Chiến lược đầu tư và chọn lựa ngành nào cho năm 2025?
Theo ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường Chứng khoán VPBank (VPBankS), thanh khoản thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2025 sẽ có xu hướng thấp ở đầu năm nhưng tăng rất cao ở cuối năm. Về các cơ hội đầu tư, nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản công nghiệp và dầu khí được dự báo có nhiều tiềm năng hấp dẫn.
Kịch bản thanh khoản đối lập năm 2024
Chuyên gia VPBankS cho rằng, trong năm 2024, giai đoạn thanh khoản cao nhất là 6 tháng đầu năm với những kỳ vọng vào việc nâng hạng thị trường, tăng trưởng kinh tế cao và xuất nhập khẩu tốt. Thanh khoản chỉ sụt giảm từ giữa tháng 7, phần lớn ảnh hưởng đến từ tỷ giá cũng như khối ngoại rút ròng, trong khi nhà đầu tư nội tỏ ra thận trọng. Nhìn chung, thanh khoản trung bình toàn thị trường trong cả năm 2024 không hề thấp.
Dự báo trong khoảng 3 - 6 tháng tới, thanh khoản có thể đi ngang, chưa rõ ràng. Nhưng kể từ sau giai đoạn quý 2 sẽ bắt đầu tăng tương đối cao.
"Nếu xu hướng thanh khoản 2024 là tăng ở đầu năm, giảm về cuối năm thì thanh khoản 2025 sẽ ngược lại, tương ứng thấp ở đầu năm nhưng tăng rất cao ở cuối năm", ông Sơn nhận định.
Động lực nằm ở khả năng nâng hạng thị trường đã rõ ràng. Ở các nước khác trước khi nâng hạng, khối ngoại thường mua trước từ khoảng 3 tháng. Do đó, trước tháng 9/2025 (thời điểm FTSE Russell đưa ra quyết định), thanh khoản thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tăng rất đáng kể, kéo dài đến đầu năm 2026.
Ngân hàng, chứng khoán, bất động sản công nghiệp và dầu khí hấp dẫn cho năm 2025
Trong năm 2024, điểm nhấn chính là nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh mẽ, tập trung vào nhóm cổ phiếu liên quan đến chỉ số, khiến nhóm này tăng chậm lại. Trong khi đó, xu hướng dòng tiền trong nước là lựa chọn cổ phiếu Midcap và Penny, giúp các nhóm này có những nhịp tăng rất mạnh, thậm chí có nhóm cổ phiếu tăng trên 100%.
Chuyên gia VPBankS nhận định diễn biến nửa đầu năm 2025 vẫn tương đối khó khăn do còn khá nhiều nhiễu động phía trước. Tuy nhiên, ở giai đoạn nửa cuối năm, nhà đầu tư nên tập trung vào nhóm Bluechip, bởi thị trường sẽ hướng đến giai đoạn mới gắn với việc được nâng hạng và nhà đầu tư nước ngoài sẽ chọn những nhóm cổ phiếu lớn, nằm trong các nhóm chỉ số.
Ông Sơn đánh giá, ngân hàng và chứng khoán là hai nhóm rất hấp dẫn trong năm 2025. Riêng với ngân hàng, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận dự kiến trong năm 2025 tiếp tục khoảng 17.7%, còn chứng khoán tăng khoảng 15%. Với động lực tăng trưởng như vậy, hai nhóm này sẽ thu hút dòng tiền, đặc biệt nếu trong năm 2025 thị trường có những nhịp điều chỉnh sâu thì nhà đầu tư sẽ có cơ hội mua cổ phiếu với định giá hấp dẫn.
Nhóm ngành thứ ba tiếp tục hấp dẫn là bất động sản khu công nghiệp. Việt Nam đang đầu tư hạ tầng bài bản với đường cao tốc được khai thông liên tục sẽ giúp nhận được những đánh giá rất cao của nhà đầu tư FDI.
Cuối cùng, nhóm dầu khí cũng có thể tăng trưởng tốt. Nhìn lại năm 2024, nhóm dầu khí cũng có sức bật tương đối rõ, tuy nhiên lại diễn ra khá chóng vánh, liên quan phần lớn đến thông tin dự án của lô B - Ô Môn.
Trong năm 2025, kinh tế Việt Nam tăng trưởng, đẩy mạnh khai thác dự án, mỏ dầu mới vẫn có thể là tiêu điểm với cổ phiếu dầu khí, nhất là sau khi nhiều cổ phiếu đã có sự điều chỉnh về giá.
Ngoài ra, nhóm phân bón, hóa chất vẫn tiềm năng bởi thuế GTGT đầu vào liên quan đến ngành phân bón đã được áp dụng. Hay nhóm điện khả năng tích cực vì đã chuyển từ El Nino sang La Lina, do đó, khó khăn về mùa khô đã giảm bớt.
"Nhìn về năm 2025, hành trang đầu tiên mà nhà đầu tư nên mang sang là sự lạc quan, qua đó giúp sẵn sàng đón nhận nhiều cơ hội, tránh được thách thức trong nửa đầu năm", ông Sơn chia sẻ.
Ở giai đoạn nửa đầu năm, có thể thách thức sẽ vẫn còn, nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng cổ phiếu và tiền mặt là 50:50. Sau đó, khi đã có những nhịp điều chỉnh sâu thì sẽ là cơ hội tăng tỷ trọng, hướng đến việc hưởng lợi từ những câu chuyện lớn, có thể duy trì 100% cổ phiếu hoặc margin cao.
Huy Khải