Tin tức
TP.HCM: 6 tháng tăng và giảm

TP.HCM: 6 tháng tăng và giảm

15/06/2024

Banner PHS

TP.HCM: 6 tháng tăng và giảm

6 tháng đầu năm 2024, TP.HCM có nhiều chỉ số tăng, trong đó 2 trụ cột tạo nên động lực cho tăng trưởng là xuất khẩu và tiêu dùng nội địa đều ghi nhận con số khả quan. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 22.56 tỷ USD, tăng 13%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 27.5 tỷ USD, tăng 4.6%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 8.8%. Với nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động, chương trình nhằm khai thác lợi thế của “Thành phố sự kiện - lễ hội”, trong nửa năm 2024, ngành du lịch thành phố đã hưởng lợi với việc tiếp tục duy trì phát triển và đạt mức tăng trưởng cao cả về doanh thu (14.6%) và số lượng khách (38%).

Bình quân mỗi tháng, thành phố đều có một sự kiện lớn, như 6 tháng qua là cuộc “trình diễn” ở quy mô quốc tế các lễ hội âm nhạc Hò Dô, Liên hoan phim Quốc tế TP.HCM cho đến những ngày hội thu hút hàng triệu lượt du khách như Lễ hội bánh mì, Lễ hội sông nước… Từ đó, tạo ra sức tăng bình quân trên 20% cả về lượng phòng khách sạn, lưu trú, dịch vụ ẩm thực, các phương tiện giao thông…, góp phần gia tăng sức chi tiêu nội địa.

Trên thị trường tài chính - tiền tệ, việc tăng trưởng tín dụng ở các kỳ hạn đến từ lãi suất thấp đi cùng vai trò điều tiết của chính quyền thành phố đã kích thích sản xuất kinh doanh phát triển với mức tăng 10% so với cùng kỳ; thu ngân sách nhà nước đạt 55% dự toán năm. Điều này đặc biệt mang lại hiệu ứng tốt trong việc giải quyết việc làm cho người lao động với mức tăng 2.4%, tỷ lệ tạo việc làm mới tăng 1.5% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, một trong những trụ cột quan trọng, có sức tác động khơi thông các nguồn lực bao gồm tiền ngân sách được sử dụng như “vốn mồi”, kích hoạt các dòng chảy như thị trường vật liệu, xây dựng, lao động… là đầu tư công thì thành phố đã không đạt như chỉ tiêu đề ra, thậm chí mức giải ngân trong 2 tháng 4-5 rất thấp. Điều đáng nói là dù lãnh đạo thành phố đã ra nhiều văn bản, chỉ đạo cũng như các đối pháp cụ thể, trong đó được bảo chứng bằng trách nhiệm chính trị của người đứng đầu chính quyền thành phố và các đơn vị, bộ phận nhưng những tắc nghẽn cũ vẫn cứ tồn đọng, không thể tháo gỡ.

Và đó cũng là một trong những nguyên nhân lý giải vì sao dù nỗ lực nhưng mức độ cải thiện thứ hạng trên các bảng chỉ số cải cách, cạnh tranh của TP.HCM không cao. Nhìn chung, trên tổng thể thì ở tất cả các bộ chỉ số Par Index, PAPI, PCI của thành phố trong năm qua đều thăng hạng nhưng lại giảm ở các chỉ số thành phần có trọng số cao (10-15%), ảnh hưởng trực tiếp đến thu hút đầu tư, doanh nghiệp. Cụ thể như chỉ số Cạnh tranh bình đẳng (giảm 0.71 điểm), Tiếp cận đất đai (giảm 0.62 điểm) và giảm ở mức chạm đáy, lại giảm năm thứ ba liên tiếp.

Hoặc chỉ số Gia nhập thị trường và Chi phí thời gian cũng giảm sâu với 12 và 16 bậc trên bảng xếp hạng chung của cả nước so với năm 2022; chỉ số Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp với trọng số 15% thì đã đánh mất vị trí dẫn đầu trên bảng xếp hạng nên mức độ cải thiện khá thấp. TP.HCM đã rời khỏi top 20 của cả nước và là thứ hạng thấp nhất của TP.HCM kể từ khi khảo sát chỉ số PCI được thực hiện tại Việt Nam.

Dù vậy, như đã nêu, tỷ lệ lao động có việc làm mới lại tăng, điều này tương ứng với chỉ số Đào tạo lao động xếp hạng 5 trên cả nước cũng như mức tăng của doanh nghiệp mới thành lập (26.000 doanh nghiệp mới). Song, cái đáng lo là quy mô vốn lại thu hẹp, kể cả ở khu vực FDI.

Đáng ghi nhận là đi cùng thứ hạng cao (xếp thứ 5/63 tỉnh thành) chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) là sự chuyển động khá mạnh mẽ, có hiệu quả của cả hai lĩnh vực Xanh và Số (dù ở lĩnh vực chuyển đổi số, cho đến nay mức độ giải ngân vẫn bằng 0%). Điều này phản ánh tính linh hoạt, đổi mới sáng tạo của lãnh đạo, các cơ quan chức năng thành phố và mức độ thẩm thấu của 2 công cụ Xanh - Số vào trong đời sống doanh nghiệp, người tiêu dùng.

Không tỏ ra quá “lạc quan tếu” trước tình hình kinh tế còn nhiều biến động khó lường từ thế giới đến trong nước nên, một mặt vẫn phải tìm cách phối hợp để làm giảm sự thu hẹp thị trường, đứt gãy đơn hàng, lượng công nhân, người lao động mất việc, giảm việc; mặt khác lại phải tính toán để gia tăng mức hỗ trợ, cách thức hỗ trợ (bằng “cần câu” sinh kế) trong chính sách an sinh xã hội cho người yếu thế, lao động có thu nhập thấp, người nghèo… Đây là điều nên được ghi nhận, khích lệ trong bối cảnh khó khăn không chỉ của riêng doanh nghiệp mà cả ngân sách Nhà nước.

Quốc Học

FILI

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng