Tin tức
Các sàn TMĐT khắc phục điểm yếu của năm 2021 ra sao?

Các sàn TMĐT khắc phục điểm yếu của năm 2021 ra sao?

04/06/2022

Banner PHS

Các sàn TMĐT khắc phục điểm yếu của năm 2021 ra sao?

Không chỉ là "chất xúc tác" thúc đẩy thói quen mua sắm online, Covid-19 còn chỉ ra những vướng mắc trong hoạt động logistics và chất lượng hàng hóa trên sàn TMĐT.

Hai năm trở lại đây, sự xuất hiện của Covid-19 đã thay đổi hoàn toàn thói quen tiêu dùng của người Việt. Thay vì mua sắm, thanh toán trực tiếp, tình hình dịch bệnh phức tạp và các yêu cầu hạn chế đi lại khiến người dùng tìm đến sàn TMĐT nhiều hơn.

Dữ liệu từ iPrice cho thấy tính riêng trong quý III/2021 (đợt bùng phát Covid-19 thứ 4), thị trường TMĐT Việt Nam có tổng lượt truy cập trung bình nhóm 10 trang TMĐT cao gấp 2 lần Thái Lan và gấp 3 lần Malaysia.

Tuy vậy, đại dịch cũng đặt ra câu hỏi về khả năng duy trì hoạt động logistics một cách liền mạch của các sàn TMĐT. Từ tháng 6-8/2021, tình trạng nhiều địa phương khu vực phía Nam thực hiện giãn cách xã hội khiến việc hàng hóa mắc kẹt, không thể thông suốt đã diễn ra tương đối phổ biến.

Điểm yếu của sàn TMĐT ảnh 1

hàng hóa bị ùn ứ khi cả nước siết chặt chính sách chống dịch trong đợt bùng phát thứ 4. Ảnh minh họa: Chí Hùng.

Tập trung logistics nội bộ

Chia sẻ với Zing, hầu hết sàn TMĐT hàng đầu tại thị trường Việt Nam đều ghi nhận thực trạng này trong năm ngoái. Để khắc phục, các sàn đang có xu hướng phát triển hoạt động logistics nội bộ song song việc hợp tác với các doanh nghiệp vận chuyển bên thứ 3.

Đại diện Tiki đánh giá logistics là xương sống của ngành TMĐT. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang mở cửa và hội nhập với khối lượng hàng hóa luân chuyển không ngừng tăng lên, các công ty logistics buộc phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu mới.

Trên thực tế, sàn này cho biết luôn dành ra ngân sách đầu tư rất lớn cho logistics mỗi năm và sẽ tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng trong năm nay. Tháng 7/2021, Tiki bắt đầu ứng dụng robot vào quy trình kho vận, đẩy năng suất lấy hàng lên gấp 2 lần.

Bên cạnh việc tập trung tăng cường đội ngũ giao vận riêng kết hợp với các đơn vị vận tải chiến lược, Tiki dự kiến mở rộng thêm chuỗi kho mini tích hợp kho lạnh (dark store) với mục tiêu đẩy mạnh giao hàng siêu tốc 30 phút.

Tương tự, theo Shopee, khi người dùng dần chuyển sang các nền tảng TMĐT để phục vụ nhu cầu mua sắm, các doanh nghiệp và các nhà bán hàng cần phải tận dụng tối đa công nghệ nhằm đảm bảo hàng hóa đến tay người dùng nhanh và tiết kiệm chi phí nhất.

Từ năm 2020, Shopee đã cho ra mắt mảng giao hàng nội bộ Shopee Express nhằm hỗ trợ người dùng và nhà bán hàng, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm mua sắm. Ngoài ra, sàn còn sở hữu mạng lưới đối tác vận chuyển đa dạng.

Theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM), sản lượng bưu gửi qua dịch vụ chuyển phát trong năm 2020 đã tăng 47%. Các doanh nghiệp chuyển phát hàng đầu đều có mức tăng trưởng bưu gửi từ 30-60%.

Người dùng tăng, lượng truy cập tăng, đơn hàng tăng đồng nghĩa áp lực đối với hoạt động hậu cần cũng nặng nề hơn. Do đó, sự thông suốt của logistics cũng được xem như một yếu tố có đóng góp quan trọng tới quá trình phát triển của các sàn TMĐT.

Điểm yếu của sàn TMĐT ảnh 2

Các sàn TMĐT chọn cách tự chủ hoạt động logistics song song việc phối hợp với đối tác dịch vụ bên thứ 3.

