Tin tức
Tại sao EVN lỗ?

Tại sao EVN lỗ?

11/10/2024

Banner PHS

Tại sao EVN lỗ?

Kết quả kiểm tra của Bộ Công Thương về chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy năm 2023, đơn vị này lỗ gần 22 ngàn tỷ đồng. Riêng hoạt động sản xuất kinh doanh điện lỗ tới 34 ngàn tỷ đồng. Nguyên nhân thua lỗ vì đâu?

Đây cũng là câu hỏi được đặt ra trong buổi tọa đàm "Giá thành điện - Thực trạng và giải pháp" tổ chức chiều 10/10/2024.

Giá bán điện không bù được chi phí

Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc thua lỗ của EVN thực chất là điều được nhìn thấy trước. Bởi lẽ, khi giá bán điện thấp hơn giá mua vào và giá thành sản xuất, chênh lệch càng lớn thì lỗ càng lớn. Dù EVN có tiết giảm chi phí đến mức độ nào, chênh lệch lớn giữa giá mua và giá bán ra vẫn tồn tại thì không thể bù lỗ. Chưa kể, việc tiết kiệm chi phí này có thể ảnh hưởng đến hoạt động vận hành hệ thống điện.

Ông Phan Đức Hiếu

“Nếu EVN tìm cách giảm giá mua điện đầu vào, khiến các nhà sản xuất điện thiếu đi động lực thì sẽ tác động đến đầu tư cho ngành điện. Nếu giá bán điện không hợp lý thì không khuyến khích tiêu dùng tiết kiệm, chuyển đổi sang năng lượng tiết kiệm và năng lượng khác. Vô hình trung, đôi khi lợi ích của người khác lại biến thành thiệt hại của người này. Về mặt lâu dài, tôi vẫn khẳng định chúng ta không thể duy trì câu chuyện này” - trích lời ông Phan Đức Hiếu.

Ông nhận định cách tính giá bán điện hiện tại có vấn đề và không hợp lý, vì hiện đang dùng giá điện để hài hòa lợi ích tất cả các bên gồm người tiêu dùng, nhà phân phối, nhà sản xuất điện. Trong đó, đặt mục tiêu nhiều hơn cho người tiêu dùng. “Chúng ta đặt quá nhiều mục tiêu và đặt mục tiêu hài hòa hóa các bên thông qua giá điện, mà không thể nào thực hiện được”.

Đồng tình, nhưng Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thỏa - Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng cho rằng các yếu tố đầu vào hiện tại đang nằm ngoài tầm tay của EVN.

“EVN không tự tạo được mà phải mua của người khác, là những yếu tố rất khách quan. Nó biến động thì sẽ phản ánh hoàn toàn vào giá điện như giá than thế giới. Nền kinh tế hay chúng ta phải mua của nước ngoài mà tỷ giá lại tăng... Tất cả những yếu tố đó khiến giá thành tăng cao, trong khi giá cả không bù đắp được chi phí hợp lý đã chi ra để sản xuất điện” - theo Tiến sĩ Thỏa.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thỏa

Ông Thỏa cho rằng hiện đang điều hành theo cách chia sẻ khó khăn cho các đối tượng tiêu dùng cũng như khó khăn của nền kinh tế để thực hiện đa mục tiêu, như đảm bảo kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh năng lượng… Do vậy, nếu không có trợ lực của Nhà nước bằng các công cụ khác, khoản lỗ sẽ dồn lại thì khó thu hút đầu tư, phát triển bền vững như mong muốn.

Trong khi đó, Tiến sĩ Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh cho rằng các bên đang đặt quá nhiều áp lực cho EVN.

“Thay vì chỉ sản xuất và cung ứng điện, EVN phải gánh 3, 4 nhiệm vụ, trong đó hơn một nửa về an sinh xã hội. EVN chỉ nên tập trung vận hành hệ thống tốt nhất có thể với giá thành cung ứng điện hợp lý, còn lại các yếu tố khác thì sử dụng nguồn lực khác, những chính sách hỗ trợ khác nhau” - ông Sơn cho hay.

“Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) đã tách khỏi EVN, có nghĩa trách nhiệm liên quan đảm bảo vận hành hệ thống tốt nhất có thể cũng không thuộc về họ nữa. Tức, chúng ta không thể đặt trên vai EVN những trách nhiệm như trước đây. Trách nhiệm của EVN lớn nhất là làm sao phải ký kết những hợp đồng mua bán điện để thu hút đầu tư phát triển nguồn điện và trong tương lai là cả lưới điện, làm sao EVN có được điều kiện tốt nhất để đàm phán, để bên bán điện cảm thấy hài lòng”.

Đảm bảo lợi ích hài hòa các bên không phải thông qua giá điện

Trước thực trạng nêu trên, ông Phan Đức Hiếu cho rằng cần tách bạch các nhóm chính sách trong giá điện. Nếu muốn hài hòa lợi ích các bên - gồm nhà sản xuất, nhà phân phối, và người tiêu dùng - cần phối hợp các nhóm chính sách chứ không thể chỉ thông qua giá điện.

“Cần phối hợp chính sách về ưu đãi thúc đẩy cạnh tranh, cắt giảm thủ tục hành chính, thuế… tức chi phí giảm tối thiểu, như vậy chúng ta mới có thể giảm giá sản xuất và giá bán. Tương tự, đơn vị phân phối cũng tính đến nhóm chính sách để thúc đẩy cạnh tranh trong phân phối điện như cắt giảm chi phí ở mức hợp lý, có giá bán điện phù hợp để đảm bảo cho các bên phân phối điện” - ông cho biết.

Đối với nhóm người tiêu dùng, ông Hiếu đề xuất phải theo nguyên tắc đặt bài toán giá bán điện trung bình ít nhất bằng hoặc lớn hơn giá mua vào thông qua người phân phối. Để hài hòa hóa lợi ích người tiêu dùng thì phải phối hợp chính sách.

Ngoài ra, cần phân chia giá điện với những mức khác nhau giữa các nhóm người dùng. Trong trường hợp người nghèo hoặc người có thu nhập thấp, phải phối hợp với chính sách an sinh xã hội và trợ cấp chứ không thể thực hiện như hiện nay.

Để thúc đẩy sản xuất điện, tiêu dùng, sản xuất xanh, buộc phải có nhóm chính sách thúc đẩy tiêu dùng tiết kiệm điện, như thông qua các chính sách về thuế, chính sách về thúc đẩy KHCN, kinh tế tuần hoàn… Biểu thang giá điện cũng phải thiết kế hợp lý để thúc đẩy tiêu dùng điện tiết kiệm, hợp lý, có hiệu quả.

Châu An

FILI

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng