ACBS: Đầu tư công sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới
ACBS kỳ vọng đầu tư công sẽ nhanh chóng được thúc đẩy ngay từ đầu năm 2025, sau khi các luật mới ban hành đi vào hiệu lực. Bên cạnh đó, giai đoạn 2026-2030, Chính phủ sẽ tiếp tục quyết liệt triển khai hàng loạt dự án trọng điểm, điển hình như đường sắt cao tốc Bắc – Nam.
Sau giai đoạn tăng trưởng tích cực trong năm 2023, đầu tư công 2024 rơi vào giai đoạn trầm lắng. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 11 tháng năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 572 ngàn tỷ đồng, bằng 73.5% kế hoạch năm và tăng 2.4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, bộ Giao thông vận tải giải ngân được 62.7 ngàn tỷ đồng, giảm 14% so cùng kỳ.
ACBS cho rằng nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công bị chậm là do việc triển khai Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 01/08/2024 làm tăng chi phí giải phóng mặt bằng và tạm dừng một số dự án để điều chỉnh. Ngoài ra, thiếu vật liệu và cát san lấp cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.
Tuy vậy, ACBS kỳ vọng đầu tư công sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. 2025 là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, ghi nhận mức đầu tư công kỷ lục lên gần 791 ngàn tỷ đồng (tương đương 6.4% GDP) đã được Quốc hội phê duyệt.
Khoản ngân sách này sẽ giúp đẩy mạnh thi công các công trình trọng điểm như tuyến cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, sân bay quốc tế Long Thành, và tuyến đường sắt Bắc Nam.
Nguồn: ACBS
|
Hiện cả nước đã có hơn 2,000km đường bộ cao tốc. Chính phủ yêu cầu phát động phong trào thi đua 500 ngày để hoàn thành 3,000 km cao tốc trước ngày 31/12/2025. Tầm nhìn đến 2030, cả nước sẽ có 5,000km đường cao tốc. Trong đó, dự án trọng điểm như cao tốc Bắc Nam – giai đoạn 2 được chia thành 12 dự án thành phần với tổng chiều dài 723.7 km, sơ bộ tổng mức đầu tư gần 147 ngàn tỷ đồng.
Nguồn: ACBS
|
Ngoài ra, còn có đại dự án đường sắt tốc độ cao 350 km/h trên trục Bắc - Nam đã được Quốc hội thông qua ngày 30/11, tổng vốn đầu tư hơn 67 tỷ USD, là dự án đầu tư lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam.
Dự án dự kiến khởi công xây dựng vào năm 2027 và hoàn thành vào năm 2035. Tuyến đường này sẽ bắt đầu từ tổ hợp ga Ngọc Hồi ở Hà Nội và kết thúc tại ga Thủ Thiêm tại TPHCM, với tổng chiều dài 1,541 km, bao gồm 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa.
Khi hoàn thành, tuyến đường sẽ có khả năng vận chuyển khoảng 133.5 triệu hành khách/năm (đối với tàu suốt Bắc - Nam) và 106.8 triệu hành khách/năm (đối với tàu khách khu đoạn), cùng với công suất vận chuyển hàng hóa khoảng 21.5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Về bức tranh ngân sách Nhà nước và nợ công của Việt Nam hiện đang ở trạng thái tích cực, từ đó tạo nhiều dư địa cho việc gia tăng thêm nợ vay của Chính phủ, thúc đẩy chi tiêu đầu tư công.
Theo ACBS, tỷ lệ nợ công/GDP giảm đều trong gần 10 năm qua, ở mức 36.6% vào thời điểm cuối năm 2023 và ước tính ở mức 37% vào cuối 2024. Bên cạnh đó, thâm hụt ngân sách/GDP đang duy trì ổn định quanh 4%.
Thanh Tú