay với lãi suất thấp cho một số thành viên khó khăn của EU như Bồ Đào Nha và Ireland.

Theo kế hoạch, EFSF có thể trực tiếp mua trái phiếu Chính phủ từ các ngân hàng và nhà đầu tư. Quan trọng hơn, EFSF có thể thực hiện điều này đối với các quốc gia chưa nhận tiền giải cứu như Tây Ban Nha và Ý.

Mục đích của sự thay đổi trên là nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng bằng cách hạn chế sự biến động của các thị trường nợ trong bối cảnh chi phí vay mượn tại một số quốc gia EU đã lên các mức cao kỷ lục.

Hơn nữa, kế hoạch trên cũng sẽ giảm bớt sức ép đối với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sau một thời gian ngân hàng này mua vào trái phiếu Chính phủ theo chương trình cho vay khẩn cấp.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng với quy mô 440 tỷ EUR, EFSF sẽ không đủ để phát huy hiệu quả nếu Ý và Tây Ban Nha cần giải cứu.

Trong vài tuần tới, kế hoạch trên sẽ được đề trình lên Quốc hội của một số quốc gia Eurozone, kể cả các quốc gia đang nhận tiền giải cứu vì theo quy định, việc mở rộng quỹ giải cứu và bình ổn cần phải nhận được sự phê chuẩn của 17 quốc gia sử dụng đồng tiền chung châu Âu.

2. Hy Lạp và Ý đang ngồi trên lửa

Bên cạnh việc mở rộng quỹ bình ổn, các Chính phủ Eurozone còn phải phê chuẩn khoản vay 109 tỷ EUR với lãi suất thấp dành cho Hy Lạp. Thế nhưng, thỏa thuận này đã và đang bộc lộ một số dấu hiệu rạn nứt.

Tháng 8 vừa qua, Phần Lan và Hy Lạp nhất trí rằng Athens sẽ phải cung cấp các khoản thế chấp bằng tiền mặt đối với những khoản vay từ Helsinki. Động thái này cũng tương tự như yêu cầu trước đó của một số quốc gia có nền kinh tế khỏe mạnh tại khu vực như Áo và Bỉ.

Các quan chức Eurozone đã bày tỏ sự tức giận đối với những thỏa thuận song phương trên vì điều này cũng đồng nghĩa với việc Hy Lạp sẽ phải bỏ ra tiền mặt để nhận vào tiền mặt. Ông Jean Claude Junker - Chủ tịch Eurogroup, cho rằng các bộ trưởng tài chính đang soạn thảo một kế hoạch thay thế nhưng tình hình vẫn còn khá mờ mịt.

Trong khi đó, Hy Lạp vẫn phải vật lộn để thực thi các biện pháp khắc nghiệt nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách và đáp ứng các điều kiện của gói giải cứu.

Ngoài Hy Lạp, nhà đầu tư cũng ngày càng lo lắng về Ý. Là nền kinh tế lớn thứ 3 của châu Âu, Ý được xem là “quá lớn để có thể sụp đổ”. Dù nước này có thâm hụt ngân sách tương đối nhỏ nhưng nợ công lại gần bằng 120% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Bên cạnh đó, dự báo cho thấy tình trạng đình trệ kéo dài một thập kỷ qua của nền kinh tế Ý có thể chưa sớm chấm dứt và sẽ khiến quốc gia này khó khăn hơn trong việc thanh toán nợ nần.

Tương tự Hy Lạp, Ý cũng đang đấu tranh để áp dụng các biện pháp cắt giảm chi tiêu khắc nghiệt nhằm giảm gánh nặng nợ công nhưng quá trình này đã vấp phải sự xung đột về chính trị và sự phản ứng dữ dội từ công chúng. Tuy nhiên vào ngày thứ Tư (14/09), Thượng viện Ý đã bỏ phiếu để phê chuẩn một loạt các biện pháp cải cách trong đó có việc đánh thuế giá trị gia tăng (VAT). Dù vậy, các biện pháp thắt lưng buộc bụng này vẫn cần phải được Hạ viện Ý bỏ phiếu vào cuối tuần.

3.  Các ngân hàng đứng trước sức ép khủng khiếp

Giới đầu tư lo sợ rằng các ngân hàng lớn của châu Âu buộc phải gánh chịu tổn thất nặng nề nếu các Chính phủ không thể trả được nợ vì hiện các ngân hàng này đang nắm giữ hàng tỷ EUR nợ công của các quốc gia Eurozone.

Société Générale (SocGen), một trong những ngân hàng lâu đời nhất của Pháp, đã trở thành mối lo ngại lớn nhất đối với nhà đầu tư. Giá cổ phiếu SocGen đã lao dốc xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2009 khi cuộc khủng hoảng tài chính đang ở giai đoạn tồi tệ nhất.

Một số nhà phân tích cho rằng thậm chí các ngân hàng của Đức, như Deutsche Bank, cũng sẽ không thể thoát khỏi tình cảnh tương tự nếu cuộc khủng hoảng nợ công vượt tầm kiểm soát.

Những khó khăn trong hệ thống ngân hàng đã làm gia tăng mối lo ngại rằng châu Âu có nguy cơ rơi vào cuộc khủng hoảng tín dụng tương tự như cuộc khủng hoảng từng khiến các thị trường tín dụng toàn cầu chao đảo vào năm 2008.

