SCIC đã thoái xong 25% vốn Tổng Công ty Thăng Long
Ngày 26/12/2024, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã thoái toàn bộ 10.5 triệu cp của Tổng Công ty Thăng Long - CTCP (HNX: TTL), tương ứng tỷ lệ 25.09% vốn, thông qua hình thức đấu giá trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).
SCIC là một trong hai cổ đông chiếm phần lớn vốn tại TTL, bên cạnh CTCP Đầu tư và Xây dựng TNG nắm gần 21 triệu cp (tỷ lệ 50.1%) và giữ vai trò công ty mẹ, theo cơ cấu sở hữu tính đến ngày 30/09/2024.
Theo thông tin từ HNX, có hai nhà đầu tư cá nhân đã tham gia đợt đấu giá này, kết quả một nhà đầu tư trúng đấu giá với giá 222.612 tỷ đồng, tương đương hơn 21,201 đồng/cp. Đáng nói, mức giá này cao hơn gần 70% so với thị giá đóng cửa phiên 26/12 của TTL.
Trước đó, sau thông báo thoái vốn của SCIC, cổ phiếu TTL từng tạo cơn sốt khi tăng trần liên tiếp 7 phiên (05-13/12/2024) và đưa cổ phiếu này tiến một mạch từ mức 7,900 đồng/cp lên 14,900 đồng/cp, tức tăng đến 89%.
Tuy nhiên, cơn sốt sau đó nhanh chóng hạ nhiệt, TTL có liền hai phiên giảm sàn từ 17-18/12/2024 và nhiều phiên giảm mạnh khác, đưa cổ phiếu kết phiên gần nhất (03/01/2025) còn 10,700 đồng/cp.
TTL khi đó đã phải có văn bản giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HNX về việc giá cổ phiếu tăng trần liên tiếp. Theo đó, Công ty này lý giải việc cổ phiếu TTL tăng giá là diễn biến khách quan theo cung cầu thị trường, các quyết định giao dịch cổ phiếu TTL của nhà đầu tư không nằm trong phạm vi kiểm soát của tổng Công ty, đồng thời khẳng định mọi hoạt động của Công ty vẫn diễn ra bình thường, không có gì biến động và Công ty không có có bất kỳ tác động nào gây ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
Cổ phiếu TTL ghi nhận nhiều biến động lớn gần đây | ||
Tổng Công ty Thăng Long (TTL) tiền thân là Xí nghiệp Liên hợp Cầu Thăng Long, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng các công trình hạ tầng giao thông và có trụ sở chính tại số 72, đường Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Việt Hà - Tổng Giám đốc Công ty.
9 tháng đầu năm 2024, TTL đạt hơn 1,364 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Việc biên lãi gộp thu hẹp cùng với chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao là nguyên nhân chính khiến lãi ròng giảm hơn 75%, về dưới 4 tỷ đồng.
So với kế hoạch năm, Công ty thực hiện được gần 84% chỉ tiêu doanh thu, song mới đi được hơn 1/3 mục tiêu lợi nhuận.
Biến động lợi nhuận theo quý trong những năm qua của TTL | ||
Về phần SCIC, số liệu tổng kết năm 2024 cho thấy những kết quả kinh doanh nổi bật. Theo đó, lợi nhuận trước thuế ước đạt 11,140 tỷ đồng, bằng 166% kế hoạch năm. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 11,117 tỷ đồng, bằng 167% kế hoạch năm.
Đáng chú ý, đóng góp lớn trong tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận của SCIC là phần thu từ cổ tức của các doanh nghiệp có trong danh mục, ước chiếm gần 80%.
Nhiều doanh nghiệp trong danh mục của SCIC như Vinamilk, FPT, Sabeco, Traphaco, DHG… đều có kết quả kinh doanh cao hơn so với cùng kỳ. Tính đến 31/12/2024, danh mục doanh nghiệp của SCIC có 110 doanh nghiệp với tổng vốn theo giá trị sổ sách là 53,401 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 183,157 tỷ đồng. Giá trị thị trường đạt xấp xỉ 8 tỷ USD .
Ở mảng đầu tư, năm 2024, SCIC cũng thực hiện theo đúng Chiến lược và Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt như đã giải ngân đầu tư gần 500 tỷ đồng mua cổ phần phát hành riêng lẻ tại Ngân hàng Quân đội (MBB), hoàn tất nghiên cứu phương án đầu tư 5,000 tỷ đồng mua cổ phần phát hành thêm tại Ngân hàng BIDV, thúc đẩy kế hoạch hợp tác đầu tư dự án cảng nước sâu Cái Mép (Vũng Tàu) cùng các đối tác tương ứng tại các doanh nghiệp hiện hữu…
Thời gian tới, SCIC sẽ tiếp tục thực hiện đầu tư vào Vietnam Airlines, muối mỏ kali tại Lào, các dự án hạ tầng theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ.
Nguồn: SCIC
|
Huy Khải