Công nghệ hiện đại trước cuộc “đại di dời” của ngành chăn nuôi heo
Kể từ 1/1/2025, Luật Chăn nuôi mới chính thức có hiệu lực, mở ra một cuộc đại di dời khi hàng chục ngàn cơ sở chăn nuôi trên cả nước có thể phải ngừng hoạt động. Cùng với đó, nhóm doanh nghiệp chăn nuôi heo công nghiệp có cơ hội để bước vào cuộc chiến lớn giành thị phần. Chỉ là, cuộc chiến ấy dành riêng cho những bên đã có sự chuẩn bị kỹ càng.
Luật Chăn nuôi 2018, có hiệu lực từ 2020, nghiêm cấm hành vi chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư. Các địa phương có 5 năm kể từ khi luật có hiệu lực để di dời cơ sở chăn nuôi không phù hợp. Nói cách khác, Luật sẽ chính thức được thực thi vào 1/1/2025.
Cuộc “đại di dời” của ngành chăn nuôi heo
Luật Chăn nuôi 2018 chính thức bước vào cuộc sống với những quy định nghiêm ngặt hơn về điều kiện chăn nuôi, quản lý dịch bệnh, môi trường… Cùng với đó, Luật yêu cầu cơ sở chăn nuôi phải tuân thủ quy định về khoảng cách với khu dân cư, mật độ chăn nuôi, kiểm soát tốt thức ăn chăn nuôi…
Một cuộc “đại di dời” vì thế đã và sẽ diễn ra trong ngành chăn nuôi heo, khi hàng chục ngàn cơ sở chăn nuôi hoặc phải rời khỏi khu vực dân cư, hoặc phải ngừng hoạt động.
Thực tế, từ đầu năm 2024, một số tỉnh thành đã đón đầu câu chuyện một cách quyết liệt. Đơn cử, tỉnh Đồng Nai đã đẩy mạnh di dời với số lượng khoảng 3,000 trang trại, trong đó gần 1.6 ngàn cơ sở đã di dời tính đến tháng 7/2024. Tương tự, Hà Nội với gần 2.6 ngàn hộ chăn nuôi nằm trong diện di dời cũng đang phải thực hiện mạnh mẽ, theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội.
Kể từ 1/1/2025, hàng chục ngàn trang trại sẽ phải di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Ảnh minh họa
|
Tuy nhiên, để hoàn tất câu chuyện này không đơn giản. Việc bố trí quỹ đất và thủ tục liên quan đến chính sách di dời được đánh giá là khó triển khai vì nhiều vướng mắc trong thủ tục, xa nơi ở của người chăn nuôi. Đặc biệt, nhiều trường hợp chưa thể đi vì nguồn đất không còn. Trong bối cảnh chỉ còn gần 2 tháng trước “giờ G”, nhiều nông hộ đối mặt với rủi ro buộc phải ngừng hoạt động.
Trao đổi với người viết, đại diện từ CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (HOSE: BAF) cũng nhận định: cuộc “đại di dời” sẽ gây ảnh hưởng lớn đến toàn ngành, đặc biệt là câu chuyện tăng đàn, phát triển và duy trì đàn. Bởi lẽ, muốn di dời thì phải có đất, dự án mới; mà để đủ điều kiện để được cấp phép thì phải đảm bảo rất nhiều điều kiện về môi trường, an toàn sinh học, vệ sinh thú y.
“Không dễ gì để có lượng trang trại mới bù đắp cho các đơn vị bị di dời. Các trại tư nhân, nhà họ ở đó, không thể đi mà dễ dàng mua được miếng đất chỗ khác xây. Khi không có trại mới thay thế, họ buộc phải ngưng lại” - trích lời vị đại diện.
Từ đây dẫn đến câu chuyện về đàn. Chia sẻ từ vị đại diện, để xây dựng và phục hồi một trang trại có thể mất 3-5 năm để chuẩn bị - từ mua đất, xin giấy phép, xây dựng, chuẩn bị cơ sở vật chất… Bên cạnh đó, từ năm 2021, các trang trại chăn nuôi xây dựng đều phải có giấy phép về môi trường, bao gồm giấy phép xả thải, khai thác nước ngầm. Đây có thể là rào cản đáng kể, khi chi phí đầu tư cho trang trại đủ điều kiện chăn nuôi là không hề nhỏ.
Nguồn cung heo có đi xuống?
Chủ tịch BAF Trương Sỹ Bá từng nhận định: các hộ nhỏ lẻ là nhóm chiếm nhiều thị phần nhất của ngành chăn nuôi heo, lên tới 70% ở thời điểm năm 2018, trước khi dịch tả heo châu Phi (ASF) đổ bộ. Sau này, tỷ lệ giảm xuống vì nhiều nguyên nhân, nhưng nhóm này vẫn chiếm số đông và được cho là nhóm có khả năng quyết định giá.
