Thị trường chứng khoán Việt Nam: Tầm nhìn 2013

Ngày 15.1, Công ty chứng khoán Phú Hưng đã tổ chức hội thảo “Thị trường chứng khoán Việt Nam: tầm nhìn 2013”.

Dựa trên hệ số tương quan giữa VN-Index với các chỉ số kinh tế (tốc độ tăng trưởng GDP và lãi suất tiền gửi), kết hợp các dự báo kinh tế thế giới và trong nước, Ông Wiston – Giám đốc Khối Nghiên cứu - Phân tích và tư vấn tài chính doanh nghiệp cho rằng thị trường chứng khoán sẽ chuyển biến tích cực nếu tăng trưởng GDP đạt 5,8% (dự kiến của Chính phủ là 5,5%), lãi suất tiền gửi là 7%/năm (hiện nay là 8%/năm). Thị trường kỳ vọng đạt điểm cao nhất trong 6 tháng đầu năm 2013 bởi các thông tin về kinh tế vĩ mô mà Chính phủ đưa ra cũng như triển vọng tăng trưởng mà các doanh nghiệp công bố. Tuy nhiên, không phải ngành nào cũng có khả năng phục hồi hay tăng trưởng.

Về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2013, Ông Winston cho rằng sẽ không có những phát triển đột biến, nhưng ba ngành thực phẩm, dầu khí, dược phẩm tương đối ổn định tăng trưởng, có triển vọng để đầu tư. Ngành thực phẩm đóng góp tỷ trọng khá lớn trong tổng sản phẩm công nghiệp, tương lai sẽ tiếp tục thu hút được lượng vốn đầu tư nước ngoài vì thực phẩm là hàng tiêu dùng thiết yếu với nhu cầu tiêu dùng cao ngay cả trong tình hình kinh tế khó khăn. Tiềm năng ngành dầu khí đi cùng sự phát triển kinh tế, thêm vào đó, tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đang tái cấu trúc theo hướng hỗ trợ những doanh nghiệp có mảng kinh doanh cốt lõi là khai thác dầu khí. Trong ngành dược phẩm, với cam kết của Chính phủ quan tâm phát triển ngành này, các công ty dược trong nước có động lực nâng cao công nghệ và chất lượng sản phẩm.

Ba ngành được cho là sẽ có nhiều biến động cao hơn biến động chung của nền kinh tế và dự báo là: ngân hàng, chứng khoán, bất động sản. Thách thức lớn nhất với ngành ngân hàng là giải quyết nợ xấu và khơi thông dòng vốn từ ngân hàng đến doanh nghiệp. Còn với bất động sản, lượng căn hộ tồn kho rất lớn và việc giải quyết không hề đơn giản do khả năng tiếp cận tín dụng mua nhà vẫn hạn chế.