Ông Lê Anh Tuấn (Dragon Capital): Đầu tư công đóng vai trò dẫn dắt cho đầu tư tư nhân trong năm 2025
Đây là khẳng định của ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc, Khối đầu tư Dragon Capital tại sự kiện Investor Day 2025 do Dragon Capital tổ chức với chủ đề "Tăng trưởng cùng Rồng” sáng ngày 11/01/205.
Đầu tư công sẽ bứt phá vào năm 2025
Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc, Khối đầu tư Dragon Capital
|
Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc, Khối đầu tư Dragon Capital cho biết, năm 2024 có các nền tảng chính sách vĩ mô tăng trưởng gắn với ổn định.
Nhìn về 2025, Chính phủ đặt mục tiêu kỷ nguyên mới tăng trưởng 2 con số. Tiêu dùng nội địa và đầu tư công sẽ là động lực tăng trưởng chính.
Thứ nhất, xuất khẩu sẽ có nhiều thử thách để tạo ra đột phá lớn. Tổng mức thương mại hàng hóa toàn cầu được dự báo tăng trưởng chỉ 2-3% năm 2025, trong khi 60% thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam dự kiến sẽ gặp khó khăn.
Thứ hai, đầu tư cần phải đi đôi với chỉ số ICOR (Hiệu quả vốn đầu tư) thấp. Đầu tư cần tập trung vào các dự án có hiệu quả kinh tế cao, tránh đầu tư dàn trải; giảm tổn thất lãng phí và đảm bảo tiến độ thi công; nâng cao năng suất lao động và đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Thêm vào đó, chúng ta đang chuyển dịch, muốn cải cách hành chính, bắt buộc phải số hóa.
Với những chính sách nêu trên, ông Tuấn khẳng định: “Giải ngân đầu tư công sẽ nhanh vào nửa cuối năm 2025”.
Những dự án trọng điểm quốc gia đã “chạy” rất nhanh như: Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến hoàn thành nửa đầu năm 2025, sân bay Long Thành dự kiến hoàn thành nửa đầu năm 2025... Dự án đường dây 500KV Quảng Trạch đã hoàn tất trong tháng 9/2024. Riêng dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam, với tổng mức đầu tư gần 69 tỷ USD, vào năm 2027 bắt đầu xây dựng, sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đến tiêu dùng, bất động sản.
Trong năm 2025, Dragon Capital cho rằng đầu tư công bứt phá, đầu tư công đóng vai trò dẫn dắt cho đầu tư tư nhân. “Nếu niềm tin của khối doanh nghiệp tư nhân cao thì câu chuyện tăng trưởng kinh tế hai con số không khó”, ông Tuấn khẳng định.
2 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025
Theo ông Tuấn, nếu chi tiêu đầu tư công hiệu quả , tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ có 2 kịch bản.
Đầu tiên, nếu chính sách thương mại của Mỹ quá quyết liệt, điều chỉnh chính sách tiền tệ từ mức vừa phải đến thắt chặt nhẹ tăng 150 điểm cơ bản, tăng trưởng GDP khó bứt quá, chỉ khoảng 6.5-7%.
Tuy nhiên, nếu chính sách tài khóa có mục tiêu và chọn lọc từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, giữ chính sách tiền tệ nới lỏng, tăng trưởng GDP Việt Nam có thể tăng trưởng từ 7.5-9%.
Ông Tuấn cũng đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp cho năm 2025.
Nếu chính sách bảo hộ thương mại xảy ra, lợi nhuận doanh nghiệp năm 2025 chỉ tăng 5-8%. Khi các nền kinh tế thế giới giảm tốc đáng kể do tác động của chiến tranh thương mai, chu kỳ cắt giảm lãi suất của Fed bị trì hoãn, gây áp lực.
Trường hợp kinh tế toàn cầu giảm tốc nhưng tránh được suy thoái, các vướng mắc trong lĩnh vực bất động sản Việt Nam được tháo gỡ, giúp ngân hàng tự tin giải ngân tín dụng, từ đó tiêu dùng cá nhân cải thiện, trong kịch bản cơ sở, lợi nhuận doanh nghiệp có thể tăng 15-17%.
Trong kịch bản đầu tư công tạo động lực thực sự và niềm tin cho khu vực kinh tế tư nhân, kích thích tài khóa, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp có thể vượt lên 18-25%.
Investor Day 2025 do Dragon Capital tổ chức vào sáng 11/01/2025
|
Tiền đổ vào đâu?
Trong các kênh đầu tư, ông Tuấn cho rằng vàng có giai đoạn tăng giá mạnh, nhưng nhìn về dài hạn 10-50 năm thì vàng không phải kênh đầu tư vượt trội so với các kênh khác. Biến động giá vàng rất khó để đoán và hiệu suất đầu tư không cao như nhiều người nhận định. Xét về mặt đầu cơ, vàng bị hạn chế bởi sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước nhằm ổn định tỷ giá.
Về kênh bất động sản, hiện tại có nhiều khu vực phục hồi rõ rệt và đã tăng giá như phía Bắc. Nhìn xa hơn, khi các tháo gỡ pháp lý rõ rệt và cơ sở hạ tầng được liên kết, bất động sản là kênh tiềm năng được đánh giá ngang với kênh chứng khoán.
Kênh chứng khoán có hiệu suất đầu tư vào khoảng 3.5-4%, năm 2025 kênh này nếu không bứt phá thì sẽ bứt phá vào năm 2026. Dựa trên cá kỳ vọng vĩ mô thế giới có thể tạo ra biến động trong ngắn hạn và kỳ vọng hiệu suất thị trường song hành cùng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp. Nhà đầu tư nên ưu tiên các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng rõ nét và được hưởng lợi trực tiếp từ các chính sách hỗ trợ.
Nói sâu hơn về thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK), ông Tuấn cho rằng, cuối năm 2025, chỉ số PE của TTCK Việt Nam về mức dưới trung bình 10 năm và PB dự phóng năm 2025 cũng ở vùng thấp nhất trong 10 năm, cho thấy TTCK Việt Nam đang ở vùng định giá hấp dẫn.
Dự báo được hỗ trợ bởi các thông tin như xác suất 70% khả năng nâng hạng thị trường vào tháng 3/2025. Thứ hai, hệ thống KRX là nền tảng cho sản phẩm mới và rút ngắn quy trình thanh toán. Thứ ba, kỳ vọng làn sóng IPO tiếp theo vào năm 2027-2028, sẽ có khoảng 47 tỷ USD dịch chuyển vào TTCK Việt Nam.
Như vậy, trong kịch bản cơ sở hiệu suất VN-Index sẽ tăng 15-17%, còn nếu niềm tin và tương lai tươi sáng hơn, lợi nhuận TTCK sẽ tốt hơn. Ông Tuấn cho rằng ngành IT, ngân hàng, bán lẻ trong năm 2025 có mức độ tăng trưởng cao.
Kênh trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vẫn là kênh có độ rủi ro nhất định. Mặc dù vậy, lợi suất TPDN vẫn có tỷ lệ lợi nhuận/rủi ro hấp dẫn hơn so với tiền gửi ngân hàng. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần cẩn trọng khi lựa chọn TPDN để đảm bảo an toàn và thanh khoản.
Trả lời câu hỏi của nhà đầu tư về trái phiếu và quỹ trái phiếu có phải là tài sản đầu tư hấp dẫn trong năm 2025 không, bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng - Giám đốc, Khối Trái phiếu Dragon Capital đánh giá, trái phiếu là kênh dành cho nhà đầu tư có kỳ vọng vừa phải. Thị trường trái phiếu năm 2024 lượng phát hành đã tăng trên 50%, lãi suất khá ổn. Việc đáo hạn cũng nhiều. Do đó, kênh trái phiếu có nguồn cung sẽ đa dạng hơn vào năm 2025 và nhiều lựa chọn hơn cho nhà đầu tư.
Cát Lam