Chuyên gia VPBankS: Phí môi giới và tự doanh cổ phiếu sẽ giúp công ty chứng khoán bứt phá lợi nhuận
Điều tạo ra sự đột phá lợi nhuận cho các công ty chứng khoán đến từ phí môi giới và khoản đầu tư cổ phiếu, hay các dịch vụ khác như IB, bảo lãnh phát hành,... nếu thị trường phục hồi trở lại trong năm 2025.
Đó là nhận định của ông Đào Hồng Dương - Giám đốc Phân tích Ngành và Cổ phiếu CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS) - trong chương trình Khớp lệnh ngày 17/12/2024 với chủ đề Triển vọng thị trường chứng khoán 2025.
Tính chất hoạt động của các công ty chứng khoán hiện tại được ông Dương đánh giá là khác rất nhiều so với cách đây 3 năm. Trước năm 2021, lợi nhuận gần như đồng biến với thanh khoản thị trường và diễn biến VN-Index, bởi chỉ đến từ 2 nguồn chính là phí môi giới và tự doanh, tức nếu đầu tư nhiều vào cổ phiếu thì lợi nhuận lên xuống theo thị trường.
Ở giai đoạn sau đó, các đơn vị tham gia thị trường đã tăng quy mô rất nhiều, cấu phần lợi nhuận không đến từ môi giới nhiều nữa mà thay vào đó là cho vay margin, cổ tức và tiền lãi được chia từ tài sản tài chính. Trong đó, cổ tức và tiền lãi được chia từ tài sản tài chính đến từ những khoản đầu tư không mang tính chất biến động ngắn hạn như cổ phiếu mà đến từ thu nhập cố định như chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp.
Theo ông Dương, nền lợi nhuận ổn định của các công ty chứng khoán sẽ phụ thuộc vào margin và quy mô tài sản tài chính của doanh nghiệp niêm yết trên thị trường.
Cấu phần margin của các công ty là khác nhau, những đơn vị có thị phần bán lẻ môi giới lớn như VPSS, VNDirect, HSC, MBS thì margin trồi sụt theo nhu cầu thị trường, do đó dễ có biến động lớn hơn phần còn lại.
Với các đơn vị cân bằng giữa dịch vụ môi giới và cung cấp margin cho khách hàng cá nhân, tổ chức, hiện tại cũng đã nhiều bên đạt đến giới hạn pháp định (gấp đôi vốn chủ sở hữu) như MBS, HSC. Cuối cùng, những đơn vị có ngân hàng mẹ đứng sau hay có quy mô lớn như SSI, TCBS cũng đã chạm giới hạn.
Ông Dương đánh giá thị trường margin có trồi sụt nhưng dự báo vẫn ổn định trên 200 ngàn tỷ đồng trong năm 2025 và tạo nền lợi nhuận ổn định cho các công ty chứng khoán.
Nguồn: VPBankS
|
Về chênh lệch giá trị tài sản tài chính, khoản đầu tư vào các tài sản có thu nhập cố định chịu ảnh hưởng nhiều bởi lãi suất, trong khi dự báo nền lãi suất năm 2025 không có biến động lớn, qua đó cũng tạo ra nguồn thu ổn định.
Nguồn: VTV Money
|
Còn lại, phần tạo ra sự đột phá lợi nhuận đến từ phí môi giới và khoản đầu tư cổ phiếu, hay dịch vụ khác như IB, bão lãnh phát hành,… nếu thị trường phục hồi trở lại trong năm 2025.
Dự báo kết thúc năm 2024, quy mô lãi sau thuế ngành chứng khoán đạt 23,081 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2023. Nhìn về năm 2025, VPBankS đưa ra con số 26,588 tỷ đồng lãi sau thuế, tương ứng mức tăng 15% so với dự phóng năm 2024.
Huy Khải