Doanh nghiệp cần hiểu mình và hiểu cả nhà đầu tư khi gọi vốn

CEO On Point cho rằng điều quan trọng khi gọi vốn là lãnh đạo phải hiểu công ty đang ở đâu và đang đi về đâu. Các nhà đầu tư chắc chắn sẽ tự tin hơn khi nhà sáng lập hiểu rõ về doanh nghiệp của mình.

Từ trái qua: ông Trần Vũ Quang, ông Leitzinger Christian Walter và ông Nguyễn Quang Thuân. Ảnh: Tử Kính

Giá trị doanh nghiệp cần xuất hiện ngay từ đầu

Phát biểu mở đầu tại sự kiện “Góc nhìn Quản trị - Hành trình tiếp cận vốn và thu hút nhân lực của doanh nghiệp tư nhân” do Deloitte tổ chức chiều ngày 23/08, ông Phạm Văn Thinh, Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam cho biết khi lập doanh nghiệp, mục tiêu “xương máu” ban đầu vẫn phải là kiếm tiền. Trong ngắn hạn, có thể rất dễ thành công về một số phương diện nhưng để tồn tại bền vững, lâu dài và phát triển lớn buộc phải chú ý rộng đối với tất cả các khía cạnh hoạt động của doanh nghiệp chứ không chỉ là câu chuyện “tiền nong”, nhưng không cần thiết phải hoàn hảo.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Thuân, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Fiin Group cho rằng không nên tìm kiếm sự hoàn hảo trong vấn đề về quản trị dù có lên tầm quốc tế toàn cầu.

Trong trường hợp của Fiin Group, theo ông Thuân, 17 năm hoạt động kể từ khi được thành lập theo hướng “thử và sai” rất nhiều nhưng một số thứ “cần đúng ngay từ đầu” – đặc biệt đối với lãnh đạo cấp cao như nhà sáng lập, đó là giá trị doanh nghiệp phải luôn xuất hiện trong đầu ngay từ lúc mới khởi nghiệp. “Bao giờ tầm nhìn và sứ mệnh cũng cần được hình thành từ rất sớm”, ông nói, “người sáng lập, lãnh đạo cấp cao phải hiểu và xác định mình đang theo đuổi điều gì?”.

Quan điểm của ông Thuân, nhà sáng lập cần luôn coi doanh nghiệp như “món hàng” và lúc nào cũng phải biết giá trị “món hàng” vì nó sẽ chi phối toàn bộ câu chuyện liên quan đến KPI, hiệu quả kinh doanh hay thậm chí là cả góc độ tìm nhà đầu tư. Các chủ doanh nghiệp cần phải học cách xác định đối tác của mình có phù hợp hay không thông qua quá trình sàng lọc để tránh tiếp xúc quá nhiều nhà đầu tư, không còn thời gian để làm việc khác.

Để huy động vốn, doanh nghiệp của ông Thuân đã thuê Big4 kiểm toán từ rất sớm dù tiền lương trả nhân viên lúc đó vẫn còn eo hẹp. Các đơn vị kiểm toán kém uy tín sẽ làm tốn thêm thời gian, chi phí để thẩm định lại. “Chúng tôi xác định đấy là một khoản đầu tư chứ không phải chi phí”, ông thẳng thắn chỉ ra việc nhiều doanh nghiệp non trẻ hiện nay “ngại thuê kiểm toán uy tín vì sợ tốn kém”.

Cần tìm hiểu phía nhà đầu tư muốn gì 

Ông Trần Vũ Quang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH On Point cũng đồng ý điều quan trọng là lãnh đạo phải hiểu công ty đang ở đâu và đang đi về đâu. Các nhà đầu tư chắc chắn sẽ tự tin hơn khi nhà sáng lập hiểu rõ về công ty.

Bên cạnh đó, khi gọi vốn cũng cần hiểu khẩu vị, tính cách của nhà đầu tư và cũng nên xem bên nào có thể hiểu được mô hình kinh doanh, giá trị của công ty của mình. Quan trọng không kém, nhà sáng lập hay lãnh đạo cần phải có niềm tin rằng “mình luôn có thể sống sót và tồn tại được thì mới có thể truyền cảm hứng sang cho các nhà đầu tư”.

Theo ông Quang, doanh nghiệp cần tìm đúng chuyên gia, các đơn vị tư vấn và các chuyên gia này cũng cần hiểu giá trị công ty và biết công ty cần nhà đầu tư nào là phù hợp. Vì trong giai đoạn gọi vốn, sẽ rất tốn thời gian của các CEO (thường chiếm 30-40% thời gian, lúc cao điểm lên đến 70-80%) nên khó có thể đảm bảo vừa điều hành công ty vừa gặp gỡ nói chuyện với các nhà đầu tư.

Sự phụ thuộc vào vai trò của nhà sáng lập ở các vòng gọi vốn về sau có thể sẽ ít hơn do đội ngũ quản trị đã cứng cáp hơn, dù vậy thì theo lãnh đạo On Point “nhà đầu tư vẫn nhìn vào các founder (nhà sáng lập). Founder còn thì mô hình công ty còn. Founder không còn thì công ty không còn”.

Trong khi đó, CEO Phạm Nguyên ông Leitzinger Christian Walter thừa nhận một trong những vấn đề quan trọng khi gọi vốn là cần phải nói chuyện, làm việc với nhà đầu tư và ngay từ những ngày đầu cần nghĩ đến việc làm thế nào để tạo ra giá trị và lợi nhuận cho các cổ đông này, thậm chí “nên dự đoán một thời điểm nào đó họ muốn nhận về tiền của mình”.

Ngoài ra, yếu tố cần thiết là phải có một luật sư cực kỳ giỏi, có thể đại diện cho doanh nghiệp để đảm bảo “chúng ta đã đọc và hiểu tất cả mọi thứ”. “Điều đó là cực kỳ quan trọng”, ông nói và khuyên “nên chắc chắn rằng đó là nhà đầu tư mà bạn lúc nào cũng muốn nói chuyện, qua đó lựa chọn những người thực sự có thể cùng đi và cùng tạo ra giá trị cho doanh nghiệp”.

Điều gì quan trọng sau khi nhận vốn đầu tư?

Theo ông Thuân, minh bạch là quan trọng sau khi nhận vốn đầu tư. Nhưng minh bạch không có nghĩa là “cởi hết áo cho mọi người xem”, mà ở đây cần sự minh bạch chủ động, chẳng hạn các mức độ rủi ro trong kế hoạch kinh doanh cần được nêu ra để HĐQT hay cổ đông nắm. “Khi xảy ra tình huống xấu hay thất bại, nhà đầu tư vẫn sẽ đồng cảm với mình và mình vẫn có cơ hội làm lại. Còn nếu khó khăn nhưng vẫn úp úp mở mở dẫn đến thất bại sẽ không thể gọi vốn lại nữa”, ông Thuân nói.

Kinh nghiệm tại On Point, ngay sau khi hoàn tất nhận vốn từ nhà đầu tư, HĐQT Công ty sẽ ngồi lại với để giúp các cổ đông nắm được bối cảnh của doanh nghiệp. “HĐQT On Point chỉ họp 3 tháng/lần, và chỉ họp trong 3 tiếng. Và thường thì dành 1 tiếng để nói về các báo cáo, những gì đã qua. 2 tiếng còn lại nói về tương lai, những vấn đề cần chia sẻ, cần làm.” “Cái mình luôn trăn trở là làm sao để gọi được vốn nhưng sau khi gọi được vốn rồi thì lại trăn trở làm sao để sử dụng đồng vốn đó cho hiệu quả nhất”, ông Quang chia sẻ.

Nói về nguồn vốn quan trọng nhất đối với một công ty, theo CEO On Point, bao gồm vốn tài chính và vốn con người. Lãnh đạo cần xác định chiến lược cần đi và làm thế nào để có thể phân bổ hai nguồn lực này hiệu quả nhất. Đây là những điều cần liên tục được điều chỉnh theo thời gian vì tình hình thị trường cũng thay đổi rất nhiều.

Với Fiin Group, việc triển khai ESOP cho nhân viên là cần thiết. “Chúng tôi lúc nào cũng treo củ cà rốt trước mặt nhân viên, đặc biệt là ESOP”, vị Chủ tịch cho biết. Rất nhiều doanh nghiệp thực hiện ESOP nhưng truyền thông chưa “treo củ cà rốt”. Đồng thời cần đặt điều kiện, KPI cho nhân viên để thực hiện theo và nếu đạt sẽ thưởng đúng như cam kết chứ không chỉ đưa ra theo thâm niên hay theo cấp bậc. “Treo củ cà rốt thì phải thực hiện và phải thực sự minh bạch”, ông Thuân chốt lại.

Ngoài ra, yếu tố quan trọng khiến nhiều doanh nghiệp lớn thất bại trong giai đoạn vừa qua đến từ việc thất bại trong việc chuyển giao thế hệ. “Lý do là trong giai đoạn khó khăn, khủng hoảng, việc chuyển giao quá nhanh, người con kế nhiệm tiếp quản lại vung tay quá mạnh nhưng doanh nghiệp lại không có đủ “bộ đệm” để vượt qua”, ông Thuân nói thêm.

CEO On Point Trần Vũ Quang (bên trái) chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Tử Kính

Tử Kính

FILI