Doanh nghiệp sản xuất tinh bột sắn đứt chuỗi doanh thu kỷ lục 5 năm liên tiếp
Dù hưởng lợi nhờ giá sắn xuất khẩu đạt mức cao nhất 6 năm nhưng kết quả kinh doanh năm 2023 của Nông sản Thực phẩm Quảng Ngãi (APFCO) vẫn không khả quan như kỳ vọng.
Ảnh minh họa
|
Giá sắn xuất khẩu đạt mức cao nhất trong 6 năm
Sau năm 2022 bùng nổ, ngành sắn ghi nhận đà giảm tốc với giá trị xuất khẩu cả năm 2023 sụt giảm. Cụ thể, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam đạt 2.95 triệu tấn, trị giá 1.3 tỷ USD, giảm 9.1% về lượng và giảm 7.3% về trị giá so với năm 2022.
Dù vậy, giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn đạt mức cao nhất kể từ năm 2018 đến nay, đạt 441.5 USD/tấn, tăng 2.1% so với năm 2022.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, nhu cầu sắn và các sản phẩm từ sắn của Trung Quốc chậm lại trong mấy tháng gần đây đã ảnh hưởng đến xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Tuy nhiên, đây vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất của nước ta, chiếm 91.52% về lượng và chiếm 90.99% về trị giá.
Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu
|
Doanh nghiệp sản xuất tinh bột sắn kinh doanh ra sao?
Hiện, nhóm ngành tinh bột sắn trên sàn chứng khoán có 2 doanh nghiệp đang sản xuất và xuất khẩu mặt hàng này gồm CTCP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi (APFCO, UPCoM: APF) và CTCP Nông Lâm sản thực phẩm Yên Bái (HNX: CAP).
CAP đã công bố BCTC quý 1 niên độ 2023-2024 (từ 01/10-31/12/2023), với doanh thu thuần 186 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Tinh bột sắn trở thành mảng duy nhất tăng trưởng dương của Doanh nghiệp, mang về 100 tỷ đồng doanh thu, tăng 92%. Tính chung cả năm 2023, nguồn thu từ sản phẩm này đạt 347 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2022.
*Công ty bán vàng mã thất thu 2023, chờ cú hích mùa cao điểm Tết Nguyên đán
Còn APFCO vừa công bố BCTC hợp nhất quý 4/2023, ghi nhận doanh thu thuần 2,085 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ. Doanh thu giảm nhưng giá vốn lại tăng khiến biên lãi gộp co hẹp từ 14% xuống còn 7%.
Kỳ này, doanh thu tài chính tăng 60% lên 31 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính giảm còn 23 tỷ đồng. Các khoản chi phí bán hàng và chi phí quản lý đều giảm, lần lượt đạt 106 tỷ đồng và 9 tỷ đồng.
Sau cùng, lãi ròng quý 4 của APF đạt 47 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh quý 4 và năm 2023 của APF (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: APF, người viết tổng hợp
|
Lũy kế cả năm 2023, APF đạt 6,451 tỷ đồng doanh thu thuần và 171 tỷ đồng lãi ròng, giảm lần lượt 10% và 53% so với năm 2022. Doanh nghiệp chính thức đứt chuỗi doanh thu kỷ lục từ năm 2018 (tức 5 năm liên tiếp).
Dù “hụt hơi” so với năm trước nhưng cần lưu ý rằng mức nền năm 2022 của APF là rất cao, với doanh thu và lợi nhuận đều ở mức kỷ lục nhờ hưởng lợi từ xu hướng tăng trưởng của xuất khẩu sắn - mặt hàng nông sản xuất khẩu "tỷ đô" của Việt Nam.
APF đứng trên đỉnh doanh thu và lợi nhuận năm 2022 |
Năm 2023, APF đặt mục tiêu thận trọng với doanh thu 6,600 tỷ đồng và lãi ròng 270 tỷ đồng, giảm lần lượt 8% và 26% so với năm trước. Với kết quả đạt được, Công ty đã thực hiện 97% chỉ tiêu doanh thu và 63% kế hoạch lợi nhuận năm.
Trong diễn biến liên quan, HĐQT APF vừa thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024, với tổng doanh thu dự kiến đạt 6,700 tỷ đồng và lãi ròng 230 tỷ đồng, tăng lần lượt 4% và 26% so với thực hiện năm 2023.
Ngày 23/02 tới, APF dự kiến chi 52 tỷ đồng tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 cho cổ đông với tỷ lệ 20% (2,000 đồng/cp). Ngày giao dịch không hưởng quyền là 24/01/2024. Hiện, Chủ tịch HĐQT Võ Văn Danh đang nắm giữ 5.77% vốn, tương ứng nhận về gần 3 tỷ đồng. Năm 2023, Công ty dự kiến trả cổ tức ở mức từ 40-50%. Như vậy, APF sẽ còn ít nhất 1 đợt trả cổ tức nữa mới hoàn thành kế hoạch. |
Thế Mạnh