Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Bộ GD&ĐT chủ trương không cấm việc dạy thêm của nhà giáo
Liên quan đến ý kiến của nhiều ĐBQH về việc dạy thêm của nhà giáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chủ trương không cấm việc dạy thêm của nhà giáo nhưng cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức của nhà giáo cũng như vi phạm những nguyên tắc về chuyên môn.
Sáng 20/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo.
Nhấn mạnh ngày 20/11 là ngày đặc biệt, hạnh phúc của hơn 1 triệu thầy, cô giáo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, điều này còn đặc biệt hơn khi vào ngày này, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo.
|
Cảm ơn các ý kiến của các ĐBQH đã phát biểu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ, các ý kiến bày tỏ đều thống nhất cao, nhất trí cao về sự ủng hộ dự án Luật này, thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm đối với ngành giáo dục.
Các ý kiến ĐBQH đề nghị nên tăng thêm các nội dung chi tiết, đối tượng, từ ngữ lập pháp để đảm bảo cụ thể hơn, khả thi hơn. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, bên cạnh việc tiếp thu đầy đủ các ý kiến, một phần các nội dung này sẽ được chuyển sang các văn bản quy định tại Nghị định, Thông tư hướng dẫn. Vì đối với hoạt động của ngành giáo dục, ngoài Luật Nhà giáo, còn một luật rất quan trọng, bao trùm khác là Luật Giáo dục và rất nhiều quy định liên quan đến các hoạt động chuyên môn (như dạy học, kiểm tra, đánh giá…) nên Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, dự án Luật này không thể bao quát hết được. Đồng thời chúng ta cần chấp nhận một vài điểm quy định có thể khác với các luật khác.
“Ví dụ, quy định về độ tuổi nghỉ hưu sẽ khác với Bộ luật Lao động; hay giáo viên dạy liên trường, việc thuyên chuyển giáo viên có thể dạy hơn một cơ sở… sẽ là điểm khác với Luật Viên chức. Nhưng nhìn chung, một số quy định khác nhưng nhằm phục vụ mục tiêu phát triển đội ngũ nhà giáo. Sự khác biệt này đem lại điều tốt, tích cực thì nên sẵn sàng chấp nhận sự khác biệt”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ.
Từ quan điểm, tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, ngành giáo dục cũng sẽ nhìn nhận, xem xét cân đối với các ngành khác chứ không phải chỉ mong muốn ngành giáo dục nhận được đặc quyền, đặc lợi, ưu ái riêng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chia sẽ, thực tế trong số 1.6 triệu giáo viên, có những nhà giáo chưa đủ sống, do đó, họ không thể toàn tâm toàn ý cho việc dạy học. Vì vậy, nếu xét “giáo dục là đột phá chiến lược, là quốc sách hàng đầu” thì dứt khoát phải có một vài sự ưu tiên, còn lại quy định cụ thể về chế độ tiền lương để đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho nhà giáo thì ở dự thảo Luật Nhà giáo chỉ quy định nguyên tắc, còn lại giao cho Chính phủ quy định cụ thể.
Liên quan đến ý kiến của nhiều ĐBQH về việc dạy thêm của nhà giáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chủ trương không cấm việc dạy thêm của nhà giáo nhưng cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức của nhà giáo cũng như vi phạm những nguyên tắc về chuyên môn. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ nghiên cứu đầy đủ các ý kiến của ĐBQH thảo luận tại Tổ và tại Hội trường để tiếp thu tối đa, đồng thời khẳng định, việc phát triển đội ngũ nhà giáo mới là lí do chính yếu để xây dựng dự án Luật Nhà giáo.
Thay mặt những người làm nhà giáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến các thầy, cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Nhật Quang