Những mẩu chuyện nhỏ nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
1. Chiều 16/11, theo chân ông Olivier Parriaux và Bernard Bachelard - hai trong 3 công dân Thụy Sĩ tham gia cắm cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh nóc Nhà thờ Đức Bà Paris (Pháp), nhằm phản đối chiến tranh, ủng hộ hòa bình cho nhân dân Việt Nam vào năm 1969, chúng tôi ghé thăm Trung tâm giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TPHCM tại huyện Hóc Môn.
Mở đầu chương trình đón tiếp có 2 tiết mục văn nghệ do các em ở Trung tâm biểu diễn. Có trẻ là khuyết tật bẩm sinh, có trẻ là nạn nhân chất độc màu da cam, có trẻ do tai nạn giao thông, dàn đồng ca không-lành-lặn ấy lại hồn nhiên cất tiếng hát ngợi ca về mái trường, về trung tâm nơi mình được chăm lo, dạy nghề để mai này tự lập vào đời.
Tôi để ý các em đều hướng về phía bên phải sân khấu, xuống phía dưới. Theo ánh nhìn ấy, tôi nhận thấy có một thầy giáo già vừa lo hậu đài vừa là “nhạc trưởng”, ông không rời mắt khỏi những đứa trẻ, vẫy đôi tay gầy, giữ nhịp, ngắt nhịp cho tụi nhỏ. Âm thanh vì thế đều và vang, các em tự tin biểu diễn.
Chỉ khi phần biểu diễn của các em kết thúc, mới thấy ông giáo - nhạc trưởng thở phào, hạ thấp cái mắt kính xuống cười hạnh phúc.
2. Đêm 12/9, tôi tham dự đoàn công tác của Tỉnh đoàn Quảng Bình, tạp chí Nông thôn Việt lên đồn biên phòng Cồn Roàng tổ chức Tết Trung thu cho các em học sinh trường Nội trú Dân tộc tỉnh ở Thượng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình. Đây gần như là điểm cuối cùng trong tỉnh vẫn chưa có điện, riêng tại trường thì được bố trí nguồn điện nước đầy đủ song, cuộc sống của bà con, gia đình các em vẫn còn bủa vây nhiều hủ tục lạc hậu.
Vì vậy, có được một đêm lung linh đèn ông sao, vừa được rước đèn, nhận quà, được xem văn nghệ là cả một niềm vui của trẻ. Nên dù đang là lúc cả nước hướng về làng Nủ tang tóc thì ban tổ chức cũng… khó lòng mà hủy bỏ chương trình, dành cho trẻ con vùng biên một đêm trăng rằm quả thật là món quà mà ai cũng muốn trao tận tay cho trẻ.
Đêm ấy, có tiết mục biểu diễn của các em tiểu học. Những đứa trẻ hầu như suốt ngày đi chân đất, hôm tôi vào bản, đứa nào cũng mặc đồ rộng thùng thình. Không hỏi cũng biết là đồ từ thiện, cho gì mặc nấy. Giờ chúng lên sân khấu biểu diễn. Đứa nào cũng vừa căng thẳng vừa… ra vẻ hãnh diện. Chúng đều tập trung cao độ về một điểm, đó là cô giáo mầm non, biên đạo múa cho tiết mục đang hòa vào trong khán giả - cũng là học trò, phụ huynh - để múa “mẫu” cho các diễn viên nhí trên sân khấu múa theo. Thế mà vẫn đứa nghiêng bên này đứa ngả bên kia, vừa dễ thương vừa buồn cười.
Chỉ có cô giáo là nhiệt tình múa. Nhạc vừa dứt, cô bay ngay lên sân khấu, xoa đầu động viên từng trẻ một, lại chuẩn bị thay đồ cho tụi nhỏ ở tiết mục khác, rồi lại chạy xuống dưới để “múa phao”!
3. Những ngày hè năm xưa, mẹ tôi thường hay tháo tung những chiếc áo len đã chật của anh chị em tôi và ngồi đan lại, phối màu len để sau 3 tháng có được mấy chiếc áo như mới. Chỉ có điều may áo nhỏ hơn nên được nhiều chiếc hơn.
Đợi đến khi Huế vào Đông, lạnh cắt da, mẹ tôi gói từng chiếc áo bằng những trang giấy hoa, rồi bà mang lên lớp mình chủ nhiệm, kín đáo trao cho mấy đứa học trò nghèo. Bà nghiêm khắc yêu cầu, ngày mai trò nào đi học mà không mặc áo ấm là sẽ bị phạt.
Và nhiều năm như thế, vào mùa Đông, lớp mẹ tôi dạy đứa nào cũng đến trường với chiếc áo ấm.
Dịp 20/11 đến, có cậu trò nhỏ, trời tối mịt, cậu kêu cửa, vừa bước vào nhà, cậu móc hết trong túi ra một nắm tiền lẻ, xòe lên bàn nói, của bà nội con gửi tặng cô. Mẹ tôi lặng người. Bà nắm gia cảnh của cậu, 2 bà cháu bán nước vỉa hè. Thế là mẹ kéo cậu học trò vào lòng, rồi ngồi vuốt từng tờ tiền, xong thì xếp ngay ngắn đặt vô lòng bàn tay cậu, nói nhỏ nhẹ: - con về nói với bà là cô cảm ơn, coi như cô đã nhận tình cảm của hai bà cháu.
Hơn 30 năm sau, ngày ba tôi nằm xuống, tổ chức tang lễ có phần thuê nấu nướng, thì chính cậu học trò ngày đó đã đến, suýt nữa mẹ tôi không nhận ra. Nhưng cậu ôm lấy mẹ tôi và nói, ngày cô cho con cái áo len, con đã tự hứa lớn lên sẽ trả ơn cô, con nay là bếp trưởng, xin cô cho con được nấu để cúng thầy.
Bà giáo già là mẹ tôi đã khóc. Cậu học trò nhỏ năm xưa giờ đã thành một người đàn ông phong trần, cũng khóc.
4. Nhiều năm trước, dư luận TPHCM dậy sóng bởi hiện tượng cô giáo ở Nhà Bè giận học trò nên cấm khẩu 4 tháng. Học trò học không hiểu bài, hỏi thì cô im lặng. Sự việc tình cờ do một nữ sinh trong lớp tham dự buổi gặp gỡ với lãnh đạo thành phố. Em bày tỏ nguyện vọng xin cô giáo… mở miệng.
Xác minh sự việc, Sở Giáo dục Đào tạo TP đã tạm đình chỉ công tác đứng lớp, chuyển cô giáo qua bộ phận giám thị. Vấn đề là một thời gian sau, khi được quay lại đứng lớp, cũng là cô giáo này đã quăng tập của học sinh xuống đất trong giờ dò bài. Lại xác minh, lại nhập nhằng giữa chuyện đúng sai.
Trong nỗi bất bình, tôi tìm về Nhà Bè và ngồi cùng với những đứa trẻ là nạn nhân của cô giáo này từ 20 năm trước. Dù giờ đã làm bố của các con nhưng nỗi ám ảnh của cô giáo chuyên xài “chiêu” cô lập học trò một khi không vừa ý vẫn đeo đẳng. Cậu kể, cô đẩy em xuống ngồi dãy bàn cuối, tuyệt đối không ai được trò chuyện với em, học bài hiểu hay không cũng mặc, mình như thể vô hình trước cô và tập thể - do cô chỉ đạo.
Gia đình cậu sau đó nhận thấy con trai có dấu hiệu bệnh tâm lý nên chấp nhận chuyển trường, đưa đón con đi về mỗi ngày, cực nhọc hơn nhưng đem lại cho con một môi trường học tập đúng nghĩa.
…
Ngày 18/11, tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có nhiều gợi mở quan trọng, trong đó có vấn đề “tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có đức, có tài, là những người có đam mê, nhiệt huyết, kỹ năng, kiến thức, năng lực truyền thụ, ham học hỏi, đổi mới sáng tạo, thật sự là những tấm gương để học sinh, sinh viên học tập, noi theo; đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu”.
4 mẩu chuyện trên đây phần nào cho thấy, kỹ năng, kiến thức là điều kiện cần nhưng lương tri, trách nhiệm của người thầy mới làm nên điều kiện đủ để từ đó, gieo vào lòng trẻ tình cảm, ý chí học tập để nên người.
Sẽ không phủ nhận trị giá của đồng tiền - tức cần một chính sách lương, đãi ngộ phù hợp, tương xứng với nghề giáo song, không phải hoàn cảnh sống kham khổ, khó khăn nào, ở bất cứ ai cũng làm “nghèo” đi trái tim nhân hậu, sự quan tâm dành cho học trò của mình. Cũng như không thể nhân danh bất kỳ phương pháp giáo dục nào để ứng phó với học sinh theo kiểu “cô lập” như cô giáo ở Nhà Bè.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trong diễn văn đáp từ Tổng Bí thư đã nói: “Đổi mới giáo dục ở chặng đường tiếp theo về thực chất là sự đổi mới ở chiều sâu của chính lực lượng nhà giáo. Giới hạn của nhà giáo chính là giới hạn của nền giáo dục, giới hạn của nền giáo dục chính là giới hạn phát triển của một quốc gia. Nhà giáo chúng ta cần biến những giới hạn trở thành không giới hạn".
Thiết nghĩ, trước khi có được “sự đổi mới ở chiều sâu của chính lực lượng nhà giáo” thì mỗi kỹ sư tâm hồn ấy cần nhìn thấu lương tri, phẩm giá và tri thức của mình để mỗi ngày “trồng Người” bằng chính chất liệu ấy cho mai này, trong hàng trăm hàng ngàn cây ấy, chắc chắn sẽ tỏa bóng mát ý nghĩa, hữu ích xuống cuộc đời.
Quốc Học