Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Campuchia

Theo dữ liệu do Tổng cục Hải quan và Thuế (GDCE) công bố gần đây, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu số một của Campuchia trong 10 tháng đầu năm 2024, Khmer Times đưa tin.

Theo đó, kim ngạch xuất khẩu của Campuchia sang thị trường Mỹ đạt 8.23 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm nay. Với mức kim ngạch xuất khẩu này, Mỹ dẫn đầu danh sách các thị trường xuất khẩu của Campuchia. Trong khi đó, Việt Nam và Trung Quốc lần lượt đứng ở vị trí thứ 2 và thứ 3.

Theo thống kê của GDCE về thương mại giữa Campuchia và các quốc gia lớn trên thế giới, trong gia đoạn 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của quốc gia Đông Nam Á này sang Mỹ đạt 8.23 tỷ USD, tăng 9.8% trong khi kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ đạt 217 triệu USD, tăng 7.5%.

Sau Mỹ, Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Vương quốc, với mức kim ngạch xuất khẩu đạt 2.9 tỷ USD, tăng 31.2%; kim ngạch nhập khẩu đạt 3.4 tỷ USD, tăng 14.5%.

Đứng vị trí thứ 3 là Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 1.4 tỷ USD, tăng 12% trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 10.9 tỷ USD, tăng 23.2%.

Cũng trong giai đoạn 10 tháng đầu năm 2024, Nhật Bản là thị trường lớn thứ 4 của Campuchia, với kim ngạch xuất khẩu đạt 1.1 tỷ USD, tăng 18% và kim ngạch nhập khẩu đạt 600 triệu USD, tăng 15.6%. Canada là thị trường lớn thứ 5 với kim ngạch xuất khẩu vượt 900 triệu USD, tăng gần 30% và kim ngạch xuất khẩu đạt 48 triệu USD, giảm hơn 10%.

Theo ông Lim Heng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Campuchia, khối lượng thương mại giữa Campuchia và Mỹ đang ở trạng thái tốt và tăng dần mỗi năm.

Vị Phó Chủ tịch này cho biết: “Trong khi đó, việc gia tăng thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc cũng là một cơ hội cho Campuchia vì trước đây chúng tôi từng chứng kiến việc tăng thuế quan đã thúc đẩy các nhà đầu tư Trung Quốc và một số nước khác đầu tư và sản xuất tại Campuchia để xuất khẩu sang Mỹ”.

Ông nói thêm: “Nếu như chính sách ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) được tái kích hoạt cho Campuchia, nó sẽ thúc đẩy đầu tư vào Vương quốc trong lúc xuất khẩu của đất nước đang diễn biến tốt. Chúng tôi hy vọng rằng cả quan hệ kinh tế và chính trị giữa Campuchia và Mỹ sẽ được cải thiện”.

Phát biểu nhân dịp chủ trì lễ kỷ niệm 20 năm Campuchia gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hồi tháng 10, Thủ tướng Hun Manet cho biết, vì thị trường nhỏ nên Campuchia phải mở cửa giao thương với thị trường quốc tế và phải cho phép xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa qua lại.

Thủ tướng Manet nói: “Đồng thời, để mở cửa thị trường, thương mại với thị trường quốc tế phải cởi mở để xuất khẩu và nhập khẩu lẫn nhau và phải dám cạnh tranh với các nước khác. Điều quan trọng là Campuchia không thể đóng cửa đất nước để không nhập khẩu”.

“Về phương diện cạnh tranh, phải có sự cởi mở, bởi vì khi Campuchia trở thành thành viên của WTO, nước này không thể áp đặt một số điều kiện để phòng vệ. Nếu chúng ta áp dụng bất kỳ điều kiện nào, điều đó có nghĩa là chúng ta không chấp nhận điều này hay điều kia và trong khi đó, họ cũng không chấp nhận chúng ta. Do đó, thương mại được mở cửa cả hai phía và phải thích ứng với các điều kiện hoặc hoàn cảnh khác nhau”, Lãnh đạo Vương quốc nói thêm.

Một báo cáo chính thức từ GDCE được công bố vào gần đây cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2024, Campuchia đã xuất khẩu 21.57 tỷ USD sản phẩm, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023. Các mặt hàng xuất khẩu chính bao gồm hàng may mặc, giày dép, hàng du lịch, xe đạp, lốp xe ô tô và các sản phẩm nông nghiệp tiềm năng như gạo, cao su, sắn, chuối, xoài và nhãn.

Khai Tâm (Theo Khmer Times)

FILI