Những câu hỏi lớn về nền kinh tế toàn cầu năm 2025

Khi bước vào năm 2025, thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức kinh tế chưa từng có trong lịch sử. Sự trở lại của Donald Trump tại Nhà Trắng, cuộc khủng hoảng niềm tin tại châu Âu, và làn sóng hoài nghi về công nghệ AI đang tạo ra một bức tranh kinh tế toàn cầu đầy biến động và bất ổn.

Trí tuệ nhân tạo có phải là bong bóng?

Trong năm 2024, bài báo học thuật "ChatGPT là vô nghĩa" từ các chuyên gia Đại học Glasgow đã tạo tiếng vang lớn trong giới công nghệ. Các tác giả lập luận rằng những "ảo giác" - hay nói cách khác là những thông tin bịa đặt - mà các mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT tạo ra không phải là lỗi hệ thống, mà chính là một phần không thể tách rời trong cách chúng hoạt động.

Nhà kinh tế đoạt giải Nobel Daron Acemoglu cho rằng những ảnh hưởng của AI đến năng suất và việc làm sẽ khiêm tốn hơn nhiều so với những dự đoán lạc quan. Đặc biệt, nhà báo công nghệ Ed Zitron, sau khi phân tích sâu báo cáo tài chính của OpenAI, kết luận rằng công ty này khó có thể tạo ra lợi nhuận tương xứng với mức định giá 150 tỷ USD.

Chưa có điều nào trong số này gây ra dù chỉ là một gợn sóng trên thị trường tài chính nhưng khó có thể xua tan nỗi nghi ngờ về việc liệu những công nghệ này có thực sự đáp ứng được sự phấn khích tột độ trên thị trường hay không.

Với vị thế thống trị của công nghệ trên thị trường tài chính Mỹ, nếu tâm lý hoài nghi lan rộng, có thể dẫn đến những biến động bất ngờ.

Liệu các nền kinh tế EU có thể lấy lại động lực?

Mario Draghi, người từng cam kết "làm bất cứ điều gì cần thiết" để bảo vệ đồng Euro, đã công bố một báo cáo quan trọng vào năm 2024. Trong đó, ông mô tả tình hình hiện tại của các nền kinh tế EU là một "thách thức sinh tử", đồng thời đề xuất tăng cường đầu tư công và tư nhân, đồng thời phối hợp chính sách chặt chẽ hơn trong toàn khối.

Tuy nhiên, đề xuất này dường như chưa nhận được sự hưởng ứng khi hai nền kinh tế lớn nhất EU là Đức và Pháp đang vật lộn với những thách thức chính trị nội bộ. Sự trỗi dậy của các đảng dân túy - AfD tại Đức và Đảng Tập hợp Quốc gia của Marine Le Pen tại Pháp - đang thúc đẩy xu hướng dân tộc kinh tế và làm suy yếu tiến trình hội nhập EU.

Triển vọng kinh tế ảm đạm càng làm trầm trọng thêm tình hình, khi Ủy ban Châu Âu dự báo tăng trưởng chỉ đạt 0.7% ở Đức và 0.8% ở Pháp trong năm 2025. Trong bối cảnh này, cách thức mà chính trị và kinh tế đan xen có thể định hình tương lai của EU: Hoặc là lắng nghe cảnh báo của Draghi, hoặc là đối mặt với những cuộc khủng hoảng mới.

Trump và nguy cơ chiến tranh thương mại toàn cầu

Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, người từng mô tả thuế quan là "từ đẹp nhất trong từ điển", sẽ trở lại Nhà Trắng với kế hoạch sử dụng thuế nhập khẩu như một công cụ chính sách mạnh mẽ. Mặc dù Scott Bessent, ứng viên Bộ trưởng Tài chính của Trump, coi đây chỉ là công cụ đàm phán nhằm đạt được các nhượng bộ thương mại, nhưng tác động thực tế có thể sâu rộng hơn nhiều.

Kinh nghiệm từ nhiệm kỳ đầu của Trump cho thấy, dù không hoàn toàn ngăn chặn thương mại toàn cầu, các biện pháp bảo hộ vẫn có thể gây ra những hệ quả đáng kể.

Trong kịch bản tốt nhất, chúng sẽ làm tăng chi phí và độ phức tạp của hệ thống thương mại. Trong kịch bản xấu nhất, một cuộc chiến thương mại toàn diện có thể bùng nổ, đe dọa nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Khí hậu: Thách thức kinh tế cấp bách nhất

Biến đổi khí hậu không còn là một mối đe dọa tương lai xa xôi. Năm 2024 đã chứng kiến hàng loạt thảm họa thời tiết cực đoan, không chỉ gây ra những bi kịch nhân đạo mà còn tạo áp lực lên chuỗi cung ứng và đẩy cao chi phí sản xuất toàn cầu.

Một bài báo gần đây từ Trung tâm Chuyển đổi Kinh tế tại Trường Kinh tế London cho rằng các nhà hoạch định chính sách phải sẵn sàng thích ứng với thực tế mới này - ví dụ như cho phép các ngân hàng trung ương chấp nhận lạm phát cao hơn khi nó được gây ra bởi các cú sốc cung do khí hậu, thay vì đập tan tăng trưởng bằng tăng lãi suất.

Năm 2025 có thể là thời điểm quan trọng để các nhà hoạch định chính sách thừa nhận tác động sâu sắc của biến đổi khí hậu đến nền kinh tế toàn cầu. Dường như đó là một hy vọng mong manh, nhưng dù điều gì xảy ra, chúng ta có thể chắc chắn rằng khi Trump thống trị các dòng tiêu đề báo chí, chi phí kinh tế của tình trạng khẩn cấp về khí hậu sẽ tiếp tục tăng lên.

Vũ Hạo (Theo The Guardian)

FILI