Những người đứng sau chính sách thương mại cứng rắn của Trump
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang sau đe dọa áp thuế mới với các đối tác lớn, Donald Trump vừa bổ nhiệm hai nhân vật chủ chốt vào đội ngũ kinh tế của mình.
Jamieson Greer, cựu Chánh văn phòng USTR dưới thời Robert Lighthizer, sẽ trở thành đại diện thương mại Mỹ (USTR). Trong khi đó, Kevin Hassett, một gương mặt quen thuộc từ nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, sẽ giữ vị trí giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia.
Jamieson Greer và Kevin Hassett (phải)
|
Sự trở lại của những gương mặt quen thuộc này diễn ra chỉ một ngày sau khi Trump đe dọa áp thuế 25% lên hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico và 10% với hàng từ Trung Quốc ngay từ ngày đầu nhậm chức. Động thái này được xem như tín hiệu đầu tiên về chiến lược thương mại cứng rắn của ông với các đối tác lớn trong nhiệm kỳ thứ hai.
"Những nỗ lực của Greer dưới thời cựu USTR Bob Lighthizer, một nhà lãnh đạo và con người xuất sắc, đã giúp thúc đẩy việc đưa các công việc sản xuất trở lại Mỹ và đảo ngược các chính sách thương mại thảm họa kéo dài nhiều thập kỷ", Trump nói trong tuyên bố bổ nhiệm.
Là "môn đệ" của Lighthizer - người từng dẫn dắt các cuộc đàm phán căng thẳng với Trung Quốc và tái cơ cấu thỏa thuận NAFTA, Greer được kỳ vọng sẽ tiếp nối con đường sử dụng thuế quan như một công cụ đàm phán. Tuy nhiên, vai trò của ông có thể sẽ bị giới hạn khi Howard Lutnick, ứng viên Bộ trưởng Thương mại Mỹ, được Trump giao trách nhiệm trực tiếp với Văn phòng USTR.
Bộ ba quyền lực mới trong chính sách kinh tế của Trump còn có Scott Bessent - một nhà quản lý quỹ phòng hộ được đề cử làm Bộ trưởng Tài chính. Giới phân tích đánh giá đây là những lựa chọn thực dụng, dễ nhận được sự ủng hộ từ cả Washington và Phố Wall.
Đặc biệt, Kevin Hassett, người từng giữ chức chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế trong nhiệm kỳ đầu của Trump, được xem là lựa chọn an toàn. Với kinh nghiệm làm việc dưới thời George W. Bush và các ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa John McCain và Mitt Romney, ông được giao nhiệm vụ điều phối chính sách kinh tế và hướng dẫn Trump về việc gia hạn các khoản giảm thuế sắp hết hạn.
Trong cuộc phỏng vấn với Financial Times vào tháng 10, Hassett đã bày tỏ quan điểm ủng hộ đồng USD mạnh, cho rằng nó "đã là một phần quan trọng của nền kinh tế toàn cầu trong một thời gian dài". Đáng chú ý, ông cũng ủng hộ một Fed độc lập - quan điểm có thể mâu thuẫn với mong muốn can thiệp nhiều hơn vào chính sách tiền tệ của Trump.
"Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là các nhà hoạch định chính sách tài khóa phải hiểu rằng nếu nhiệm vụ của Fed là ổn định giá cả, thì Fed sẽ phải phản ứng với chính sách tài khóa", Hassett nói, người cũng được xem là ứng viên tiềm năng thay thế Jay Powell khi nhiệm kỳ chủ tịch Fed kết thúc vào tháng 5/2026.
Với sự kết hợp giữa những gương mặt quen thuộc và cam kết mạnh mẽ về thuế quan trong chiến dịch tranh cử - bao gồm thuế 20% lên toàn bộ hàng nhập khẩu và 60% với hàng Trung Quốc - nhiều chuyên gia dự đoán chính sách thương mại của Trump trong nhiệm kỳ hai có thể còn mang tính bảo hộ và gây nhiều xáo trộn hơn nữa cho nền kinh tế và thị trường toàn cầu.
Vũ Hạo (Theo FT)