Doanh nghiệp Mỹ "méo mặt" trước kế hoạch thuế quan thời Trump 2.0

Trong những tuần sau chiến thắng vang dội của Donald Trump, các công ty Mỹ đã nỗ lực trấn an nhà đầu tư rằng họ đã chuẩn bị đầy đủ cho một đợt thuế quan mới.

Nhà sản xuất dụng cụ Stanley Black & Decker đã nhấn mạnh những nỗ lực chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Trong khi đó, Lowe's - nhà bán lẻ đồ cải tạo nhà cho biết họ đã lập ra quy trình để đối phó với thuế quan sau nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, khi mức thuế được áp đặt lên khoảng 380 tỷ USD giá trị hàng nhập khẩu, từ thép và nhôm đến máy giặt, chủ yếu từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, những xáo trộn sắp tới có thể lan rộng và khó dự đoán hơn nhiều so với kỳ vọng của các doanh nghiệp Mỹ. Ngày 25/11, tân Tổng thống đắc cử đã thông báo trên Truth Social rằng ông sẽ áp thuế 25% lên tất cả sản phẩm từ Mexico và Canada, đồng thời tăng thuế suất đối với hàng hóa từ Trung Quốc thêm 10%. Ý định thực hiện đe dọa của ông Trump đối với Mexico và Canada sau đó bị đặt dấu hỏi bởi những bài đăng tiếp theo mô tả các cuộc họp "tuyệt vời" và "hiệu quả" với lãnh đạo hai quốc gia này.

Điều đó không hề khiến các doanh nghiệp an tâm. Nếu ông Trump áp thuế lên các nước láng giềng phía bắc và nam của Mỹ, tác động lên các công ty Mỹ sẽ vô cùng tàn khốc. Các doanh nghiệp từ Mattel - nhà sản xuất búp bê Barbie, đến Whirlpool - nhà sản xuất thiết bị gia dụng, đều có nhà máy tại Mexico. Khoảng 60% lượng nhôm nhập khẩu và 25% lượng thép nhập khẩu của Mỹ đến từ Canada, cùng với lượng lớn thép từ Mexico. Theo Citigroup, thuế quan của ông Trump sẽ làm tăng giá thép cho các nhà sản xuất Mỹ từ 15%-20%.

Trong số những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thuế quan sẽ là ngành ô tô. Chẳng hạn, General Motors nhập khẩu hơn một nửa số xe bán tải bán tại Mỹ từ Mexico và Canada. Khoảng 9% giá trị linh kiện cho ô tô sản xuất tại Mỹ cũng đến từ hai quốc gia này.

Theo ngân hàng Nomura, các mức thuế mà ông Trump đề xuất vào ngày 25/11 sẽ xóa sổ 80% lợi nhuận hoạt động của General Motors trong năm tới. Các nhà sản xuất ô tô nước ngoài như Toyota cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Các công ty Mỹ có thể phản ứng với thuế quan theo ba cách. Cách thứ nhất là tích trữ hàng hóa. Microsoft, Dell và HP nằm trong số các công ty công nghệ Mỹ đang gấp rút nhập khẩu càng nhiều linh kiện điện tử càng tốt trước khi chính quyền mới nhậm chức vào tháng 1.

Tuy nhiên, chiến lược này có hạn chế. Hàng dự trữ có thể cạn kiệt trước khi thuế quan được dỡ bỏ và việc lưu trữ hàng tồn kho cần có kho bãi và vốn. Nhiều công ty lớn đã tăng hàng tồn kho sau những xáo trộn chuỗi cung ứng trong đại dịch, và có thể không muốn tăng thêm nữa, đặc biệt khi lãi suất cao làm tăng chi phí.

Theo JPMorgan Chase, tỷ lệ vốn lưu động trên doanh thu trung bình của 1,500 công ty niêm yết có giá trị nhất của Mỹ năm ngoái cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong thập kỷ qua (trừ năm 2020).

Lựa chọn thứ hai cho các công ty là chuyển thuế quan cho khách hàng bằng cách tăng giá. Một số công ty, bao gồm Stanley Black & Decker và Walmart - nhà bán lẻ lớn nhất Mỹ xét về doanh số, đã cho biết họ có thể làm điều này. Tuy nhiên, phương án này cũng có giới hạn. Khoản tiết kiệm dư thừa mà người Mỹ tích lũy trong đại dịch đã bị lạm phát làm tiêu tan và có dấu hiệu cho thấy thị trường việc làm của đất nước đang chậm lại. Tỷ lệ nợ xấu thẻ tín dụng đang ở mức cao nhất trong một thập kỷ.