Dựa trên nhận định này, việc các nông hộ phải di dời khi Luật chăn nuôi có hiệu lực nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng phần nào tới nguồn cung heo. Đại diện BAF cho biết, các cuộc di dời từ đầu năm 2024 tại Đồng Nai đã có ảnh hưởng về cơ cấu, quy mô đàn của nhiều đơn vị.
Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, nguồn cung heo ra thị trường đã có dấu hiệu giảm sút khi sản lượng thức ăn chăn nuôi heo đi xuống khá mạnh giai đoạn gần đây. Theo số liệu từ AgroMonitor, tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi trung bình 2022-2024 trên cả nước rơi vào khoảng 22 triệu tấn, trong đó trên 50% là cám heo. Tuy nhiên, năm 2023, lượng cám heo chỉ đạt gần 11 triệu tấn, đến năm 2024 còn 8.7 triệu tấn, thấp hơn 20% so với năm trước.
Nguồn: AgroMonitor
|
Sản lượng thức ăn chăn nuôi đi xuống cũng cho thấy lượng heo xuất bán đi lùi, ước tính khoảng 8-12%. Nguyên nhân chủ yếu là từ dịch bệnh ASF. Như Chủ tịch Dabaco (HOSE: DBC) Nguyễn Như So từng nhận xét: ASF là câu chuyện nghiêm trọng với ngành chăn nuôi trong nước suốt 5 năm qua. Tính riêng từ đầu năm 2024, cả nước xuất hiện trên 660 ổ dịch bệnh tại 44 tỉnh, thành phố; buộc phải tiêu hủy trên 42 ngàn con.
Cùng với đó, hệ quả của cơn bão Yagi gây lũ lụt tại miền Bắc giai đoạn cuối tháng 9 cũng gây ảnh hưởng to lớn. Nhiều trang trại bị ngập lụt, hỏng hóc, thậm chí sập và phải xây mới. Việc khai thác lại vì thế trở nên khó khăn hơn. Đại diện BAF cho rằng, riêng việc sửa chữa hoặc xây dựng lại trang trại có thể phải mất 6 tháng đến 1 năm, chưa tính đến nguồn lực còn lại để khai thác heo, xây dựng đàn là không nhiều, đặc biệt là với nhóm nhỏ lẻ.
“Quy định từ Luật chăn nuôi cộng với ảnh hưởng của lũ lụt, thiên tai, dịch ASF hiện nay cho thấy tình hình rất phức tạp. Rất nhiều trại giống của các đơn vị và doanh nghiệp lớn khác bị ảnh hưởng. Đầu năm 2024, nhiều đơn vị nhập heo cụ, kỵ về, nghĩa là chính đàn này chịu ảnh hưởng. Từ heo cụ, kỵ ra được heo thương phẩm phải mất khoảng 2.5-3 năm. Nói cách khác, nhiều bên sẽ chưa thể tham gia thị trường quá mạnh vào năm 2025, có thể phải sang 2026. Về cơ bản, trong 6 tháng đầu năm tới, nguồn cung sẽ bị thiếu” - theo lời vị đại diện.
Cuộc chiến dành cho những người đã chuẩn bị
Nguồn cung giảm đi dưới tác động của thiên tai, dịch bệnh, cùng khoảng trống thị trường mà nhóm chăn nuôi nhỏ lẻ để lại trong cuộc “đại di dời” cũng tạo ra cơ hội để ngành chăn nuôi heo công nghiệp bứt phá. Các doanh nghiệp chăn nuôi đang bước vào cuộc chiến giành thị phần; tuy nhiên, chỉ dành cho những bên đã có sự chuẩn bị.
Sự chuẩn bị bao gồm nhiều yếu tố, gồm tổng đàn, mô hình chăn nuôi khép kín đảm bảo an toàn sinh học, chuồng trại tuân thủ phát triển bền vững... Nhưng quan trọng hơn cả là phải sở hữu công nghệ đủ để đáp ứng các tiêu chuẩn mới. Trên thị trường, một số cái tên nổi bật trong câu chuyện này có thể kể đến như Dabaco, Greenfeed (CTCP GREENFEED Việt Nam) hay BAF.
Một trang trại của Dabaco
|
Dabaco là một trong số các đơn vị theo đuổi mô hình chăn nuôi khép kín 3F (Feed-Farm-Food). Chủ tịch Nguyễn Như So từng chia sẻ, Dabaco đặt mô hình này là những mắt xích quan trọng, tập trung đầu tư cả về hạ tầng và công nghệ, đi từ sản xuất thức ăn chăn nuôi đến các chuồng trại. Hệ thống xả thải cũng được đầu tư theo định hướng phát triển xanh, có hệ thống Biogas, nhà máy xử lý chất thải, nhà máy phân bón hữu cơ xử lý được mầm bệnh, đảm bảo quy chuẩn chăn nuôi xanh. Ngoài ra, Dabaco có lợi thế với nghiên cứu vaccine dịch ASF, được ông So tiết lộ là cho kết quả ban đầu rất khả quan.
