Tin tức
Tín hiệu tích cực từ ngành ngân hàng Việt Nam quý 3/2024

Tín hiệu tích cực từ ngành ngân hàng Việt Nam quý 3/2024

20/11/2024

Banner PHS

Tín hiệu tích cực từ ngành ngân hàng Việt Nam quý 3/2024

Trong bối cảnh nhiều biến động kinh tế, ngành ngân hàng Việt Nam trong quý 3/2024 đã ghi nhận những tín hiệu tích cực, từ sự ổn định của chất lượng tài sản đến sự tăng trưởng lợi nhuận. Dữ liệu báo cáo tài chính mới nhất cho thấy những cải thiện rõ rệt trong hiệu quả tài chính của các ngân hàng thương mại, đặc biệt trong bối cảnh Thông tư 06 sắp hết hiệu lực. Phương pháp đánh giá theo mô hình CAMELS sẽ cung cấp cho một bức tranh tổng quát về sức khỏe hiện tại giữa các ngân hàng.

Trong quý 3/2024, ngành ngân hàng tiếp tục cho thấy sự ổn định và tăng trưởng nhờ các biện pháp điều hành linh hoạt từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Thông tư 06, với các quy định về cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ, đã hỗ trợ đáng kể cho hệ thống tài chính trong giai đoạn vừa qua trong việc duy trì nợ xấu ổn định và hạn chế chi phí trích lập dự phòng. Tuy nhiên, việc không gia hạn Thông tư 06 dự kiến vào cuối năm 2024 sẽ mở ra một chương mới trong quản trị rủi ro, đặt các ngân hàng trước áp lực phải tự củng cố nội lực để đảm bảo sự ổn định dài hạn.

Cập nhật sức khỏe tài chính từ xếp hạng CAMELS

Để có cái nhìn toàn diện về sức khỏe tài chính của ngành ngân hàng, những góc nhìn sức khỏe tài chính từ mô hình CAMELS sẽ cung cấp rất nhiều thông tin hữu ích. Chúng ta sẽ dựa trên báo cáo xếp hạng các ngân hàng theo Công ty Chứng khoán Yuanta áp dụng mô hình CAMELS để đánh giá hiệu quả hoạt động và mức độ rủi ro của các ngân hàng thương mại. Mô hình này bao gồm 6 yếu tố chính: Đủ vốn (Capital Adequacy), Chất lượng tài sản (Asset Quality), Chất lượng quản trị (Management Quality), Hiệu quả sinh lời (Earnings), Khả năng thanh khoản (Liquidity) và Độ nhạy cảm với rủi ro thị trường (Sensitivity to Market Risk). Mỗi yếu tố được gán trọng số và điểm số cụ thể, tạo thành thang điểm tổng thể giúp so sánh hiệu suất giữa các ngân hàng.

Theo quy ước của hệ thống chấm điểm của Yaunta thì điểm chấm cho mỗi tiêu chí càng thấp phản ánh sức khỏe tài chính tốt, khả năng sinh lời ổn định và mức độ rủi ro thấp, trong khi điểm càng cao cho thấy những yếu kém cần khắc phục. Phương pháp xếp hạng này kết hợp giữa phân tích định lượng và định tính, nhằm đảm bảo tính khách quan và chính xác cao nhất. Trước hết, hệ thống sử dụng dữ liệu từ các báo cáo tài chính đã kiểm toán và các báo cáo định kỳ của NHNN để đảm bảo nguồn thông tin đáng tin cậy. Thứ hai, công ty áp dụng phân tích lịch sử và dự báo, không chỉ dừng lại ở dữ liệu quá khứ mà còn dựa vào các mô hình kinh tế lượng để dự báo hiệu suất tài chính trong tương lai. Điều này cho phép đánh giá không chỉ sức khỏe hiện tại mà còn khả năng ứng phó với các biến động tiềm ẩn.

Nguồn: Yuanta Vietnam
 Lưu ý: Điểm CAMELS càng thấp thì xếp hạng càng cao

Bảng xếp hạng CAMELS quý 3/2024 cho thấy sự phân hóa rõ rệt trong hiệu suất tài chính giữa các ngân hàng. Vietcombank tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu nhờ vào tỷ lệ vốn chủ sở hữu vững mạnh và chất lượng tài sản cao, trong khi nhóm ngân hàng tư nhân lớn như Techcombank và MB Bank ghi điểm ở yếu tố hiệu quả sinh lời (Earnings) nhờ chiến lược tối ưu hóa danh mục tín dụng và đẩy mạnh tỷ lệ CASA. Một điểm rất đáng lưu ý trong lần xếp hạng này đó là sự cải thiện đáng kể trong sức khỏe tài chính của Vietinbank khi thể hiện sự cải thiện mạnh mẽ qua kết quả kinh doanh tích cực trong các quý gần đây. Vẫn duy trì tăng trưởng tín dụng tốt trong khi vẫn duy trì mức NIM ổn định chứ không bị sụt giảm như những ngân hàng khác.

