Phải trừng trị thích đáng những kẻ xài hàn the, “kẹo ngọt” trong thực phẩm
Ngày 27/12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Đà Nẵng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Phạm Xu Tý - chủ cơ sở chuyên làm chả có chứa hàn the trên đường Nhơn Hòa 12 (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng), đồng thời khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với vợ ông này.
Trước đó 1 ngày, 26/12, Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) Công an tỉnh Đăk Lăk đã có lệnh bắt tạm giam Lâm Văn Đạo, 34 tuổi, Vũ Duy Tư, 33 tuổi, Nguyễn Văn Quynh, 51 tuổi và Nguyễn Văn Hảo, 36 tuổi về hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, theo Điều 317 Bộ luật Hình sự. Trước đó, quá trình theo dõi trên mạng xã hội, PC03 phát hiện Hội giá đỗ Miền Nam và Hội làm giá đỗ có dấu hiệu vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng loạt ập vào kiểm tra 6 cơ sở sản xuất trên địa bàn, cảnh sát phát hiện ngoài việc sử dụng các nguyên liệu như hạt đỗ xanh, vôi cục, nước giếng, 4 bị can còn sử dụng thêm chất lỏng không màu là hoạt chất 6 - Benzylaminopurine.
Hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm bị khởi tố hình sự đã nhận được sự đồng thuận của hầu hết người dân. Bởi không thể xem thường sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng đến mức bất chấp như thế, biết là chất cấm nhưng vẫn ngang nhiên sử dụng để thu lời bất chính thì cần bị nghiệm trị đích đáng.
Điều cần biết rằng, hàn the có thể gây ngộ độc cấp tính cho người sử dụng với liều lượng thấp; với liều từ 5 gam trở lên sẽ gây ngộ độc cấp tính và có thể dẫn đến tử vong. Hàn the cũng có thể gây ngộ độc mạn tính, ảnh hưởng đến gan, thận, suy nhược cơ thể... Khi ăn thực phẩm có chứa hàn the vào cơ thể thì hàn the khó bị đào thải, sẽ gây ra các bệnh mãn tính. Chính vì vậy, trong mọi thông tư của Bộ Y tế, hàn the không có trong danh mục các chất phụ gia thực phẩm được sử dụng.
Còn hoạt chất 6 - Benzylaminopurine dùng pha vào nước ngâm ủ làm giá đỗ, giúp rễ ngắn, thân to, mập, tăng trọng lượng và có hình thức đẹp, nếu sử dụng lượng lớn có thể gây tử vong; hít hoặc tiếp xúc qua da lâu dài có thể làm thai nhẹ ký, não úng thủy và các dị tật bẩm sinh; dùng lâu dài sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe…
Trong khi, tại hiện trường của 2 vụ việc nói trên, lực lượng chức năng đều thu giữ lượng hàng lớn, 1 tấn chả các loại (chả bò, chả heo, chả da heo, chả quết). Khi test nhanh thì phát hiện số chả trên đều dương tính với hàn the (natri borat). 9 mẫu chả qua kiểm định phát hiện hàn the. Hay có đến 20,357 kg giá đỗ đã ngâm hoạt chất 6- Benzylaminopurine, bán ra thị trường được khoảng 400 triệu đồng; 37 can đựng 135 lít chất cấm (tương đương sản xuất 675 tấn giá thành phẩm, bán được khoảng 18.7 tỷ đồng).
Từ cái lập luận “Do thị trường cạnh tranh em mới dùng nước kẹo, chứ thị trường mà sạch hết với nhau, thì em cũng thích làm giá sạch", Đạo - chủ cơ sở Lâm Đạo nói với điều tra viên đến dòng chữ ghi trên bao bì sản phẩm "Vì sức khỏe của mọi người", "không hóa chất", "không chất kích thích", "không chất bảo quản" rồi qua một cơ sở tuồn vào Bách Hóa Xanh với số lượng 350-400 kg giá đỗ một ngày là hành vi lừa dối trắng trợn người tiêu dùng. Trong đó, đơn vị phân phối không thể vô can.
Đó là lý do vì sao khi Bách Hóa Xanh cam kết hoàn tiền hoặc đổi sang sản phẩm khác cho khách hàng đã mua giá đỗ ủ chất cấm của nhà cung cấp Lâm Đạo tại các cửa hàng ở Đắk Lắk thì nhiều người tiêu dùng đã phản ứng gay gắt. Thử kiểm lại đơn hàng trong mỗi hộ gia đình, không chỉ trên địa bàn Đắk Lắk, có ai chưa/không từng mua giá đỗ và đâu là cơ sở để bảo chứng cho những slogan “vì sức khỏe người tiêu dùng” kia?
2 vụ việc trên đặt trong dòng thời sự giải thể, sáp nhập Sở An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM càng dấy lên không ít lo ngại. Chủ trương tinh gọn là đúng. Nhưng với một thành phố mà sức tiêu thụ mỗi ngày khoảng 11,000 tấn lương thực, thực phẩm, với hơn 2,000 tấn gạo, 4,200 tấn rau củ quả; 1,000 tấn thịt gồm heo, bò, gà… thì càng rất cần một cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, giám sát 24/24h đường đi từ vườn, ao, chuồng ra tới chợ và về đến nhà, lên bàn ăn của mỗi hộ gia đình.
Thời gian qua, với chương trình “Tick xanh trách nhiệm” triển khai từ tháng 3 năm 2024, kích hoạt báo động đỏ tại 8 hệ thống phân phối cùng ký kết thỏa thuận gồm Saigon Co.op, Satra, AEON, MM Mega Market, Central Retail, Bách Hóa Xanh, Wincommerce và Kingfood Market. Khi có sản phẩm nào đó nhập vào siêu thị gặp vấn đề an toàn thực phẩm, hàng sẽ bị gỡ ra khỏi các hệ thống ngay lập tức.
Thế nhưng, với hơn 20 tấn giá đỗ Lâm Đạo tuồn vào Bách Hóa Xanh, rõ ràng bộ lọc đầu vào vẫn chưa đủ sức sàng lọc, phát hiện, ngăn chặn. Đó là chưa nói đến làn sóng mua bán hàng online, các trang mua bán hàng thực phẩm, dinh dưỡng, nông sản, quà quê, chợ mạng, đâu là bộ công cụ để kiểm định chất lượng hàng hóa nói trên?
Ngay cả khi thấy tận mắt, sờ tận tay, đọc từng chữ “không chất kích thích, không chất bản quản, không chất cấm” tại siêu thị, chợ offline mà hàn the, “kẹo ngọt” - cách gọi của dân xài hàng cấm đối với hoạt chất 6- Benzylaminopurine đều xài vô tư, xài vượt ngưỡng thì đừng mong hàng online được bảo đảm “sạch - xanh”!
Vì thế, cần nghiêm trị thích đáng, áp dụng hình phạt có tính răn đe cao đối với bất cứ hành vi nào vi phạm quy định an toàn vệ sinh thực phẩm. Không có đất “sống” cho những kẻ vì ham lợi mà bất chấp gây ra những cái chết từ từ cho đồng loại.
Quốc Học