Dầu thực vật Sài Gòn hủy tư cách công ty đại chúng
Ngày 27/10, Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM đã quyết định thu hồi giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Dầu thực vật Sài Gòn, đồng thời UBCKNN cũng đã thông báo hủy tư cách công ty đại chúng đối với SGO kể từ ngày 02/10/2023.
Cụ thể, Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM đã quyết định thu hồi Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của CTCP Dầu thực vật Sài Gòn (UPCoM: SGO), theo đó, Công ty này đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp kể từ ngày 02/10/2023.
Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cũng đã thông báo hủy tư cách công ty đại chúng đối với SGO kể từ ngày 02/10/2023 theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư số 118/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về chào bán, phát hành chứng khoán, chào mua công khai, mua lại cổ phiếu, đăng ký công ty đại chúng và hủy tư cách công ty đại chúng.
Hiện tại, SGO đang bị đình chỉ giao dịch vì thuộc diện bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định pháp luật, thuộc trường hợp cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch theo quy định pháp luật.
SGO cũng thuộc diện hạn chế giao dịch do lỗi không họp ĐHĐCĐ thường niên hai năm tài chính gần nhất trong thời hạn tối đa kể từ thời điểm kết thúc năm tài chính; chậm nộp BCTC bán niên 2023 đã được soát xét và BCTC năm 2022 đã được kiểm toán quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải công bố thông tin theo quy định; thuộc trường hợp cổ phiếu bị hạn chế giao dịch theo quy định pháp luật. Theo đó, cổ phiếu SGO chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần kể từ ngày cổ phiếu được đưa ra khỏi diện bị đình chỉ giao dịch.
Theo dữ liệu trên HNX cũng như trang web của công ty, SGO mới chỉ công bố BCTC quý 4/2018 với doanh thu thuần vỏn vẹn 29.2 triệu đồng, bằng chưa đến 0.1% cùng kỳ; lỗ ròng 30.3 triệu đồng trong khi cùng kỳ lỗ 250 triệu đồng. Lũy kế năm 2018, doanh thu thuần SGO gần 13 tỷ đồng, giảm hơn 84%; lỗ ròng gần 346 triệu đồng trong khi cùng kỳ có lãi hơn 998 triệu đồng. Trong suốt giai đoạn trước đó, kết quả kinh doanh của SGO cũng liên tục sụt giảm, đặc biệt sau khi thoái toàn bộ vốn tại Công ty TNHH Phúc Quang – Hồng Anh trong năm 2017.
Diễn biến kết quả kinh doanh của SGO giai đoạn 2013 - 2018 | ||
Tại thời điểm cuối năm 2018, tổng tài sản SGO hơn 266 tỷ đồng, trong đó hơn 70% tài sản (tương đương gần 188 tỷ đồng) là các khoản đầu tư tài chính dài hạn. Cụ thể bao gồm khoản đầu tư vào Công ty TNHH Quốc tế Công nghệ cao trị giá 90 tỷ đồng, đầu tư vào CTCP Đầu tư Merci Việt Nam trị giá 77.53 tỷ đồng và đầu tư vào CTCP Công nghệ Khai khoáng trị giá 20 tỷ đồng.
CTCP Dầu thực vật Sài Gòn thành lập vào ngày 08/02/2010 với vốn điều lệ ban đầu là một tỷ đồng; gồm các ngành nghề sản xuất kinh doanh chính là trồng cây có hạt chứa dầu, chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản; sản xuất dầu, mỡ động, thực vật…
Để phát triển mở rộng hoạt động kinh doanh, năm 2014, thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, Công ty tăng vốn điều lệ lên 100 tỷ đồng để xây dựng nhà máy chế biến dầu thực vật tại Vĩnh Long và đầu tư vào Công ty TNHH Phúc Quang – Hồng Anh. Tuy nhiên dự án đã ngừng triển khai từ lâu.
Tháng 02/2015, cũng bằng hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, Công ty tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 200 tỷ đồng nhằm nâng tỷ lệ sở hữu tại Phúc Quang – Hồng Anh, đồng thời hợp tác kinh doanh dự án xay xát lúa và xử lý cám gạo tại Bắc Ninh với Phúc Quang – Hồng Anh và bổ sung nguồn vốn kinh doanh cho Công ty. Tại thời điểm đó, SGO sở hữu 47.5% vốn tại Phúc Quang – Hồng Anh, tương đương 95 tỷ đồng.
Tháng 03/2015, Công ty tổ chức ĐHĐCĐ thường niên quyết định niêm yết cổ phiếu lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Đến tháng 12 cùng năm, Công ty chính thức niêm yết trên HNX với mã chứng khoán SGO.
SGO chuyên hoạt động thương mại, kinh doanh các sản phẩm trong lĩnh vực dầu ăn như dầu cọ Olein, dầu thực vật và Shortening. Hoạt động kinh doanh chính của SGO cũng liên quan mật thiết với Phúc Quang – Hồng Anh khi Công ty chuyên cung cấp nguyên liệu đầu vào để sản xuất dầu thực vật mang thương hiệu Tràng An. Doanh thu của SGO cũng gần như phụ thuộc hoàn toàn vào việc cung cấp nguyên liệu này.
