Lời khuyên vô giá từ Warren Buffett: Điều cha mẹ cần làm trước khi quá muộn
Trong lá thư mới nhất, Warren Buffett - nhà đầu tư huyền thoại 94 tuổi với khối tài sản 150 tỷ USD vừa đưa ra một lời khuyên sâu sắc không liên quan đến đầu tư, mà về một vấn đề gần gũi hơn nhiều: Cách thức cha mẹ nên xử lý di chúc của mình.
"Dù bạn có tài sản khiêm tốn hay đồ sộ, hãy để con cái đọc di chúc trước khi ký", Buffett viết trong bức thư được công bố trong ngày 25/11.
Lời khuyên này xuất phát từ nhiều năm quan sát những bi kịch gia đình do di chúc gây ra. "Tôi đã chứng kiến quá nhiều gia đình tan vỡ sau khi những chỉ thị trong di chúc để lại sự bối rối và đôi khi là cơn giận dữ cho người thừa kế", Buffett chia sẻ trong bức thư được công bố trong ngày 25/11. "Những ganh tị, cùng với những tổn thương từ thời thơ ấu, dù thực hay tưởng tượng, đều có thể bị phóng đại lên gấp bội".
Warren Buffett
|
Với tư cách một người cha có ba người con, Buffett nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo con cái hiểu rõ logic đằng sau mỗi quyết định và trách nhiệm họ sẽ đối mặt sau khi cha mẹ qua đời. "Nếu bất kỳ ai có câu hỏi hay đề xuất, hãy lắng nghe cẩn thận và chấp nhận những ý kiến hợp lý", ông nói. "Bạn không muốn con cái hỏi 'Tại sao?' về các quyết định trong di chúc khi bạn không còn có thể trả lời".
Douglas Boneparth, chuyên gia tư vấn tài chính được chứng nhận và là người sáng lập Bone Fide Wealth tại New York, hoàn toàn đồng tình với quan điểm này.
"Đây là những cuộc trò chuyện khó khăn, nhưng chúng có ý nghĩa và khi được tiếp cận đúng cách, có thể củng cố mối quan hệ", Boneparth cho biết. "Trí tưởng tượng của trẻ có thể chạy theo những gì chúng nghĩ mình nên được nhận", Boneparth nói. Do đó, việc giải thích rõ ràng về cách phân chia tài sản và lý do đằng sau mỗi quyết định là vô cùng quan trọng.
Mọi người có thể lo lắng về việc làm tổn thương tình cảm con cái, hoặc nghe một đứa nói rằng chúng nghĩ điều gì đó không công bằng. Chính vì thế, bạn càng nên thảo luận về nó, chứ không "để lại mớ bòng bong đó khi bạn không còn nữa", Boneparth nói.
Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi nói đến việc phân chia tài sản không đồng đều giữa các con. Boneparth gợi ý một số tình huống phổ biến: Một đứa con có thể đã nhận được hỗ trợ đáng kể cho việc mua nhà, một đứa khác có thể đã theo học tại trường đại học đắt đỏ hơn nhiều. Trong những trường hợp này, sự chênh lệch trong di chúc có thể là cách để cân bằng lại những hỗ trợ tài chính trước đó.
Carolyn McClanahan, người sáng lập Life Planning Partners tại Jacksonville, Florida, đề xuất một cách tiếp cận thực tế khác. "Nếu một đứa con đang trong tình trạng tài chính tốt hơn nhiều so với đứa khác, hãy thử trao đổi với đứa khá giả", bà nói. "Bạn có thể hỏi: 'Con có thực sự quan tâm đến cách bố/mẹ để lại tài sản không? Vì em con là một nghệ sĩ và cần được giúp đỡ thêm một chút.'".
"Bằng cách đó, người con sẽ không cảm thấy bị xúc phạm khi thực sự biết được", bà nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý rằng nguyên tắc minh bạch không phải lúc nào cũng phù hợp. McClanahan chỉ ra một số trường hợp ngoại lệ: những đứa con có tiền sử lợi dụng tài chính cha mẹ, hoặc những người chưa đủ trưởng thành trong cách quản lý tiền bạc. "Trong những tình huống này, việc biết trước về một khoản thừa kế lớn có thể càng làm suy giảm đạo đức làm việc và tham vọng của họ", bà giải thích.
"Nếu bạn có những đứa con chưa trưởng thành, việc chia sẻ thông tin đó có thể gây tổn hại", bà nói thêm. Giải pháp cho những trường hợp đặc biệt này, theo McClanahan, có thể là một bức thư giải thích được mở sau khi cha mẹ qua đời. Cách này vừa đảm bảo được quyền lợi của người thừa kế, vừa tránh được những tác động tiêu cực có thể xảy ra nếu thông tin được tiết lộ quá sớm.
"Mỗi gia đình một khác", McClanahan nhấn mạnh. "Đó là lý do tại sao không nên có quy tắc cứng nhắc nào về việc này".
Vũ Hạo (Theo CNBC)