Đối thủ của hai sàn trên là Lazada tin rằng logistics nội bộ cho phép sàn kiểm soát hàng tồn kho, lựa chọn loại hình vận tải, linh hoạt trong quản lý và đảm bảo nhu cầu của khách hàng. Hiện tại, đơn vị logistics nội bộ của Lazada đã có thể chủ động giao phần lớn khối lượng đơn hàng của nền tảng và rút ngắn thời gian giao hàng.

Sàn cũng triển khai nhiều dự án ứng dụng công nghệ cho phép quản lý mạng lưới, dữ liệu, phân bổ và kiểm soát các tuyến vận chuyển, chi phí.

Đến cuối năm 2021, Lazada sở hữu hơn 400 cơ sở kho bãi, trung tâm phân loại và hợp tác với 80 doanh nghiệp hậu cần. Tổng diện tích mặt bằng các trung tâm hậu cần chiếm hơn 300.000 m2, có khả năng giao nhận hơn 80% tổng số đơn hàng trên nền tảng.

Hàng giả hàng nhái vẫn lộng hành

Số liệu của Bộ Công Thương cho biết tính riêng năm 2021, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phát hiện hơn 3.000 trường hợp kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thông qua TMĐT.

Dự kiến trong vòng 2-3 năm tới, tỷ lệ gian lận trên TMĐT có thể chiếm 50-60% tổng hình thức gian lận thương mại.

Sự cộng hưởng của Covid-19 và quá trình chuyển đổi số trong nước đã thúc đẩy hoạt động của các sàn TMĐT. Tuy nhiên cũng phát sinh ra những hoạt động gian lận thương mại, đặc biệt là sự tràn lan của hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh - ngoài làm xấu môi trường kinh doanh, méo mó sự cạnh tranh, hình ảnh doanh nghiệp, đất nước, thui chột tính hấp dẫn, sức sáng tạo và tổn hại cho người dùng, hàng giả, hàng nhái còn xói mòn nguồn thu thuế.

Thực tế, các sàn đều có biện pháp kiểm soát tình trạng này trên nền tảng. Song nạn hàng hóa kém chất lượng vẫn xuất hiện tương đối phổ biến trên một số sàn TMĐT.

Nhằm bảo vệ quyền lợi người dùng, Shopee áp dụng chính sách “Shopee đảm bảo” (các đơn hàng chỉ được thanh toán cho người bán sau khi người mua xác nhận đơn hàng được giao có trạng thái tốt) hay chính sách trả hàng và hoàn tiền nếu có vấn đề phát sinh.

Điểm yếu của sàn TMĐT ảnh 3

Hàng giả, hàng nhái vẫn có chỗ trú chân trên một số sàn TMĐT. Ảnh: QLTT.

Ngoài ra, sàn cũng trang bị chức năng báo cáo nếu người dùng nhận thấy sản phẩm/dịch vụ hoặc người bán hàng có dấu hiệu vi phạm. Đồng thời, Shopee khuyến khích người dùng mua sắm hàng hóa trên gian hàng chính hãng Shopee Mall.

Đối với Lazada, sàn yêu cầu tất cả người bán cam kết tuân thủ theo luật pháp và quy định của địa phương. Đáng chú ý, tất cả nhà bán hàng mới phải hoàn thành khóa học hướng dẫn, nâng cao nhận thức về điều khoản cũng như chính sách liên quan đến sở hữu trí tuệ.

“Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các thương hiệu đối tác, người bán và cơ quan quản lý để xác định, loại trừ các trường hợp kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Chúng tôi cũng có các hướng dẫn rõ ràng cho khách hàng và cung cấp số điện thoại đường dây nóng để thông báo bất kỳ vấn đề có liên quan, bao gồm hàng giả, hàng nhái”, Lazada chia sẻ.

Trong khi đó, Tiki cho biết người bán cần định danh gian hàng, cung cấp đầy đủ các chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa trước khi được phép đăng bán sản phẩm. Sàn cũng có hệ thống và các bộ phận chuyên môn để kiểm duyệt chất lượng sản phẩm đầu vào.

Bên cạnh hệ thống quét tự động và phát hiện các sản phẩm nghi ngờ giả mạo, Tiki đồng thời triển khai các chương trình bảo hộ thương hiệu nhằm khuyến khích người bán nâng cao khả năng tự bảo vệ.

Đối với hàng hóa có thương hiệu, Tiki phối hợp với nhãn hàng, nắm danh sách đơn vị được phép phân phối sản phẩm và tiếp nhận các báo cáo để rà soát, loại bỏ các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng hoặc chứng từ không hợp lệ.

Minh Khánh

Zing.vn

Nguồn: Vietstock Finance

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng