Shinhan Bank: GDP Việt Nam năm 2025 tăng 6.1% nhờ đầu tư công và dòng vốn FDI

Trung tâm Giải pháp và Giao dịch Toàn cầu của Ngân hàng Shinhan Việt Nam vừa công bố nghiên cứu "Triển vọng kinh tế và thị trường tài chính Việt Nam trong nửa đầu 2025", theo đó, Việt Nam được dự báo tăng trưởng kinh tế 6.1% cho năm 2025.

Tăng trưởng 2025 Việt Nam dự báo trên 6% nhờ tăng đầu tư công và dòng vốn FDI

Theo báo cáo, nền kinh tế toàn cầu được dự báo ​​sẽ tăng trưởng 3.2% trong năm 2025 tương ứng với tốc độ tăng trưởng tiềm năng, nhưng cũng cần thận trọng trước các yếu tố rủi ro làm giảm tăng trưởng như: Tác động tiêu cực của chính sách thắt chặt kéo dài, chính sách bảo hộ thương mại mạnh mẽ và xung đột địa chính trị ngày càng gia tăng.

Kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 6.1% cho năm 2025.

Sản xuất, xuất khẩu hàng hóa ghi nhận kết quả tích cực do sự hồi phục của tiêu dùng toàn cầu. Tăng trưởng dự báo trên 6% nhờ tăng đầu tư công và dòng vốn FDI.

Xuất khẩu và du lịch ​​tăng trưởng mạnh mẽ tác động tích cực đến thị trường trong nước, bao gồm thúc đẩy tạo việc làm mới và đẩy mạnh nhu cầu tiêu dùng.

Tuy nhiên, chính sách bảo hộ thương mại ngày càng chặt chẽ có thể dẫn đến giá cả hàng hóa tăng cao và sự bất ổn của chuỗi cung ứng, gây ra các yếu tố kìm hãm tăng trưởng.

Sự hồi sinh của chủ nghĩa bảo hộ và những thay đổi trong chính sách thương mại đối với Việt Nam

Khi ông Donald Trump tái đắc cử sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11, khả năng cao sẽ có nhiều thay đổi trong chính sách thương mại đối với Việt Nam khi Mỹ thắt chặt chính sách bảo hộ thương mại.

Mặc dù sẽ không có sự thay đổi trong chính sách gần bờ để thúc đẩy lĩnh vực bán dẫn, nhưng thặng dư thương mại lớn với Mỹ có thể sẽ gây khó khăn cho Việt Nam. Việc bị áp dụng thuế chống trợ cấp và thuế trừng phạt cũng có thể làm ảnh hưởng tới giá trị của đồng Việt Nam, dẫn tới khả năng bị đưa vào danh sách thao túng tiền tệ.

Chính sách thuế quan trong nhiệm kỳ thứ 2 của ông Trump bao gồm: Mức thuế cơ bản phổ quát là 10% đến 20% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu, mức thuế 60% đến 100% đối với hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc, và Đạo luật thuế quan qua lại.

Xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ dự kiến ​​sẽ giảm nhưng xuất khẩu gián tiếp của Trung Quốc có khả năng tăng

Khi Mỹ áp dụng chính sách thuế chung, hàng rào thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Việt Nam cũng sẽ tăng lên và xuất khẩu sang Mỹ do vậy cũng sẽ giảm đi.

Do việc áp thuế cao đối với Trung Quốc, dự kiến ​​xuất khẩu gián tiếp của Trung Quốc qua Việt Nam sẽ tăng trở lại, nhưng cũng có khả năng chính phủ Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với phương thức xuất khẩu gián tiếp này.

Trong những năm gần đây, lượng hàng hóa Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc và lượng hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ là tương đương nhau, với mối tương quan khoảng 96%.

Việt Nam được hưởng lợi lớn từ ​​cuộc xung đột Mỹ-Trung

Hiện, Mỹ và Trung Quốc đều tăng cường hợp tác với Việt Nam, dự kiến ​​cả hai nước sẽ tiếp tục mở rộng thương mại và đầu tư tại Việt Nam.

Vào tháng 9/2023, quan hệ ngoại giao của Việt Nam với Mỹ đã được nâng lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Ngoài ra, Việt Nam cũng là quốc gia chủ chốt trong Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.

Nếu việc tăng thuế đối với Trung Quốc được thực hiện sau khi ông Donald Trump tái đắc cử, Việt Nam dự kiến sẽ được hưởng lợi nhiều hơn tổn thất do những lợi ích từ việc xuất khẩu gián tiếp.

Việc Việt Nam tích cực hội nhập kinh tế quốc tế như ký kết FTA với nhiều nước, tham gia Hiệp định CPTPP, RCEP, và Khuôn khổ IPEF cũng góp phần thu hút dòng vốn đầu nước ngoài (FDI).

Về đầu tư công, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là dự án quan trọng của quốc gia. Dự án dự kiến lập báo cáo khả thi trong năm 2025-2026, khởi công xây dựng vào cuối năm 2027 và phấn đấu cơ bản hoàn thành toàn tuyến trong năm 2035. Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ hỗ trợ mở rộng đầu tư công trong tương lai.

Hàn Đông

FILI