Tháo gỡ nhiều khó khăn cho nhà thầu xây dựng công trình giao thông
Các nhà thầu kiến nghị rà soát lại các chế độ chính sách trong lĩnh vực xây dựng để có điều chỉnh hợp lý, phù hợp với thực tiễn như: điều chỉnh định mức xây dựng, thống nhất các mẫu hợp đồng xây dựng, các quy định về phạt hợp đồng... Đồng thời, tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu về giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện đảm bảo nguồn vật liệu đất và cát đắp cho dự án và sớm định giá cát tại mỏ theo cơ chế đặc thù để làm cơ sở thanh toán và giải ngân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia - Ảnh: VGP
|
Chiều 3/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia.
Ông Bùi Xuân Dũng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: Giai đoạn 2021-2024, ngành Xây dựng gặp nhiều khó khăn do tình hình thị trường bất động sản trầm lắng, số lượng dự án, công trình đầu tư xây dựng mới giảm sút, có giai đoạn giá vật liệu xây dựng tăng cao; vướng mắc, bất cập trong các quy định về đầu tư xây dựng xuất hiện nhiều hơn do có sự thay đổi nhanh của thực tiễn. Trong đó, có 4 nhóm khó khăn chính:
Các nhà thầu gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật chủ yếu đối với các dự án, công trình giao thông không được thực hiện kịp thời với tiến độ triển khai thi công xây dựng, hoặc mặt bằng xôi đỗ, gây khó khăn cho công tác thi công, xử lý nền đường, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành và việc quản lý đảm bảo chất lượng đồng bộ.
Việc đang triển khai cùng lúc nhiều dự án trọng điểm như hiện nay (đặc biệt đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long) dẫn đến khan hiếm một số nguồn vật liệu như: cát đắp, đá 1x2, cấp phối đá dăm,….phục vụ thi công cho các dự án. Một số mỏ vật liệu được cấp phép nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các dự án; một số mỏ giảm công suất khai khác nên các nhà thầu càng khó khăn trong việc tìm nguồn vật liệu phục vụ thi công. Ngoài ra, sự thiếu hụt về công nhân xây dựng, đặc biệt là nhóm công nhân lành nghề, dẫn đến tăng giá nhân công xây dựng, gây khó khăn cho nhà thầu thi công trong tìm kiếm, huy động nhân lực.
Để tháo gỡ khó khăn về vật liệu xây dựng, Chính phủ đã cho áp dụng áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đối với các dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 – 2020. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng nhận định: Do lần đầu được áp dụng cơ chế đặc thù này, nên hệ thống pháp luật hiện hành chưa đáp ứng được, việc triển khai còn vướng mắc, chưa thống nhất giữa một số dự án.
"Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Công điện số 02/CĐ-TTg ngày 09/1/2024 đối với hướng dẫn Bộ GTVT và các địa phương xác định giá vật liệu tại mỏ, Bộ Xây dựng đã chủ động phối hợp, tổ chức kiểm tra, khảo sát tại hiện trường dự án; thành lập Tổ công tác liên Bộ và đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn. Đến nay công tác xác định giá vật liệu tại mỏ theo cơ chế đặc thù cơ bản đã được giải quyết. Tuy nhiên, qua trao đổi và nắm bắt tình hình, Bộ Xây dựng ghi nhận vẫn còn khó khăn, vướng mắc tại một số mỏ trong việc xác định chi phí đền bù, thủ tục cấp phép khai thác,... thuộc trách nhiệm hướng dẫn của địa phương", ông Bùi Xuân Dũng cho biết.
Thêm vào đó, đối với một số dự án công tác triển khai dự án gấp (như dự án đường bộ cao tốc), chất lượng hồ sơ thiết kế chưa tốt, còn nhiều điểm chưa hợp lý dẫn đến mất nhiều thời gian để điều chỉnh, bổ sung, thẩm định trong quá trình thi công. Trong quá trình thiết kế, chủ đầu tư chưa xem xét định hướng sử dụng các loại vật tư, thiết bị đảm bảo tính cạnh tranh thương mại, sẵn có trên thị trường để tránh tình trạng độc quyền, gây khó khăn cho nhà thầu thi công khi mua sắm vật tư, thiết bị.
