Dầu Brent giảm năm thứ 2 liên tiếp

Giá dầu Brent giảm 3% trong năm 2024, ghi nhận năm suy giảm thứ 2 liên tiếp, do sự phục hồi nhu cầu sau đại dịch bị đình trệ, nền kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn và Mỹ cùng với các quốc gia sản xuất khác ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã bơm thêm nhiều dầu thô vào thị trường vốn đã đủ nguồn cung.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/12, hợp đồng dầu Brent tiến 65 xu (tương đương 0.88%) lên 74.64 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 73 xu (tương đương 1.03%) lên 71.72 USD/thùng.

Dầu Brent đã sụt 3% so với mức đóng cửa cuối năm 2023 là 77.04 USD/thùng, trong khi dầu WTI gần như đi ngang so với mức đóng cửa cuối năm 2023.

Vào tháng 9/2024, hợp đồng dầu Brent đã khép phiên dưới mốc 70 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 12/2021, và năm nay, giá dầu Brent giao dịch ở mức thấp hơn nhiều so với các mức cao đã thấy trong vài năm qua, khi sự phục hồi nhu cầu sau đại dịch và cú sốc giá do cuộc xung đột Nga – Ukraine vào năm 2022 dần lắng xuống.

Theo một cuộc thăm dò của Reuters, giá dầu có khả năng giao dịch quanh mức 70 USD/thùng trong năm 2025 do nhu cầu của Trung Quốc suy yếu và sự gia tăng nguồn cung toàn cầu, bù đắp cho những nỗ lực do OPEC+ dẫn đầu nhằm củng cố thị trường.

Triển vọng nhu cầu yếu hơn ở Trung Quốc nói riêng đã buộc cả OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) phải hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm 2024 và 2025.

IEA dự báo thị trường dầu sẽ bước vào năm 2025 trong tình trạng dư cung, ngay cả sau khi OPEC và các đồng minh trì hoãn kế hoạch bắt đầu tăng sản lượng cho đến tháng 4/2025 trong bối cảnh giá dầu suy giảm.

Dữ liệu từ EIA cho thấy sản lượng dầu của Mỹ tăng 259,000 thùng/ngày lên mức cao kỷ lục 13.46 triệu thùng/ngày trong tháng 10/2024, khi nhu cầu tăng vọt lên mức cao nhất kể từ đại dịch.

EIA cho biết sản lượng dầu tại Mỹ dự kiến sẽ tăng lên mức cao kỷ lục mới là 13.52 triệu thùng/ngày vào năm tới.

Nhà đầu tư sẽ theo dõi triển vọng hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong năm 2025 sau khi các nhà hoạch định chính sách của Fed trong tháng 12/2024 đã dự báo một lộ trình hạ lãi suất chậm hơn do lạm phát vẫn ở mức cao.

Lãi suất thấp hơn thường thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, qua đó thúc đẩy nhu cầu năng lượng.

Một số chuyên gia phân tích vẫn tin rằng nguồn cung có thể thắt chặt vào năm tới tuỳ thuộc vào các chính sách của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, bao gồm các chính sách về lệnh trừng phạt. Ông Trump đã keo gọi ngừng bắn ngay lập tức trong cuộc chiến Nga – Ukraine, và ông có thể áp dụng cái gọi là chính sách gây sức ép tối đa đối với Iran, điều này có thể gây ra những tác động lớn đến thị trường dầu.

An Trần (Theo CNBC)

FILI