Phương án thứ ba, và khó khăn nhất, là tái cấu trúc chuỗi cung ứng. Các nhà cung cấp mới, một khi được tìm thấy, phải được kiểm tra và đàm phán, một quá trình có thể mất nhiều năm. Nhiều công ty Mỹ đã đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.

Theo Kearney, một công ty tư vấn, tỷ trọng hàng hóa sản xuất nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc đã giảm từ 24% năm 2018 xuống 15% năm ngoái. Trong khi đó, tỷ trọng từ Mexico và các quốc gia châu Á chi phí thấp khác, tăng tương ứng từ 14% lên 16% và từ 13% lên 18%. Một phân tích của Fernando Leibovici và Jason Dunn từ Fed khu vực St. Louis cho thấy sự sụt giảm tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc là lớn nhất trong những ngành mà Mỹ phụ thuộc nhiều nhất vào đối thủ này, bao gồm các thiết bị, phụ kiện trong lĩnh vực truyền thông và công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, việc chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc có thể không đủ. Chính quyền Biden, vốn giữ lại nhiều thuế quan ban đầu của ông Trump và thêm một số thuế mới, đã siết chặt hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ qua các tuyến đường vòng. Tháng 7, chính quyền Mỹ đã áp đặt quy tắc mới đối với thép Mexico, yêu cầu thép phải được sản xuất trực tiếp tại nước này nếu không muốn bị áp thuế.

Dưới thời Trump, có thể sẽ ngày càng khó để nhập từ các công ty Trung Quốc đã thiết lập nhà máy ở nước ngoài. Vào ngày 29/11, Chính phủ liên bang đã áp thuế chống bán phá giá lên các tấm pin năng lượng mặt trời được sản xuất tại Đông Nam Á bởi Jinko Solar và Trina Solar, hai công ty Trung Quốc, cùng các công ty khác.

Sự giận dữ bảo hộ của ông Trump không chỉ nhắm vào Trung Quốc, mà còn vào tất cả các quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ. Kết quả là, các công ty đã chuyển chuỗi cung ứng sang Mexico, Việt Nam hoặc các quốc gia chi phí thấp khác có thể sẽ gặp khó khăn.

Một số có thể quyết định rằng lựa chọn an toàn duy nhất là đưa sản xuất về nước. Điều này đã xảy ra trong một số ngành, bao gồm bán dẫn. Chi tiêu xây dựng nhà máy ở Mỹ đạt 172 tỷ USD trong chín tháng đầu năm nay, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019, đã điều chỉnh theo lạm phát. Chỉ số tự cung tự cấp do Kearney tổng hợp, được tính là tỷ lệ sản lượng sản xuất của Mỹ (trừ xuất khẩu) so với nhập khẩu (trừ tái xuất), đã tăng dần kể từ năm 2021, sau khi giảm trong tám năm trước đó. Tuy nhiên, đối với nhiều công ty, việc sản xuất tại Mỹ vẫn sẽ quá đắt đỏ và không thể chấp nhận được.

Làn sóng thuế quan sắp tới do đó có thể còn đau đớn hơn cho các doanh nghiệp Mỹ so với đợt trước. Theo nghiên cứu của Carlyle Burd từ Đại học Bang Bắc Carolina, các công ty Mỹ chịu ảnh hưởng của thuế quan đánh vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump nhận thấy ROA giảm 5.4 điểm phần trăm so với những công ty không bị ảnh hưởng. Một số khác bị ảnh hưởng nặng nề hơn.

Tháng trước, Giám đốc tài chính của Stanley Black & Decker cho biết thuế quan trong nhiệm kỳ đầu ban đầu khiến công ty tốn khoảng 300 triệu USD mỗi năm, tương đương 1/4 lợi nhuận ròng năm 2017, và khiến công ty tốn khoảng 100 triệu USD mỗi năm ở giai đoạn sau. Các lãnh đạo doanh nghiệp sẽ theo dõi sát sao tài khoản Truth Social của ông Trump.

Vũ Hạo (Theo The Economist)

FILI