Thiếu mặt bằng, thiếu vật liệu, đơn giá chênh lệch…
Đại tá Khương Tất Thắng, Phó Tư lệnh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn cho biết, hiện doanh nghiệp đang thi công các công trình trọng điểm quốc gia với tổng giá trị hợp đồng hơn 31,000 tỷ đồng. Tuy nhiên, Trường Sơn đang gặp nhiều khó khăn về cơ chế chính sách như: chủ đầu tư chậm quyết toán, giá vật liệu trong quá trình thi công tăng đột biến gây ảnh hưởng lớn tới hiệu quả sản xuất kinh doanh, các mỏ được giao khai thác theo cơ chế đặc thù nhưng không đáp ứng được trữ lượng như điạ phương cam kết, lực lượng lao động thiếu hụt nghiêm trọng…
"Đơn giá vật liệu tại các địa phương bao giờ cũng cao hơn giá trong bảng công bố đơn giá ban hành song chưa có chế tài quản lý, giám sát đối với các nhà cung cấp. Trong quá trình thực hiện, nhà thầu phải mua với giá cao hơn nhiều lần giá được thanh toán làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ và hiệu quả sản xuất. Đáng nói, hầu hết các gói thầu cao tốc giai đoạn 2021-2025 có khối lượng phát sinh thay đổi so với hợp đồng đã ký, nhiều đơn giá tạm tính song thủ tục để phê duyệt rất lâu, qua nhiều khâu, nhiều cấp trung gian trình, xem xét, thẩm định làm ảnh hưởng lớn đến việc giải ngân khối lượng hoàn thành cho nhà thầu", Đại tá Khương Tất Thắng, Phó Tư lệnh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn báo cáo Thủ tướng.
Đại diện Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn kiến nghị Thủ tướng, các Bộ, ban ngành có mặt tại cuộc họp rà soát lại các chế độ chính sách trong lĩnh vực xây dựng để có điều chỉnh hợp lý, phù hợp với thực tiễn như: điều chỉnh định mức xây dựng, thống nhất các mẫu hợp đồng xây dựng, các quy định về phạt hợp đồng...
Đồng thời, tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện đảm bảo nguồn vật liệu đất và cát đắp cho dự án và sớm định giá cát tại mỏ theo cơ chế đặc thù để làm cơ sở thanh toán và giải ngân.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả - nhà đầu tư, tổng thầu thi công 12/29 dự án công trình trọng điểm quốc gia, báo cáo Thủ tướng khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng đối với 4 dự án cao tốc (Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng, Quảng Ngãi -Hoài Nhơn, Hà Giang – Tuyên Quang).
"Cả 4 dự án cao tốc Đèo Cả đang thi công thì việc giải phóng mặt bằng đều triển khai chậm, các địa phương báo cáo Thủ tướng tỷ lệ giải phóng mặt bằng đảm bảo nhưng thực chất nhiều vị trí còn xôi đỗ, nhiều vị trí không có đường tiếp cận", ông Hồ Minh Hoàng nêu.
Đánh giá cao việc Bộ Xây dựng đã kịp thời sửa đổi bổ sung hệ thống định mức xây dựng và ban hành hướng dẫn xác định giá vật liệu tại mỏ theo cơ chế đặc thù lần đầu tiên được áp dụng, tuy nhiên, ông Hồ Minh Hoàng nhận định: Hệ thống định mức xây dựng vẫn còn thiếu định mức về hầm (đường bộ, đường sắt,...) các Bộ, ngành cần tiếp tục rà soát, cập nhật, bổ sung, điều chỉnh đảm bảo tính đúng, tính đủ phù hợp với biện pháp thi công hiện nay.
Đáng chú ý, Tập đoàn Đèo Cả đề xuất với Thủ tướng cần tạo cơ chế để các doanh nghiệp xây dựng của Việt Nam sớm tự chủ trong việc đầu tư, sản xuất, thi công các công trình đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật cao (đường sắt, metro, giao thông thông minh, thành phố thông minh, …). Đối với các dự án có quy mô lớn, cần xem xét ưu tiên cho các doanh nghiệp có năng lực quản trị, đã có những sản phẩm cụ thể tổ chức dẫn dắt, kết nối, đào tạo cho các doanh nghiệp khác và ưu tiên đối với các doanh nghiệp địa phương có dự án đi qua.
"Thời gian qua, nhiều những đơn vị thi công các gói thầu lớn, chưa có tiền lệ thuộc dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021 – 2025. Như vậy sau năm 2025, nhân lực, máy móc, thiết bị của các doanh nghiệp sẽ tồn đọng. Do đó, trong việc triển khai dự án đường sắt tốc độ cao cần Nhà nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng này được tiếp cận và triển khai thực hiện góp phần xây dựng phát triển đất nước", ông Hồ Minh Hoàng kiến nghị.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Công ty Xây dựng Xuân Trường đề xuất các địa phương chủ động tìm kiếm nguồn vật liệu cho các dự án đi qua địa phương mình, ví dụ như Hà Tĩnh vừa qua, chỉ cần quyết tâm là tìm được nguồn vật liệu làm cao tốc. Ông cho rằng, quan trọng nhất là tư duy. Các địa phương cần phối hợp với nhau và phối hợp với các Bộ, ngành thay vì cái gì cũng báo cáo như hiện nay.