Hình ảnh tại trang trại của Greenfeed (Ảnh: Báo cáo phát triển bền vững 2023)
|
Tương tự, Greenfeed là một trong những đơn vị chú trọng phát triển bền vững. Theo báo cáo công bố năm 2023, Greenfeed sở hữu các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và chuồng trại được áp dụng công nghệ, giải pháp tiết kiệm năng lượng, tài nguyên nước, giảm khí nhà kính… Trong đó, Doanh nghiệp công bố hợp tác với GSI - tên tuổi lớn trong mảng cung cấp thiết bị, công nghệ chăn nuôi - để tiếp nhận các công nghệ, thiết bị phục vụ hệ thống trại, đồng bộ trong vận hành và khép kín chuỗi chăn nuôi theo mô hình 3F.
Câu chuyện của BAF cũng tỏ ra nổi bật. Từ một doanh nghiệp non trẻ (thành lập năm 2017), thành viên của Tập đoàn Tân Long giờ đây là một trong những đơn vị chăn nuôi heo top đầu cả nước, được xem là đối trọng sòng phẳng với “trùm chăn nuôi” Dabaco về quy mô đàn và tiềm năng. Trước xu thế tất yếu là phát triển bền vững, BAF cũng theo đuổi mô hình 3F ngay từ ngày đầu. Đồng thời, Doanh nghiệp có lợi thế khi đang trong quá trình mở rộng quy mô, có thể áp dụng công nghệ hiện đại một cách đồng bộ.
Một số hình ảnh tại trang trại của BAF
|
Gần đây, BAF còn gây chú ý với thương vụ ký kết hợp tác cùng Tập đoàn Muyuan - đơn vị chăn nuôi heo quy mô lớn nhất thế giới (theo danh sách World’s Mega Producer 2024) - nhằm chuyển giao công nghệ và thiết bị chăn nuôi, cũng như tích hợp AI (trí tuệ nhân tạo) vào vận hành. Trên thực tế, từ trước khi hợp tác cùng Muyuan, BAF đã áp dụng nhiều công nghệ hiện đại trong chuỗi chăn nuôi - từ hệ thống cho ăn tự động, mô hình kiểm soát tiểu khí hậu chuồng nuôi, hệ thống xử lý chất thải… Tuy nhiên, đại diện BAF tiết lộ, với sự tham gia của Muyuan, các công nghệ sẽ “được nâng cấp mạnh mẽ”.
Các thông tin cơ bản về Muyuan
|
“Các công nghệ từ Muyuan sẽ được tận dụng để tăng năng suất chăn nuôi và giảm rủi ro dịch bệnh. Chuồng trại sẽ được thiết kế tối ưu, trang trại tiết kiệm diện tích. Thiết bị cho ăn sẽ được tính toán chính xác theo đúng nhu cầu của heo, giảm bớt hao hụt, tiêu tốn ít thức ăn trên 1kg tăng trọng hơn. Công nghệ tiêm không kim giúp giảm thời gian tiêm vaccine cho heo từ 3 phút còn… vài giây. Các hệ thống xử lý mùi, nước thải, tạo phân bón, kiểm soát an toàn dịch bệnh… cũng sẽ được áp dụng theo tiêu chuẩn của Muyuan” - theo đại diện Doanh nghiệp.
Cần nhớ rằng hiện đại luôn… hại điện. Sự thật là công nghệ càng cao, chi phí đầu tư càng lớn. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại cũng phần nào cho thấy sự đánh đổi là xứng đáng. Dabaco đã có kỳ kinh doanh ấn tượng với khoản lợi nhuận hơn 312 tỷ đồng trong quý 3/2024, gấp 25 lần cùng kỳ. Greenfeed trải qua năm 2023 với 437 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng trưởng 4.9% so với năm trước. Còn 9 tháng đầu 2024 của BAF mang về 214 tỷ đồng lãi ròng, gấp 4 lần cùng kỳ.
“Chi phí cao nhưng để giúp sản xuất nâng cao hơn về mặt năng suất, đảm bảo an toàn sinh học hơn thì sự đầu tư đó là xứng đáng. Các trang trại của hệ thống hầu hết là trại hiện đại và mới nên việc đầu tư thêm sẽ tăng giá trị cho trang trại đang hoạt động. Còn như các trang trại mới hoàn toàn, chúng tôi đầu tư ngay từ đầu thì chi phí đó hợp lý” - trích lời đại diện BAF.
Châu An