Tin tức
Nhiều lần kiểm chứng bất thành mốc 1,300 điểm, thị trường cần thêm động lực gì?

Nhiều lần kiểm chứng bất thành mốc 1,300 điểm, thị trường cần thêm động lực gì?

24/10/2024

Banner PHS

Nhiều lần kiểm chứng bất thành mốc 1,300 điểm, thị trường cần thêm động lực gì?

Tại buổi "Vietstock LIVE: Cơ hội nào để VN-Index vượt vũ môn?", ông Bùi Nguyên Khoa, Phó Trưởng phòng Phân tích nghiên cứu - CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) đã có những chia sẻ về các yếu tố sẽ hỗ trợ VN-Index trong tương lai, đặc biệt là kỳ vọng vượt mốc 1,300 điểm.

Vì đâu chưa thể vượt 1,300 điểm?

Nói về câu chuyện thị trường chưa vượt được 1,300 điểm, nhìn lại trong năm 2024 đã có ít nhất 4 lần kiểm định và không vượt qua. Theo ông Khoa, có rất nhiều lý do dẫn đến kết quả này.

Thứ nhất, định giá P/E thị trường hiện tại khoảng 15 lần đã không còn đủ rẻ như đầu năm để tạo xu hướng.

Thứ hai, dòng tiền không mạnh, đặc biệt là khối ngoại bán ròng mạnh, cùng với đó dòng tiền bị phân tán ra các kênh khác như vàng, bất động sản.

Thứ ba, thị trường không có đủ thông tin mạnh như nâng hạng thị trường, hệ thống giao dịch mới, yếu tố trong nước lẫn nước ngoài không cổ vũ.

Nhìn về tương lai, ông Khoa đánh giá thị trường đang có những yếu tố tạo nền tảng vững chắc hơn.

Về vĩ mô thế giới, tăng trưởng kinh tế thế giới mỗi nước có một đặc thù khác nhau, thống kê ba quốc gia Mỹ, Trung Quốc, châu Âu - chiếm 70% GDP toàn cầu - đang tăng trưởng không yếu như số đông vẫn nghĩ, thậm chí ở mức khá tốt so với dự báo ban đầu. Bên cạnh đó, CPI đang có xu hướng giảm xuống. Các yếu tố như CPI sản xuất vẫn ở mức bình thường và CPI dịch vụ duy trì mức khá tốt.

Có ba điểm cần lưu ý là nguy cơ suy thoái không cao; lạm phát giảm nhanh tạo điều kiện cho NHTW giảm lãi suất; chỉ số DXY dự báo giảm khi Fed bắt đầu giảm lãi suất.

Ở trong nước, 9 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng GDP Việt Nam ở mức 6.8% cho thấy xu hướng dần ổn định hơn. Trong đó, tăng trưởng với động lực từ dịch vụ chỉ chiếm 45% và sản xuất 43%, trong khi cùng kỳ năm trước tăng trưởng dựa hoàn toàn vào khu vực dịch vụ chiếm 67%. Điều này cho thấy nền kinh tế không bay bằng một động cơ mà là hai động cơ, tạo ra nền tảng cho tăng trưởng bền vững trong năm 2025.

Tuy nhiên, ông Khoa nhấn mạnh về yếu tố dịch vụ tăng trưởng không tốt, hiện chỉ khoảng 8%, mặc dù đã có nhiều chính sách tài khóa như giảm thuế VAT 2%, du lịch hồi phục mạnh…

Ông Khoa nêu lên hai vấn đề cần quan tâm, thứ nhất là CPI kể cả theo tháng và cơ bản đều có xu hướng giảm, tạo diễn biến khá tốt cho thị trường. Khi xem xét thì không có yếu tố đột biến nào, dù gần đây giá điện đã tăng. Thứ hai là biến động của tỷ giá, gần đây NHNN đã thực hiện hút tín phiếu mạnh mẽ.

Trên cơ sở đó, có những yếu tố thuận lợi và khó khăn, nhưng nhìn chung có thể điều kiện cho Chính phủ thực hiện chính sách tiền tệ cởi mở hơn, tiếp tục theo đuổi chính sách hỗ trợ thanh khoản thị trường và kéo dài thời gian cơ cấu trả nợ.

Tín dụng mặc dù tăng trưởng đầu năm 2024 không quá cao, nhưng tăng trưởng so với cùng kỳ khá tốt. Xu hướng sắp tới là NHNN tiếp tục can thiệp trên thị trường mở, thông qua công cụ bơm hút tín phiếu, duy trì ổn định lãi suất cũng như thu hẹp khoảng cách VND và USD để giảm áp lực tỷ giá.

Về chính sách tài khóa, hiện chưa có sự cải thiện quá mạnh, xu hướng giải ngân từ đầu năm chỉ khoảng 50%, giảm so với cùng kỳ năm trước, mặc dù Chính phủ thực hiện khá quyết liệt và đồng bộ các giải pháp khác nhau. Ông Khoa kỳ vọng, khâu giải ngân đầu tư công sẽ mạnh vào cuối năm, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

Thu ngân sách Nhà nước có xu hướng tăng lên, trong khi chi ngân sách có xu hướng giảm, cho thấy bội thu ngân sách, nợ công đang ở mức khá ổn và kiểm soát được, hỗ trợ cho Chính phủ theo đuổi chính sách thúc đẩy đầu tư, điển hình như xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Đâu là động lực để thị trường vượt 1,300 điểm?

9 tháng đầu năm 2024, giải ngân và đăng ký FDI tăng trưởng; xuất nhập khẩu tăng trưởng khá nhanh, quay lại mức trước COVID-19; cán cân thương mại thặng dư khoảng 21 tỷ USD.

Nhìn chung, ngoại trừ lĩnh vực dịch vụ đang đi ngang, thì các khối khác như sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, FDI, tăng trưởng tín dụng, CPI, ngân sách đều cải thiện, tạo nền hỗ trợ tăng trưởng GDP tốt trong năm 2024 và 2025.

Cập nhật đến quý 2/2024, lợi nhuận sau thuế toàn bộ thị trường đánh dấu quý thứ 3 tăng trưởng dương liên tiếp, cải thiện đều qua các quý, kể cả lĩnh vực tài chính, phi tài chính đều cải thiện khá tốt.

Đến giờ phút này, có 600 công ty trên 3 sàn đã công bố kết quả kinh doanh quý 3/2024, với mức lợi nhuận tăng trưởng 20%. Ông Khoa kỳ vọng việc tăng trưởng giúp định giá trở nên hấp dẫn hơn.

Ông Sơn kỳ vọng, lợi nhuận năm 2025 sẽ tăng trưởng khoảng 20%, cao hơn so với mức dự báo tăng trưởng 16% của năm 2024.

Thị trường có thể tích lũy trong thời gian dài, nhưng các yếu tố nền tảng bao gồm vĩ mô, nội tại doanh nghiệp đều cải thiện đáng kể so với đầu năm. Hiện Việt Nam cũng đang "xuôi dòng" cắt giảm lãi suất cùng với thế giới.

Cuối cùng, để thị trường vượt 1,300 điểm, ông Khoa kỳ vọng dòng tiền sẽ quay trở lại giống như năm 2016 - giai đoạn dòng tiền khối ngoại đã thúc đẩy điểm số thị trường.

Dưới góc nhìn phân tích kỹ thuật, theo ông Nguyễn Quang Minh - Giám đốc Khối Nghiên cứu Vietstock, khu vực 1,280 điểm tập trung khối lượng giao dịch lớn, từ đó tạo vùng kháng cự mạnh và khó vượt qua. Trường hợp xuất hiện điểm bứt phá, thị trường có hướng đến ngưỡng 1,500 - 1,550 điểm.

Ông Minh cũng nhấn mạnh, VN-Index đang có xu hướng bền vững, trường hợp không vượt được kháng cự và sụt giảm vẫn sẽ có cơ hội mua.

Huy Khải

FILI

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng