Tin tức
Vấn đề của thị trường đánh giá xếp hạng tín dụng hiện tại

Vấn đề của thị trường đánh giá xếp hạng tín dụng hiện tại

19/06/2024

Banner PHS

Vấn đề của thị trường đánh giá xếp hạng tín dụng hiện tại

Đầu tiên cần nói về nguyên nhân cần thiết cho xếp hạng ở các thị trường khác. Khi bạn quản lý một danh mục gồm 200 trái phiếu, hoặc tài sản dạng thu nhập cố định thì điều cần quan tâm trong danh mục này là gì? Thứ nhất, đương nhiên nó phải sinh lời và thứ hai, phải có mức vỡ nợ có khả năng kiểm soát.

Xếp hạng tín dụng là để đưa ra cho nhà đầu tư khả năng kiểm soát danh mục, bằng cách cung cấp mức độ lỗ dự kiến với từng loại xếp hạng (Expected Loss). Xếp hạng, chung quy là để quản lý được danh mục đối với mục đích của người mua. Còn đối với nhà phát hành thì mục đích là huy động được vốn.

Xếp hạng ở Việt Nam hiện rất khó xác định mức độ vỡ nợ đi kèm với trái phiếu. Tới thời điểm hiện tại, các trái phiếu của Novaland hay Tân Hoàng Minh thậm chí chưa được tính là vỡ nợ khi đã được gia hạn tới 2025. Nhìn chung, nếu những trái phiếu này được xếp hạng, vẫn rất khó đánh giá được mức độ mất mát dự kiến để dự phòng. Từ đó, theo nguyên tắc cẩn trọng, nhà đầu tư phải dự phòng toàn bộ.

Mục đích của xếp hạng, một phần để định giá trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), nhằm mục đích mua - bán trên thị trường, nhưng hiện nay TPDN hầu hết vẫn được nắm giữ tới khi đáo hạn và thường được sử dụng làm tài sản đảm bảo trong giao dịch repo, nên xếp hạng phần nhiều chưa phát huy được tác dụng quản lý danh mục của nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Thêm một điều quan trọng nữa, pháp nhân được thực hiện các đánh giá xếp hạng này bản chất là nhà phát hành trái phiếu. Nhưng một vài loại trái phiếu ở Việt Nam lại không thực sự cần xếp hạng, như trái phiếu của tổ chức tín dụng (TCTD) thực tế không cần có xếp hạng mới bán được và người mua lại cũng không cần tới xếp hạng.

Còn đối với người bán là doanh nghiệp, điều các đơn vị này cần là huy động vốn. Khi xếp hạng xong thì liệu có người mua không? Hơn nữa, thị trường Việt Nam có quy mô tương đối nhỏ, khách mua nếu là nhà đầu tư nước ngoài, họ sẽ yêu cầu những đơn vị xếp hạng độc lập như Moody hay S&P thay vì những đơn vị trong nước. Trừ khi những xếp hạng tín dụng này được toàn cầu công nhận tương đương thì trái phiếu mới có thể phát hành toàn cầu và có người mua toàn cầu, nếu không sẽ giống hầu hết các trường hợp hiện tại phát hành tại Việt Nam - các ngân hàng đầu tư quốc tế sẽ lo toàn bộ về phân phối.

Với người mua tổ chức trong nước, nhà quản lý danh mục chuyên nghiệp quản lý khoảng 10-15 trái phiếu từ các tổ chức khác nhau thì điều quan trọng đối với họ là không có trái phiếu nào trong số này vỡ nợ. Nếu vỡ nợ, họ cần được nắm giữ tài sản đảm bảo để xử lý luôn chứ không cần xếp hạng. Tóm lại, đó cũng chỉ là tín dụng đơn thuần. Như thế, xếp hạng tín dụng ở Việt Nam đang làm những thứ... không mấy người cần.

Xếp hạng tín dụng hiện nay chỉ như một cách nhìn bên ngoài của một doanh nghiệp, chỉ thực hiện định kỳ mà thiếu vai trò giám sát doanh nghiệp, thực hiện các công việc được gọi là giám sát độc lập (Trustee). Nói cách khác là vai trò giám sát doanh nghiệp và dự án thực hiện đúng với những yêu cầu mà họ đã nêu trong mục đích sử dụng vốn. Đây chính là nguồn gốc của vấn đề.

Ở Việt Nam, khi đưa tiền cho doanh nghiệp thì tiền đó là tiền của doanh nghiệp, cũng không ai kiểm tra mục đích sử dụng hoặc nếu có cũng chỉ theo định kỳ thấp. Big 4 kiểm toán (EY, KPMG, PWC, Delloite) là những làm thẩm định độc lập (Due Diligence) cũng chỉ thẩm định ban đầu, rất khó có thể thẩm định mục đích sử dụng vốn về sau.

Nhìn chung ở Việt Nam, giám sát tín dụng chủ yếu là các ngân hàng, thi thoảng là công ty chứng khoán biết cụ thể rồi mới mua trái phiếu hoặc cho vay. Nên chính xác thì TPDN là khoản vay và không phụ thuộc vào xếp hạng tín dụng.

Quay lại năm 2022, các trái phiếu được phát hành nhằm mục đích chính là cơ cấu lại tài chính của doanh nghiệp. Nhưng vấn đề giám sát cơ cấu nợ trở thành điều khó khăn. Khi ngân hàng cho doanh nghiệp vay, họ sẽ giám sát tín dụng các khoản nợ vay của khách hàng; còn với thị trường tín dụng trực tiếp như TPDN thì xếp hạng tín dụng không có nhiệm vụ này. Nhiệm vụ của tổ chức xếp hạng tín nhiệm đơn giản là dựa trên thông tin nhận được để đánh giá về doanh nghiệp đó mà thôi.

Với việc thị trường TPDN sau năm 2022 phần nhiều suy giảm, vai trò lần này là làm sao phát triển được những chức năng mà thị trường cần chứ không phải xếp hạng. Xếp hạng chỉ là khâu được làm ra sau khi vai trò giám sát độc lập (Trustee) được thực thi.

Tuy nhiên, tạo ra các chức năng giám sát thị trường độc lập là vấn đề khá phức tạp, cần những đơn vị không phải của tư nhân tham gia. Nếu được làm lại một lần nữa về thị trường như TPDN, cơ quan quản lý nên cân nhắc thành lập cơ quan giám sát độc lập thay vì chỉ ở góc độ xếp hạng tín dụng. Chỉ sau khi vai trò giám sát được thực thi, việc đánh giá dựa trên mô hình của xếp hạng tín dụng mới “uy tín”.

Nguyễn Khánh - Founder Hedge Academy

FILI

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng