Cập nhật

Góc nhìn 24/07: Kéo dài quán tính giảm điểm?

VCBS nhận định xu hướng của VN-Index chưa có dấu hiệu cải thiện và vẫn có thể kéo dài quán tính giảm điểm trong một vài phiên tới.

Tiêu cực ngắn hạn

CTCK BETA: Về mặt xu hướng, VN-Index tiếp tục duy trì trạng thái tiêu cực ngắn hạn khi nằm dưới các đường trung bình quan trọng. Hiện tại, vùng 1,200-1,220 điểm sẽ đóng vai trò là vùng hỗ trợ mới cho thị trường.

Thị trường đang trải qua giai đoạn khó khan khi chỉ số liên tiếp rơi điểm, áp lực bán liên tiếp đè nặng ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trở nên tiêu cực và thanh khoản yếu. Trong bối cảnh này, các nhà đầu tư cần cẩn trọng và có chiến lược hợp lý để bảo vệ tài sản của mình.

Tìm đến vùng giá thấp hơn

CTCK Tiên Phong (TPS): Một vài phiên hồi phục trong tuần có thể xảy ra nhưng nếu VN-Index không thể giữ vững được ngưỡng 1,230 điểm thì các kịch bản tiêu cực sẽ chính thức xuất hiện và thị trường có thể tìm đến những vùng giá thấp hơn.

Kéo dài quán tính giảm điểm

CTCK Vietcombank (VCBS): Xu hướng của VN-Index chưa có dấu hiệu cải thiện và vẫn có thể kéo dài quán tính giảm điểm trong phiên 24/07 và một vài phiên tới.

Dòng tiền còn đang chủ động đứng ngoài theo dõi cũng trong bối cảnh thị trường chưa có tín hiệu ổn định trở lại. Với diễn biến hiện tại, VCBS tiếp tục khuyến nghị nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục theo hướng giảm tỷ trọng đối với những mã yếu vẫn còn trong tài khoản, đồng thời hạn chế giải ngân mua mới và kiên nhẫn chờ đợi những tín hiệu xác nhận đảo chiều xu hướng từ thị trường.

Nhà đầu tư nên dừng mua

CTCK Asean (Aseansc): Áp lực cung không quá lớn nhưng phía cầu không đủ khiến thị trường chính thức mất đi trendline tăng kể từ cuối 2023. Do đó, nhà đầu tư nên dừng mua, tạm thời nắm giữ chú ý vùng quản trị rủi ro là ngưỡng 1,220 điểm.

Kiểm tra lại nguồn cung

CTCK Rồng Việt (VDSC): Vùng MA (150) sẽ có tác động hỗ trợ cho thị trường trong phiên giao dịch tiếp theo (24/07) và có thể giúp thị trường hồi phục. Tuy nhiên, diễn biến hồi phục này có thể sẽ không chắc chắn và mang tính chất kiểm tra lại nguồn cung.

Nhà đầu tư vẫn cần thận trọng trước trạng thái bất ổn của thị trường và giữ tỷ trọng danh mục ở mức an toàn. Đồng thời vẫn cần cân nhắc những đợt hồi phục của thị trường để chốt lời hoặc cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.

Phục hồi lại vùng giá 1,250

CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Ngắn hạn, VN-Index xu hướng trở nên tiêu cực hơn khi VN-Index không giữ được vùng hỗ trợ quan trọng quanh 1,250 điểm, chịu áp lực điều chỉnh về vùng giá 1,200-1,220 điểm.

SHS kỳ vọng với áp lực bán hạ nhiệt, áp lực giải chấp giảm thì VN-Index vẫn sẽ phục hồi lại vùng giá 1,250 điểm.

Lực cầu bắt đáy ngưỡng 1,230

CTCK BIDV (BSC): Phiên giảm điểm 23/07 thanh khoản không quá lớn, nhưng không thể loại bỏ trường hợp VN-Index tiếp tục quán tính giảm xuống vùng 1,210-1,220. Trong trường hợp tích cực, lực cầu bắt đáy có thể xuất hiện tại ngưỡng 1,230 và đẩy chỉ số hồi phục trở lại. 

Chờ đợi cơ hội giải ngân

CTCK Đông Á (DAS): Hỗ trợ ngắn hạn của VN-Index ở vùng 1,220 điểm, nhà đầu tư có thể chờ đợi cơ hội giải ngân theo kế hoạch trung dài hạn. Đối với các giao dịch ngắn hạn, rủi ro cao nên cần quản trị tài khoản ở mức tỷ trọng an toàn.

Chưa vội bắt đáy sớm

CTCK VPBank (VPBankS): Kể từ mức đỉnh 1,300 điểm, chỉ số VN-Index đã giảm gần 70 điểm khiến các chỉ báo kỹ thuật xấu đi rõ ràng. Trong đó, lực cầu bắt đáy vẫn chưa cản bước được đà đi xuống của thị trường, đặc biệt phiên 23/07 đã để mất ngưỡng tâm lý 1,250 điểm. Do vậy, nhà đầu tư chưa vội bắt đáy sớm, hỗ trợ của thị trường trong các phiên tới ở vùng 1,180-1,200 điểm.

Tiếp tục cập nhật…

Tùng Phong

FILI