Trực tiếp tháo gỡ nhiều vấn đề khó khăn
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị
|
Trả lời một số vướng mắc cho nhà thầu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thông tin: Liên quan đến một số vướng mắc trong hợp đồng xây dựng các nhà thầu vừa phản ánh, về cơ bản quy định hợp đồng xây dựng đã nêu rõ trong Luật Xây dựng, trong thực tế triển khai còn một số bất cập, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát để sửa đổi cho phù hợp để đẩy nhanh tốc độ giải ngân cho nhà thầu. Bộ Xây dựng cũng sẽ phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện các quy định để đảm bảo việc thanh toán, quyết toán thống nhất, đồng bộ xuyên suốt cho nhà thầu theo hướng tôn trọng tối đa quyền tự do của các chủ thể cũng như có các quy định rõ ràng hơn để bảo vệ nhà thầu xây dựng.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng sẽ cùng Bộ Tài chính hoàn thiện các mô hình hợp đồng, rà soát quy định về đảm bảo việc thực hiện hợp đồng, thanh toán cho nhà thầu, tăng cường bảo lãnh từ ngân hàng thay vì bảo lãnh bằng tiền như hiện nay. "Bộ cũng sẽ khẩn trương bổ sung thêm các đơn giá đối với công nghệ thi công mới, vật liệu mới và những đơn giá còn chưa sát với thực tế như các nhà thầu vừa kiến nghị. Về lâu dài, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu theo hướng định mức trọn gói thay vì đơn giá định mức đơn lẻ như hiện nay", Bộ trưởng Nghị thông tin.
Đối với kiến nghị giảm mức bảo hành công trình sau khi hoàn thành xuống dưới 5%, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng khẳng định: Pháp luật về hợp đồng xây dựng không có quy định giữ lại 5% hay 10% giá trị xây dựng chờ bảo hành, nếu có trong hợp đồng là do chủ đầu tư và nhà thầu tự ký thoả thuận với nhau.
"Điều 19, Nghị định số 37/2015/NĐ-CP quy định 'Bên giao thầu phải thanh toán đầy đủ (100%) giá trị của từng lần thanh toán cho bên nhận thầu sau khi đã giảm trừ tiền tạm ứng, tiền bảo hành công trình theo thỏa thuận trong hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Nghiêm cấm bên giao thầu không thanh toán đầy đủ hoặc không đúng thời hạn theo các thỏa thuận trong hợp đồng cho bên nhận thầu'. Điểm c khoản 2 Điều 46 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP quy định 'Bảo đảm bảo hành có thể thực hiện bằng hình thức bảo lãnh hoặc hình thức khác do các bên thỏa thuận, nhưng phải ưu tiên áp dụng hình thức bảo lãnh'.
Như vậy, pháp luật về hợp đồng xây dựng không quy định khoản tiền giữ lại phục vụ công tác quyết toán công trình, chỉ quy định tiền giữ lại để bảo hành công trình đối với trường hợp không sử dụng hình thức bảo lãnh bảo hành. Việc xác định giá trị, quản lý, sử dụng tiền giữ lại để bảo hành công trình trong trường hợp không áp dụng hình thức bảo lãnh bảo hành thực hiện theo quy định tài chính hiện hành, đảm bảo đúng mục đích sử dụng", Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy chia sẻ: Ngành giao thông vận tải rất cảm ơn các nhà thầu trong suốt thời gian vừa qua, chúng tôi cũng xin chia sẻ một "con số rất thật" theo công bố của VCCI về 4 tiêu chí (doanh thu, lợi nhuận, tổng tài sản, vốn hóa) thì các nhà thầu lớn có mặt trong hội nghị hôm nay đều không nằm trong TOP 100, chỉ duy nhất 1 doanh nghiệp lọt do liên doanh nước ngoài. Điều này có thể thấy rằng các doanh nghiệp xây dựng trong lĩnh vực cơ bản như giao thông, xây dựng dù đóng góp rất lớn nhưng không phải lĩnh vực siêu lợi nhuận.
Về ý kiến của các doanh nghiệp về việc hình thành các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp dân tộc đủ lớn, tự lực, tự cường như chỉ đạo của Thủ tướng, theo ông Huy, với dự án đường sắt tốc độ cao sắp tới ràng buộc các lĩnh vực có thể tự sản xuất trong nước phải dùng doanh nghiệp trong nước với vai trò liên doanh, không phải thầu phụ nữa.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cũng nêu việc công bố đơn giá các địa phương cũng ảnh hưởng nhiều đến các nhà thầu "có những đơn giá không đúng như đơn giá cần khoan mũi khoan của tỉnh Quảng Ngãi nặng 4kg thép mà tỉnh thông báo 55.000 đồng, tính ra đơn giá thép không cũng không đủ rồi chưa nói đến công chế tạo, đề nghị phải rà soát lại đơn giá của địa phương". Bộ GTVT cho biết sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp của nhà thầu và phối hợp với các Bộ, ngành tiếp tục rà soát, tháo gỡ các quy định bất cập trong thời gian sớm nhất.
Nhật Quang