Dù đã xuất hiện một số dấu hiệu gián tiếp cho thấy các ngân hàng châu Âu đang gặp khó khăn trong việc tiếp nhận các khoản vay ngắn hạn bằng đồng USD, nhưng các chỉ báo về tình trạng căng thẳng trong hệ thống ngân hàng vẫn chưa “bật đèn đỏ”.

Các quan chức EU xác nhận rằng đợt thanh tra (stress tests) được tiến hành vào tháng 7 vừa qua chứng tỏ các ngân hàng khu vực vẫn còn đủ vốn.

Bên cạnh đó còn có ECB, ngân hàng từng cung cấp một số khoản vay tương đối nhỏ cho các ngân hàng châu Âu. Dù vậy, trước những biến động của thị trường chứng khoán và mối lo ngại về sự suy giảm của lãi suất liên ngân hàng, các ngân hàng tại châu Âu còn rất ít lựa chọn để nâng vốn.

Điều này đã làm gia tăng nỗi lo sợ rằng nhà đầu tư và người gửi tiền bắt đầu sẽ tháo chạy khỏi các ngân hàng lớn của châu Âu thông qua việc rút tiền hoảng loạn. Trong trường hợp đó, các Chính phủ có thể buộc phải tham gia và tiếp quản các ngân hàng.

Thế nhưng, liệu các nhà làm chính sách có đủ ý chí chính trị và tiền mặt để giải cứu các ngân hàng này hay không?

4.  Kinh tế đình trệ

Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 2 của 17 quốc gia sử dụng đồng tiền chung chỉ tăng 0.2% so với quý 1.

Trong đó, GDP của Đức - nền kinh tế lớn nhất khu vực - chỉ tăng 0.1%, thấp hơn đáng kể so với mức 1.3% trong quý đầu năm. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng Đức vẫn có thể đạt được tốc độ tăng trưởng vừa phải trong năm 2011.

Kinh tế Đức chủ yếu phụ thuộc vào xuất khẩu và vốn được hưởng lợi từ đà tăng trưởng nhanh chóng tại các quốc gia mới nổi như Trung Quốc. Vì vậy, khi hoạt động kinh tế tại các thị trường này suy giảm, triển vọng kinh tế Đức cũng trở nên lu mờ. Trong khi đó, sự suy giảm tăng trưởng của Đức làm dấy lên nghi ngờ về triển vọng dài hạn của Eurozone.

Các nhà kinh tế cho rằng một số quốc gia thành viên Eurozone sẽ không thể thanh toán nợ nần và tồn tại mà không có gói giải cứu cho đến khi hoạt động kinh tế cải thiện sâu rộng.

5. Số phận của Eurozone đang nguy hiểm

Cuộc khủng hoảng đã làm sáng tỏ một vấn đề mà nhiều nhà phân tích cho là sẽ đòi hỏi sự thay đổi to lớn trong cách hoạt động của EU.

Các quốc gia Eurozone đã được hưởng lợi ích từ đồng tiền chung và chính sách tiền tệ giống nhau kể từ năm 1999. Tuy nhiên, ngoài những mục tiêu ngân sách tự nguyện, khu vực này chưa bao giờ có một phương pháp tiếp cận chung đối với các chính sách tài chính.

Việc thiếu hợp tác đã dẫn đến một tình trạng là các thành viên mạnh của khối buộc phải giúp các thành viên cạnh tranh kém hơn và chi tiêu vượt khả năng của mình.

Nếu không làm như vậy, nhiều nhà phân tích cho rằng Eurozone có thể sụp đổ với việc một hoặc nhiều quốc gia từ bỏ khu vực này.

Các nhà lãnh đạo châu Âu liên tục khẳng định sẽ làm mọi thứ có thể để bảo toàn đồng EUR và cho rằng chìa khóa cho việc này chính là sự hợp tác kinh tế sâu rộng hơn nữa.

Tháng trước, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã gặp nhau tại Paris để thảo luận về đề xuất “quy tắc vàng”. Theo quy tắc này, tất cả các quốc gia Eurozone phải cam kết cân bằng lại nguồn ngân sách.

Mục tiêu của quy tắc trên, theo hai nhà lãnh đạo này, là để phát huy “sự liên kết” giữa các chính sách của các quốc gia quan trọng của EU, chẳng hạn như Pháp và Đức, với các quốc gia khó khăn ở khu vực ngoại vi của khối.

Các nhà lãnh đạo cũng bàn về sự phối hợp cao hơn về tỷ lệ thuế doanh nghiệp và việc áp thuế giao dịch tài chính. Tuy nhiên cho đến nay các quan chức ngừng hẳn việc kêu gọi thành lập một cơ quan thẩm quyền tài chính chung.

Giới đầu tư đã và đang kêu gọi việc phát hành chung của 17 quốc gia khu vực (eurobond). Việc phát hành trái phiếu chung sẽ góp phần làm giảm chi phí vay mượn của các thành viên yếu kém hơn trong khu vực. Tuy nhiên, động thái này sẽ gia tăng chi phí vay mượn tại các quốc gia có mức tín nhiệm cao hơn và phản đối ý tưởng phát hành trái phiếu chung.

Phạm Thị Phước (Theo CNN Money)

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng