Lỗ tự doanh và chi phí lãi vay tăng mạnh, TPS lần đầu báo lỗ sau 9 quý

Kết thúc quý 1/2025, CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS, HOSE: ORS) lỗ ròng hơn 7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước có lãi hơn 75 tỷ đồng. Lần gần nhất TPS báo lỗ là từ quý 4/2022.

TPS lỗ ròng kể từ lần gần nhất vào quý 4/2022

Tự doanh thua lỗ

Mảng tự doanh của TPS lỗ hơn 23 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước có lãi hơn 183 tỷ đồng. Trong kỳ, Công ty chỉ ghi nhận hơn 50 tỷ đồng lãi bán các tài sản tài chính FVTPL, giảm 66% so với cùng kỳ, do giảm lãi bán trái phiếu chưa niêm yết và cổ phiếu niêm yết. Trong khi đó, Công ty lỗ bán các tài sản tài chính FVTPL gần 171 tỷ đồng, nặng hơn khoản lỗ khoảng 93 tỷ đồng của cùng kỳ, chủ yếu do lỗ bán cổ phiếu niêm yết đột biến.

Ngoài ra, phần chênh lệch tăng đánh giá lại tài sản tài chính FVTPL dù tăng từ gần 81 tỷ đồng lên gần 127 tỷ đồng, nhưng chênh lệch giảm thậm chí tăng từ gần 10 tỷ đồng lên gần 81 tỷ đồng, qua đó tạo thêm sức ép lớn lên kết quả tự doanh.

Tại thời điểm cuối quý 1, quy mô tài sản tài chính FVTPL của TPS ở mức 3,118 tỷ đồng, giảm so với gần 3,772 tỷ đồng ở đầu năm. Cơ cấu tài sản cũng có sự thay đổi khi kênh chứng chỉ tiền gửi và trái phiếu niêm yết giảm mạnh, ngược lại trái phiếu chưa niêm yết đột biến. Danh mục tự doanh cuối quý 1 của TPS không được nêu chi tiết trong báo cáo.

Xét theo số liệu vào thời điểm 31/12/2024, danh mục đầu tư cổ phiếu của TPS chủ yếu là HPG và VHC, còn lại là BCG, NLG, PNJ, tổng giá trị hợp lý hơn 478 tỷ đồng, trong đó các khoản đầu tư vào BCG tạm lỗ đến gần 70%.

Ở kênh trái phiếu, TPS nắm giữ hơn 1,294 tỷ đồng các trái phiếu niêm yết của Chính phủ, Agribank, Sacombank và gần 789 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết của VietinBank, Đầu tư và Phát triển năng lượng Thành Nguyên, Đầu tư Thương mại Dịch vụ Gia Khang.

Ngoài ra, Công ty còn nắm giữ chứng chỉ tiền gửi BIDV, VietinBank, EVN Finance và ACB, tổng cộng gần 1,211 tỷ đồng.

Chi phí lãi vay tăng mạnh

Chi phí tài chính quý 1 tăng 32% lên gần 153 tỷ đồng, toàn bộ là chi phí lãi vay. Điều này có thể được lý giải do Công ty vay nợ nhiều hơn, quy mô được đẩy lên gần 5,098 tỷ đồng, toàn bộ ở kỳ hạn ngắn, gấp 1.5 lần đầu năm, chủ yếu do phát sinh thêm dư nợ 2,000 tỷ đồng tại TPB và 300 tỷ đồng tại Shinhan Việt Nam.

Trước các áp lực, TPS kết thúc quý 1 với khoản lỗ ròng hơn 7 tỷ đồng, đánh dấu lần đầu tiên công ty chứng khoán này thua lỗ kể từ lần gần nhất vào quý 4/2022.

Kết quả kinh doanh quý 1/2025 của TPS
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Phải thu cung cấp dịch vụ tăng đột biến 

Tính đến thời điểm cuối quý 1, tổng tài sản của TPS đạt gần 12,292 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Biến động tài sản của Công ty đáng chú ý với sự đi xuống của hàng loạt khoản mục trọng yếu như tài sản tài chính FVTPL từ gần 3,772 tỷ đồng còn gần 3,118 tỷ đồng; các khoản đầu tư HTM từ 2,265 tỷ đồng còn gần 1,174 tỷ đồng, toàn bộ là tiền gửi có kỳ hạn; các khoản cho vay từ hơn 2,880 tỷ đồng về gần 1,881 tỷ đồng.

Ngược lại, khoản phải thu các dịch vụ công ty chứng khoán cung cấp lại đột biến từ hơn 1,290 tỷ đồng lên gần 4,994 tỷ đồng, tức gấp gần 4 lần.

Khoản phải thu các dịch vụ công ty chứng khoán tăng mạnh
Nguồn: BCTC quý 1/2025 của TPS

Huy Khải

FILI - 09:54:34 22/04/2025