Nhựa Bình Minh xô đổ kỷ lục lợi nhuận trong năm 2023
Mặc dù kết quả kinh doanh chững lại trong 6 tháng cuối năm nhưng cả năm 2023, CTCP Nhựa Bình Minh (HOSE: BMP) vẫn có lãi ròng gấp rưỡi năm trước, lần đầu tiên cán mốc 1,041 tỷ đồng, đồng thời xô đổ kỷ lục lãi ròng 694 tỷ đồng của năm trước.
Năm 2023, doanh thu của Công ty ở mức 5,157 tỷ đồng, giảm 11% so với năm trước. Song, giá vốn hàng bán giảm 28%, giúp lãi gộp tiến lên mức 2,116 tỷ đồng, tương ứng tăng 32%. Biên lãi gộp ở mức 41%, cao hơn so với mức 34% năm trước.
Lãi gộp tăng mạnh nhờ được hưởng lợi từ giá nguyên liệu nhựa PVC trong năm 2023, chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí đầu vào của Công ty, giảm đáng kể so với năm trước và đi ngang trong năm do nhu cầu tiêu thụ trên thế giới suy giảm.
Ngoài ra, Công ty còn được hưởng lợi từ hệ sinh thái của ông lớn ngành nhựa Thái Lan là Tập đoàn SCG, sở hữu gián tiếp BMP thông qua Nawaplastic Industries (nắm 54.99% vốn BMP tại cuối năm 2023). Chưa kể, BMP có khả năng tăng nhập PVC từ DGC khi nhà máy Đức Giang Nghi Sơn đi vào hoạt động, nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa nguồn cung nguyên liệu, theo báo cáo của Chứng khoán KBSV công bố vào tháng 10/2023.
Trở lại với BMP, doanh thu tài chính của Công ty trong năm 2023 cũng có kết quả tích cực, đạt 119 tỷ đồng, hơn gấp đôi năm trước. Trong đó, lãi tiền gửi, tiền cho vay chiếm gần 117 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí tài chính được kéo giảm 8% về 146 tỷ đồng, chi phí lãi vay không đáng kể.
Sau cùng, BMP báo lãi ròng cao kỷ lục từ trước đến nay, đạt 1,041 tỷ đồng, gấp rưỡi năm trước và vượt 60% kế hoạch lợi nhuận năm.
Riêng quý 4, lãi ròng Công ty ở mức 257 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh quý 4/2023 và năm 2023 của Nhựa Bình Minh
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Tại ngày 31/12/2023, quy mô tài sản của Công ty ở mức 3,255 tỷ đồng, mở rộng 7% so với đầu năm. Trong đó, đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (tiền gửi có kỳ hạn) 1,190 tỷ đồng (tăng 23%) cùng với tiền và tương đương tiền 821 tỷ đồng (gấp 2.3 lần đầu năm) chiếm hơn 60%.
Phía nguồn vốn, nợ phải trả của BMP ghi nhận 565 tỷ đồng, tăng 33% so với đầu năm. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 55 tỷ đồng, chỉ tăng 10 triệu đồng. BMP không vay dài hạn.
Trước Nhựa Bình Minh, một ông lớn khác trong ngành nhựa là CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (HNX: NTP) cũng công bố lãi ròng 2023 cao kỷ lục, đạt 559 tỷ đồng (tăng 17% so với năm trước), nhờ được hưởng lợi từ giá nguyên liệu đầu vào giảm.
* Bứt tốc quý cuối năm 2023, Nhựa Tiền Phong lãi hơn gấp đôi cùng kỳ
* BMP và NTP: Ai đang chiếm thế thượng phong?
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu của 2 ông lớn ngành nhựa kể trên có mức tăng ấn tượng, giá BMP có lúc gấp đôi đầu năm 2023. Kết phiên sáng 26/01/2024, giá cổ phiếu BMP tăng hơn 90% và giá NTP tăng gần 40% so với đầu năm 2023, giao dịch quanh mức 105,300 đồng/cp và 43,000 đồng/cp.
Hiệu suất giá cổ phiếu NTP và BMP từ đầu năm 2023
Nguồn: VietstockFinance
|
Kha Nguyễn