Một số hình ảnh sản phẩm trên thị trường của Công ty TNHH Phúc Quang - Hồng Anh
|
Tuy nhiên, năm 2017, SGO đã chuyển nhượng toàn bộ vốn nắm giữ tại Công ty TNHH Phúc Quang - Hồng Anh cho ông Lê Thiên Thạch – Chủ tịch HĐTV Phúc Quang - Hồng Anh và cũng là Thành viên HĐQT của SGO khi đó. Sau chuyển nhượng, kết quả kinh doanh của SGO sụt giảm thấy rõ.
Sau khi SGO thoái vốn cũng là thời gian Phúc Quang – Hồng Anh nhận thủ tục Quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án nhân dân TP. Hà Nội vào tháng 07/2018. Danh sách chủ nợ vụ phá sản của công ty thời điểm đó cho thấy Công ty TNHH MTV Quản lý Tài sản của Các Tổ chức Tín dụng (VAMC) là chủ nợ lớn nhất với nợ có bảo đảm là hơn 123 tỷ đồng, nợ không có bảo đảm hơn 295 tỷ đồng; ngoài ra còn có Vietcombank 82.8 tỷ đồng; CTCP Xuất nhập khẩu Tạp phẩm 22.5 tỷ đồng; CTCP Vinacafe Miền Bắc 14.4 tỷ đồng… Đến tháng 10/2018, Công ty nhận quyết định giải thể doanh nghiệp từ Phòng Đăng ký kinh doanh TP. Hà Nội.
* SGO: Ẩn số “nồi cơm” Phúc Quang – Hồng Anh
Người đại diện pháp luật của SGO thời gian qua là ông Đặng Việt Hoàng, sinh năm 1988, thường trú tại Hà Nội. Theo tìm hiểu, ông Hoàng bắt đầu đảm nhiệm vị trí Giám đốc tại SGO vào tháng 03/2018, đến tháng 7 cùng năm, ông Hoàng được bầu vào Thành viên HĐQT. Ngoài SGO, ông Hoàng còn được biết đến với vai trò đại diện pháp luật tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Việt Nam Á và CTCP Tư vấn Quản lý Đầu tư và Phát triển Kinh tế Hoàng Gia.
Tư vấn quản lý Đầu tư và Phát triển Kinh tế Hoàng Gia được thành lập vào ngày 24/07/2013 dưới hình thức công ty TNHH. Tháng 12/2016, Công ty nâng vốn điều lệ từ 1.2 tỷ đồng lên 9 tỷ đồng, cơ cấu sở hữu bao gồm ông Chu Trường Giang nắm giữ 70% vốn, bà Nguyễn Thị Ánh Diệp nắm giữ 20% vốn và ông Lê Quốc Lương nắm giữ 10% vốn. Công ty có ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất phần mềm, do ông Nguyễn Phi Hùng làm Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật, trụ sở đặt tại số 55 Cửu Long, phường 15, quận 10, TPHCM. Tháng 07/2017, bà Nguyễn Thị Ánh Diệp thay thế vị trí ông Nguyễn Phi Hùng. Tháng 03/2018, Công ty chính thức thay đổi loại hình thành công ty cổ phần (CTCP), tăng vốn điều lệ lên 20 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông có nhiều biến động, xuất hiện nhứng cái tên mới bao gồm ông Đặng Việt Hoàng sở hữu 20% vốn, ông Vũ Tuấn Anh sở hữu 20% vốn và cái tên cũ duy nhất là ông Lê Quốc Lương sở hữu 10% vốn. Theo đó, ông Đặng Việt Hoàng cũng đánh dấu sự xuất hiện của mình với vai trò Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật. Đến tháng 06/2018, Công ty di dời trụ sở về tầng 19, tòa nhà Indochina, số 4 đường Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1, TPHCM. Còn đối với Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Việt Nam Á, Công ty này thành lập vào ngày 06/01/2012. Tháng 08/2014, Công ty nâng vốn điều lệ từ 600 triệu đồng lên 1.9 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được tiết lộ. Ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn kim loại và quặng kim loại (sắt, thép, inox, bulon, ốc, đinh vít, xích). Người đại diện pháp luật khi đó là bà Đỗ Thị Hạnh, trụ sở chính Công ty đặt tại số 528/6B Phạm Văn Chí, phường 8, quận 6, TPHCM. Tháng 12/2017, ông Đặng Việt Hoàng bắt đầu xuất hiện tại Công ty với vai trò chủ doanh nghiệp, Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật để thay thế cho bà Hạnh. Công ty cũng được di dời trụ sở về số 18A đường số 19, phường Hiệp Bình Chánh, TP. Thủ Đức, TPHCM. |
Huy Khải