Ngược lại, các ngân hàng thương mại quy mô nhỏ đều nằm trong nhóm bị xếp hạng sức khỏe tài chính thấp do áp lực từ nợ xấu tăng cao và khả năng thanh khoản hạn chế. Đặc biệt, yếu tố độ nhạy cảm với rủi ro thị trường (Sensitivity to Market Risk) đang trở thành tiêu chí quan trọng hơn trong bối cảnh lãi suất và tỷ giá biến động mạnh. Xu hướng này phản ánh sự cần thiết phải tăng cường quản trị rủi ro và duy trì mức dự phòng hợp lý để đảm bảo ổn định tài chính trong thời gian tới.

Biểu đồ 2: Chi tiết điểm xếp hạng năng lực tài chính của các ngân hàng

Sức khỏe tài chính sẽ tốt hơn khi Thông tư 06 sắp hết hiệu lực

Thu nhập từ lãi thuần của các ngân hàng trong quý 3/2024 tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, nhờ sự cải thiện trong hoạt động cho vay và chi phí huy động vốn giảm. Tăng trưởng tín dụng ổn định, cùng với chính sách tiền tệ linh hoạt từ NHNN, đã giúp các ngân hàng tối ưu hóa lợi nhuận. Vietcombank và MB là hai ngân hàng nổi bật với mức tăng trưởng thu nhập từ lãi thuần cao, đóng góp tích cực vào lợi nhuận sau thuế của toàn hệ thống. Đặc biệt, thu nhập từ mảng bán lẻ và doanh nghiệp nhỏ đã trở thành động lực chính cho tăng trưởng lãi thuần trong kỳ này.

Tỷ lệ NPL toàn ngành duy trì ở mức 2.26% trong quý 3, chỉ tăng nhẹ so với quý 2, cho thấy chất lượng tài sản của các ngân hàng vẫn được kiểm soát tốt. Vietcombank tiếp tục dẫn đầu với tỷ lệ NPL thấp nhất hệ thống, chỉ 1.22%, nhờ vào chiến lược quản lý rủi ro hiệu quả và tăng cường trích lập dự phòng. Mặc dù tỷ lệ NPL của toàn ngành tăng nhẹ so với đầu năm, mức tăng này nằm trong dự báo và không tạo ra áp lực lớn đối với bảng cân đối tài sản của các ngân hàng. Nhờ sự ổn định của chất lượng tài sản, áp lực dự phòng rủi ro đã giảm đáng kể trong quý 3/2024. Các ngân hàng ghi nhận mức trích lập dự phòng giảm, tạo điều kiện cho lợi nhuận trước thuế tăng trưởng mạnh mẽ. Điều này không chỉ phản ánh sự cải thiện trong việc kiểm soát nợ xấu, mà còn là tín hiệu tích cực cho triển vọng tài chính trong quý 4 và cả năm 2024.

Quyết định không gia hạn Thông tư 06 của NHNN cho thấy, niềm tin vào sự ổn định của hệ thống ngân hàng và chất lượng tài sản. Các ngân hàng sẽ phải đối mặt với thử thách mới khi mất đi công cụ hỗ trợ từ Thông tư này, nhưng đây cũng là cơ hội để các tổ chức củng cố năng lực quản lý rủi ro, tự điều chỉnh hoạt động tín dụng và xây dựng nền tảng bền vững hơn.

Dự kiến, việc Thông tư 06 hết hiệu lực có thể gây ra một số biến động ngắn hạn trên thị trường. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra cơ hội hấp dẫn cho nhà đầu tư, đặc biệt là với các cổ phiếu ngân hàng chất lượng cao như ACB, HDB, và VCB. Những ngân hàng này, nhờ vào tỷ lệ dự phòng cao, có khả năng giảm trích lập trong tương lai, qua đó cải thiện lợi nhuận. Nhìn về năm 2025, các ngân hàng như Techcombank và VPBank được dự báo sẽ tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng nhờ vào khả năng mở rộng tín dụng và sự phục hồi của thị trường bất động sản. Môi trường kinh doanh được kỳ vọng sẽ ổn định hơn, tạo điều kiện để ngành ngân hàng duy trì đà tăng trưởng trong dài hạn.

Ngành ngân hàng Việt Nam trong quý 3/2024 đã cho thấy, những tín hiệu tích cực từ chất lượng tài sản ổn định và lợi nhuận tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, sự thành công dài hạn sẽ phụ thuộc vào khả năng quản trị rủi ro linh hoạt và sự thích ứng với thay đổi trong môi trường pháp lý. Quyết định không gia hạn Thông tư 06 sẽ đặt hệ thống ngân hàng vào thử thách mới, nhưng cũng mở ra cơ hội để cải thiện hiệu quả hoạt động và tăng cường niềm tin thị trường.

Lê Hoài Ân, CFA

FILI

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng