Logistics chuỗi lạnh: Nhìn từ Trung Quốc và bài học cho Việt Nam
Thưởng thức thực phẩm tươi sống với giá cả phải chăng từ những nơi cách xa hàng chục ngàn cây số đang dần không còn xa lạ với mỗi người dân Trung Quốc.
Sáng ngày 20/11/2024, chiếc máy bay của hãng China Eastern Airlines đã thực hiện chuyến bay chở 76 tấn quả anh đào tươi Chile, từ thủ đô Santiago của nước này cập bến sân bay quốc tế Phố Đông, thành phố Thượng Hải, cho phép người tiêu dùng Trung Quốc được thưởng thức trái cây tươi chưa đầy 2 ngày sau khi rời cành.
Thực tế trên được dẫn ra trong một báo cáo do Bộ Công Thương phát hành về tình hình thị trường logistics Trung Quốc, cho thấy khi hệ thống hậu cần ngày càng hoàn thiện, người tiêu dùng nước này có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận thực phẩm tươi sống từ các nơi cách xa hàng chục ngàn cây số.
Không riêng anh đào Chile, cả sầu riêng Thái Lan, tôm hùm Mỹ, cua hoàng đế Nga cũng đang dần bước vào bàn ăn của người Trung Quốc thông qua mạng lưới logistics chuỗi lạnh quốc tế ngày càng hiện đại mà quốc gia này tham gia xây dựng nhiều năm nay. Chuyến bay nói trên có thể xem là một trong những nỗ lực này. Hãng bay Trung Quốc đã tăng đáng kể số chuyến chở hàng hóa tươi sống trong 10 năm qua, từ 2 lên khoảng 350 chuyến trong năm 2024.
Tại Trung Quốc, sự bùng nổ thương mại điện tử đối với thực phẩm tươi sống cùng sự xuất hiện các hình thức giao hàng tận nhà đã thúc đẩy nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics chuỗi lạnh. Theo Ủy ban Chuỗi lạnh Internet Vạn vật của quốc gia này, tiêu thụ thực phẩm tươi sống và dịch vụ ăn uống là động lực chính cho mức tăng trưởng khối lượng logistics chuỗi lạnh quý 3 vừa qua. Doanh số trái cây tươi cũng ghi nhận tỷ lệ tăng ấn tượng sau 9 tháng, đạt hơn 18% so với cùng kỳ.
Tiềm năng tăng trưởng cũng thúc đẩy Trung Quốc đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là kho lạnh. Số liệu chưa đầy đủ được báo cáo của Bộ Công Thương chỉ ra, vốn đổ vào các dự án xây dựng kho lạnh tiếp tục tăng 7.5% sau 3 quý đầu năm 2024, khoảng 5 tỷ USD. Quý 3 vẫn là giai đoạn tăng mạnh nhất do bước vào mua thu hoạch trái cây, rau củ và thực phẩm đông lạnh.
Chiếc máy bay của China Eastern Airlines mang 76 tấn anh đào tươi từ quốc gia Nam Mỹ đến Trung Quốc ngày 20/11 vừa qua. Nguồn: chinadaily.com.cn
|
Không chỉ nhanh mà còn “xanh”
Mảng cung cấp dịch vụ chuỗi lạnh phát triển kéo theo sự tăng trưởng của thị trường xe tải đông lạnh. Đây là hạ tầng quan trọng quyết định năng lực vận chuyển và chất lượng của cả chuỗi, bởi nó phải kiểm soát và đảm bảo nhiệt độ khi vận chuyển hàng tươi sống. Bằng chứng là doanh số xe tải đông lạnh của Trung Quốc vẫn đang tăng đều đặn và liên tục từ năm 2016 đến nay khi nhu cầu về logistics chuỗi lạnh đi lên. Không gian phát triển thị trường xe này, vốn dĩ được xem là “ngách”, theo đó dần được mở rộng.
Báo cáo cho thấy, Chính phủ Trung Quốc không chỉ quan tâm phát triển chuỗi cung ứng hàng tươi sống mà còn muốn đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển đổi xanh, hướng đến mục tiêu carbon thấp.
Thông qua các khoản trợ cấp, chính quyền nước này đã giúp doanh số xe tải lạnh sử dụng năng lượng mới tăng hơn 230% so với cùng kỳ sau 3 quý đầu năm nay, đồng thời thiết lập mức tăng khối lượng bán hàng 9 năm liên tiếp. Tỷ lệ thay thế bằng xe tải lạnh nhiên liệu sạch đã tăng mạnh ở các đô thị lớn, trong đó xe chạy điện 100% chiếm 70% thị phần.
Nhiều chính sách ưu đãi khác cũng đã được đề ra, bao gồm xe tải đông lạnh năng lượng mới có quyền sử dụng đường lớn hơn xe tải đông lạnh truyền thống, cải thiện liên tục cơ sở hạ tầng sạc, giảm chi phí pin, trợ cấp khi đổi xe… đang dần biến xe tải đông lạnh năng lượng mới trở thành lực lượng chính trong ngành logistics chuỗi lạnh của Trung Quốc, thúc đẩy toàn ngành không chỉ đạt hiệu quả mà còn “xanh” hơn.
Dù có sự phát triển vượt bậc nhưng ngành này đang tồn tại một số hạn chế có thể trở thành bài học cho Việt Nam. Chẳng hạn, chi phí vận hành cao do đầu tư lớn vào phương tiện, cơ sở hạ tầng và công nghệ bảo quản; phối hợp giữa các thành phần trong chuỗi để đảm bảo chất lượng còn kém; và vẫn đang phải phụ thuộc nhiều vào chính sách của chính phủ.
Theo quan điểm của Bộ Công Thương, sắp tới đây, các yếu tố cao cấp, thông minh và xanh sẽ là hướng phát triển quan trọng không riêng thị trường xe tải đông lạnh mà cả ngành logistics của Việt Nam. Vì vậy, cần có sự chuẩn bị, học hỏi kinh nghiệm hoặc hợp tác với đối tác từ Trung Quốc để đón đầu các cơ hội mới trong chuỗi cung ứng xuyên biên giới đang trên đà bùng nổ.
Tử Kính